Từ lâu đình làng hiện hữu trong tâm thức và ngoài đời thực như một phần tất yếu của đời sống văn hóa tinh thần người Việt.
Công viên trong sân đình
Người dân Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, không thể nào quên cơn bão số 6 (Xangsane) năm 2006 khi nó chỉ “xô” nhẹ một cái là đổ khuỵu ngôi đình làng già cỗi. Lúc đó, trong làng có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ, và chừng đó hộ dân vẫn còn chịu cảnh màn trời chiếu đất, nhưng ai nấy đều sẵn lòng góp công, góp của để sớm khôi phục nơi được xem là thiêng liêng nhất của làng.
Một năm sau, ngôi đình tọa lạc trên khu đất gần 2.000m2 ấy được khởi công trùng tu với kinh phí gần một tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ và dân làng đóng góp. Vậy là những giá trị nhân văn của một vùng đất được cho là cái nôi của cư dân đất Hóa Châu xưa và Đà Nẵng-Quảng Nam ngày nay đã được khôi phục. Nhưng rất tiếc, sau lễ khánh thành “đình đám”, toàn bộ khuôn viên đình đã trở nên hoang vắng, sân đình chìm trong cỏ dại do thiếu người chăm sóc. Những ai nặng lòng với quê hương bản quán không khỏi cảm thấy xót xa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Khánh Nam, sau khi được bầu làm Trưởng ban Hội đồng Chư phái tộc làng Đà Sơn vào tháng 6 vừa rồi, đã lên kế hoạch “làm mới” cảnh quan đình làng. Ông Thanh cùng với Phó Trưởng ban Đàm Trung Nhơn và hai thành viên trong Hội đồng Chư phái tộc là Phan Văn Thanh và Hồ Cư đứng ra vận động bà con các họ tộc, các nhà hảo tâm góp công, góp của vào việc làng.
Trước ngày khởi công làm lại sân đình, Đội 12 Công ty Vạn Tường đã đổ mấy xe đá hỗ trợ cho việc chung của làng. Rồi người dân ngạc nhiên khi thấy xuất hiện các chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Thông tin 575 - đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn Đà Sơn. Các anh đến, kẻ xúc đá, người trộn bê-tông… cùng với bà con dân làng coi việc đình như việc nhà mình. Bộ đội còn giúp mình làm đẹp đình, mình là dân làng mà thờ ơ thì còn thể thống gì nữa. Nghĩ thế, mọi người xắn tay áo ra đình. Dân, quân một lòng, chẳng mấy chốc khuôn viên đình làng đã đổi thay hẳn ra. Trên vạt đất từng um tùm cỏ dại đã mọc lên những bồn hoa cỏ, những cây kiểng nghệ thuật. Trụ cờ, lễ đài được xây dựng để phục vụ cho các nghi thức lễ lạt, hội hè.
Khuôn viên đình được xếp hạng di tích cấp thành phố giờ như một công viên, kết quả của hơn 120 triệu đồng công của đóng góp, vận động. Các cụ bảo, ngày xưa tới đình chơi nhảy dây, bắn bi còn ngồi bệt dưới đất chứ mô có ghế đá lịch sự như chừ.
Tấm lòng hậu thế đối với tiền nhân
Đình Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 4-1-1999.
Năm đó, bà con các họ tộc đã góp 46 triệu đồng tu sửa mặt bằng sân đình để khôi phục hội làng lần đầu tiên chào mừng sự kiện trọng đại này. Sau đó, bà con góp tiếp 30 triệu đồng làm trụ biểu, cổng ngõ; rồi 27 triệu đồng lót gạch sân đình và sân nhà thờ Tiền hiền. Và gần đây nhất, 8 triệu đồng đổ đất chống xói lở sân đình.
So với đình Đà Sơn thì đình Túy Loan bị ảnh hưởng thiên tai nhiều hơn, nhất là các cơn lũ mà gần nhất là lũ tháng 11 vừa rồi. Cuối năm ngoái, các hạng mục chính đình, nhà hội hương, nhà trù, tường rào và trụ biểu đã được trùng tu với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp 2,7 tỷ đồng. Công trình hoàn thành, những tưởng tình trạng ngã đổ tường rào sẽ không còn xảy ra nữa. Thế mà, cơn lũ tháng 11 vừa qua đã lặp lại “kịch bản” cũ: hai mảng tường rào phía trước và phía sau khuôn viên đình, nơi đối diện với những đợt sóng cuộn từ sông Túy Loan lên, đã đổ sập.
Hôm chúng tôi đến, ông Năm Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích đình Túy Loan, lọ mọ thu dọn những gì có thể sau lũ lụt. Ông bảo, cơ quan chức năng đã về khảo sát và hứa sẽ xây lại tường rào để giữ vẹn vẻ đẹp cho di tích cấp quốc gia này để kịp hội làng vào ngày 9 tháng Giêng năm Nhâm Thìn sắp tới - hội làng đầu tiên sau khi làng có đình mới. Có điều, ông đang lo là bộ trống hội gồm 10 chiếc treo trong nhà trù đã bị hơi ẩm làm bức mặt hết, bịt lại tất cả chỉ tốn khoảng 8 triệu đồng, nhưng chưa biết trông chờ vào nguồn nào.
Đình Bồ Bản được xếp hạng di tích cấp quốc gia cùng lúc với “hàng xóm” là đình Túy Loan. Ông Dương Tấn Đạt, Bí thư xã Hòa Phong cho biết, thành phố vừa hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng tường rào và trụ biểu cho đình, bà con các họ tộc tham gia công cán để cảnh quan làng mình cũng đẹp như làng bạn.
Dân làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cũng không ngoài ý hướng đó. Sau khi đình làng được xây dựng với kinh phí gần 800 triệu đồng do người dân và các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp, công trình Nhà văn hóa Làng Hòa Mỹ đang được xây dựng sát bên với kinh phí xã hội hóa dự toán trên 1 tỷ đồng. Với diện tích 400m2, nơi đây sẽ bố trí thư viện, phòng truyền thống, nhà hội, sân khấu... để hình thành các CLB bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bài chòi, văn nghệ, khuyến học, gia đình hạnh phúc… Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng Hòa Mỹ chia sẻ: Ước nguyện thì nhiều, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào tấm lòng của mọi người...
Từ lâu đình hiện hữu trong tâm thức và ngoài đời thực như một phần tất yếu của đời sống văn hóa tâm linh người Việt. Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu. Đình mang nét đẹp rất thơ từ ca dao xưa đi vào đời sống xã hội ngày nay, đình ở mọi nơi, dù quê hay phố. Và khi người ta hiến cúng vào đình bộ lư nhang, bức hoành hay đôi lúc chỉ là dăm ba viên ngói, một vài cây cảnh… thì giá trị không phải ở sự lớn hay nhỏ, mà cái chính là soi lòng vào đó để sửa mình sao cho xứng đáng hơn với công đức tiền nhân.
VĂN THÀNH LÊ