.

Người có “H” ở Đà Nẵng

.

Dịch HIV ở Đà Nẵng vẫn ở giai đoạn tập trung và có tỷ lệ hiện nhiễm trên dân số thấp hơn các thành phố lớn khác trong cả nước.

Các cơ sở điều trị methadone đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác trên những bệnh nhân NCMT ở Đà Nẵng.
Các cơ sở điều trị methadone đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác trên những bệnh nhân NCMT ở Đà Nẵng.

Từ nghịch lý đến bơm kim tiêm

Trong hai năm 2005 và 2009, Đà Nẵng cùng 10 tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã triển khai Chương trình giám sát kết hợp hành vi và các chỉ số sinh học (Integrated Biologic and Behavioral Surveillance - IBBS). Đây là cuộc điều tra có hệ thống trên quy mô cộng đồng, tập trung vào các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất là người nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD).

Kết quả điều tra cho thấy: Ở nhóm NCMT, tỷ lệ người đã từng dùng chung bơm kim tiêm (BKT) trong 6 tháng qua (trước thời điểm thực hiện IBBS) đã tăng từ 25,5% năm 2005 lên 38,5% năm 2009. Thế nhưng, khảo sát của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT (hệ quả của việc dùng chung BKT) chỉ tăng nhẹ trong năm 2005 và có khuynh hướng giảm liên tiếp từ năm 2006 đến năm 2010.

Tháng 10-2010, khi đoàn công tác thuộc Dự án Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đến Đà Nẵng làm việc, nghịch lý trên đã gây ngạc nhiên cho một thành viên trong đoàn là ông David Jacka, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới. Ông bảo, tỷ lệ người NCMT dùng chung BKT tăng mà tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đó lại giảm là một điều may mắn của Đà Nẵng, nhưng nó chỉ đến một lần. “Muốn ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao này, các bạn phải nhanh chóng triển khai chương trình cấp BKT sạch miễn phí cho các đối tượng NCMT” - ông nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thành Mười, Điều phối viên Dự án Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tại Đà Nẵng cho biết, trước đây Đà Nẵng cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình này, nhưng gián đoạn một thời gian. Bắt đầu từ tháng 7-2011, với sự hỗ trợ kinh phí của Dự án Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do WB tài trợ, thành phố đã triển khai cung cấp BKT sạch cho những đối tượng NCMT.

TP. Hồ Chí Minh đã triển khai việc đặt hộp BKT miễn phí tại các điểm tiêm chích ma túy giống như đặt bao cao su trong khách sạn, nhà nghỉ. Nếu thực hiện tốt việc này thì sẽ đóng góp rất nhiều trong việc giảm lây truyền HIV trong những đối tượng NCMT với nhau và từ họ ra cộng đồng. Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa đặt BKT tại các tụ điểm tiêm chích ma túy mà chỉ mới triển khai thí điểm việc cung cấp BKT sạch thông qua 23 quầy thuốc của trạm y tế phường và 8 quầy thuốc tư nhân tại hai quận Hải Châu và Thanh Khê, hai địa bàn hiện có số người NCMT cao nhất Đà Nẵng.

Ban quản lý dự án sẽ cấp Phiếu nhận BKT miễn phí cho các đồng đẳng viên để họ tiếp cận người NCMT và phát cho các đối tượng này. Người NCMT có thể mang phiếu đến bất kỳ quầy thuốc nào (địa chỉ ghi ở mặt sau phiếu) để nhận BKT miễn phí. Với mô hình này, bác sĩ Mười nhận xét, các đối tượng NCMT có thể có BKT khi cần thiết mà không sợ bị phát hiện hoặc những vấn đề khác liên quan vì các cơ sở cấp phát này đều là cơ sở y tế; phía dự án cũng có thể giám sát được số BKT phát ra, hạn chế việc thất thoát.

Tuy mới triển khai từ tháng 7-2011, nhưng kết quả bước đầu cho thấy các đối tượng NCMT chấp nhận cao, số BKT phát ra đúng đối tượng, đến hết tháng 11 năm 2011, chương trình đã phát hơn 70.000 BKT. Sắp đến, sẽ mở rộng mô hình này tại các quận huyện còn lại của Đà Nẵng sau khi có đánh giá về hiệu quả của chương trình và nếu có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án.

Hiệu quả từ cách làm riêng

Qua các phương tiện thông tin, cộng đồng ngày càng rõ hơn những cách để tự bảo vệ mình trước dịch HIV.
Qua các phương tiện thông tin, cộng đồng ngày càng rõ hơn những cách để tự bảo vệ mình trước dịch HIV.

Cũng như các nơi khác, đối tượng lây nhiễm “H” (cách gọi tắt của HIV) ở Đà Nẵng vẫn chủ yếu trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao như NCMT, phụ nữ bán dâm và nam có quan hệ tình dục đồng giới MSM. Theo Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng, từ năm 2003 đến nay trung bình mỗi năm Đà Nẵng phát hiện hơn 100 ca nhiễm HIV (trong đó có hơn 40% là người ngoại tỉnh) và có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Trên 70% số ca nhiễm mới được phát hiện có độ tuổi từ 20 đến 39 và nam giới chiếm hơn 73%. Những năm gần đây thì nữ giới đã dần chiếm tỷ lệ cao trong số ca nhiễm mới được phát hiện và hình thái lây nhiễm qua đường tình dục ngày càng chiếm ưu thế trong các đường lây truyền.

Tuy nhiên, dịch HIV ở Đà Nẵng vẫn ở giai đoạn tập trung và có tỷ lệ hiện nhiễm trên dân số thấp hơn các thành phố lớn khác trong cả nước. Bác sĩ Đào dẫn chứng: TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ ca nhiễm HIV còn sống trên số dân là 0,45% (45.285 ca nhiễm HIV còn sống/10 triệu người). Hà Nội, các con số này lần lượt là 0,23% (17.434 ca nhiễm/7,5 triệu người). Nghệ An: 0,14% (4.906 ca nhiễm/3,3 triệu người)... Trong khi đó, Đà Nẵng tỷ lệ là 0,08% (799 ca nhiễm/900.000 người).

Một điểm khác: Ở các tỉnh, thành khác, các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý và các nhân viên làm việc tại các cơ sở này là làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, thì ở Đà Nẵng, 2 cơ sở điều trị methadone đều được giao cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS quản lý cả về nhân sự lẫn chuyên môn. Cán bộ làm việc tại 2 cơ sở này được biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. “Phải nói đây là điểm mạnh nhằm thu hút và giúp cán bộ đến làm việc an tâm công tác, đồng thời giúp trung tâm triển khai tốt chương trình này để dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác trên những bệnh nhân NCMT” - bác sĩ Đào khẳng định.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.