.

Muôn nẻo đường quê

.

Đường làng bây giờ đã thay chiếc áo mới tinh tươm. Phong trào bê-tông hóa nông thôn khởi xướng từ mấy năm qua đã đưa những con đường làng lầy lội, ổ trâu, ổ gà vào hoài niệm. Nếu làm một chuyến điền dã qua các xã vùng nông thôn ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sẽ tận mắt thấy đời sống nông dân đổi thay từng ngày từ những con đường. 

 

Mô tả ảnh.
Nhiều ngõ hẻm nối với đường làng Phong Nam, xã Hòa Châu, cũng đã đẹp hơn cùng với cảnh vật làng quê.

Đã từ lâu, những con đường làng rợp bóng tre xanh đi vào nỗi nhớ của bao thế hệ người Việt. Những con đường quê luôn đồng hành với một thuở cắt cỏ chăn trâu, một thời gánh gồng kĩu kịt… Đã qua rồi cái thuở lội sình trơn trượt khi mùa mưa về. Cũng chấm hết cảnh cưỡi xe trên đoạn đường gập ghềnh đầy ổ gà, ổ voi trong mấy tháng mùa khô.

 

Ngày trước, mỗi năm khi mùa mưa lũ đi qua là xóm làng như trải qua cuộc chiến không cân sức với thủy thần. Vườn tược tan hoang, cây cối gãy đổ. Nhất là những con đường làng lở lói khắp nơi. Thậm chí có đoạn sụt lở, trôi hết đất, nước lũ băng ngang đồng như dòng sông. Trẻ con đi học phải xắn quần lội ngang gối, trông đến tội. Thậm chí có những trường hợp đau lòng xảy ra bởi một vũng nước mưa chưa kịp rút…

Thấm thía nỗi đau từ những mùa mưa lũ, nên khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, nhà nhà đều hăng hái tham gia. Kẻ có đất sát đường thì nhường đất, người trong xóm thì đóng góp tiền của, công sức. Ai cũng mong con đường mới ra đời sẽ giảm đi những khó khăn vất vả mà người nông dân gánh chịu trong việc đi lại, sản xuất ở hai mùa mưa nắng.

Bây giờ, xe chạy vào tận sân nhà. Đó là cách nói để biểu lộ niềm hoan hỉ của người dân vùng nông thôn khi các con đường làng được bê-tông hóa đến từng ngõ ngách. Đến mùa gặt, xe công nông, xe bò chở lúa về đến ngõ, khỏi mất công khiêng khiêng, vác vác. Các bà các cô  đi thăm lúa chỉ cần mấy phút vi vu trên xe máy. Thăm bà con, sui gia ở xã bên ư? Chuyện nhỏ! Vèo một chuyến trên con đường liên xã bát ngát từng cây số. Trẻ con tha hồ nhảy chân sáo đến trường mà không sợ vấp ổ chân trâu như dạo trước…

Người ta nói, con đường đồng hành văn minh quả không sai. Có đường mới, hàng quán ở nông thôn mọc lên phục vụ nhu cầu mua bán của bà con làng xóm. Hàng hóa lưu thông khiến cuộc sống nông thôn bừng sáng. Nông sản làm ra với số lượng lớn được thương lái đánh ô-tô về tận nơi thu mua. Nếu ít thì nông dân tự chở xe máy ra chợ, khỏi phải gánh gồng chi cho mệt xác. Khỏi phải bình luận về niềm phấn khởi của bà con ở các làng quê về những lợi ích từ con đường mới này mang lại.

Nhưng có người lại nói, bê-tông hóa đường làng làm mất đi vẻ đẹp thuần túy của nông thôn xưa. Lại đưa ra dẫn chứng rằng: Làng cổ Phong Lệ là một ví dụ. Tiếng là làng cổ nhưng biết tìm đâu ra một con đường đất đỏ liêu xiêu, một hàng dậu thưa phất phơ hoa mướp vàng… Tất cả đã được bê-tông hóa đến từng ngõ xóm. Có thể những con đường mới này đã “cất” đi vẻ đẹp chân chất, thơ mộng một thời của thôn quê Việt Nam, nhưng nói như nhà văn Nguyễn Khải trong Một người Hà Nội: “Mỗi thế hệ đều có một thời vàng son của họ”.

Có về thăm quê trong những ngày lễ, Tết mới thấy xóm làng tưng bừng như ngày hội. Mọi đường làng, cổng ngõ đều đỏ rực màu cờ. Nhà nào cũng xây lại tường rào cổng ngõ to đẹp hơn cho tương xứng với con đường. Các cụ cao niên mỗi khi thả bộ đến đình làng hay ngồi lại trò chuyện trong quán nước bên đường đều không quên nhắc rằng, chủ trương làm đường nông thôn của Nhà nước thật sáng suốt. Không chỉ cuộc sống người dân được nâng cao mà tình cảm quê hương, gia đình cũng đậm đà sâu sắc hơn nhiều. Từ khi có con đường bê-tông, con cháu ở các nơi năng về quê thăm ông bà, cha mẹ hơn. Những dịp giỗ chạp, họ mạc cũng ít vắng mặt đứa nào…

Thế mới biết, đường quê một khi được chăm chút thì không chỉ làm đẹp làng mà còn làm đẹp cả tâm hồn con người.

Như Hạnh

;
.
.
.
.
.