.

Nơi trông trẻ từ 6 tháng tuổi

.

Nhận trông trẻ từ 6 tháng tuổi; phụ huynh có thể gửi sớm, đón muộn; nơi trông trẻ gần nhà… là những ưu điểm nổi bật của loại hình gửi trẻ này. Thế nhưng, đằng sau đó là một số vấn đề cần được sự quan tâm giải quyết của các sở, ban, ngành liên quan…

Nhiều nhóm trẻ gia đình còn nặng về việc “giữ `trẻ”.
Nhiều nhóm trẻ gia đình còn nặng về việc “giữ `trẻ”.

Nặng về giữ trẻ

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức chuyến đi khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 16/2009/CT-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại một số nhóm, lớp độc lập tư thục (ĐLTT) trên địa bàn các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Qua khảo sát, một vấn đề nổi lên là đội ngũ giáo viên ở đây có trình độ chuyên môn không đồng đều, được đào tạo chắp vá nên việc chăm sóc giáo dục trẻ theo chương trình mới còn nhiều hạn chế.

Đơn cử tại quận Cẩm Lệ, các trường mầm non tư thục chăm sóc 1.243 trẻ, các nhóm lớp ĐLTT nhận 1.569 trẻ, chiếm khoảng 56,9% số trẻ trong độ tuổi. Đây là con số đáng kể trong việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục khi các trường mầm non công lập tại địa phương không đủ điều kiện thu nhận. Tuy nhiên, trong tổng số 85 nhóm, lớp ĐLTT, chỉ có 35 chủ nhóm có trình độ từ 12+2 trở lên (tương đương với trình độ trung cấp sư phạm mầm non); có 75/85 nhóm, lớp ĐLTT được cấp giấy chứng nhận bếp ăn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động.

Tại địa bàn quận Thanh Khê có 69 nhóm, lớp ĐLTT với 240 giáo viên, nhân viên thì số lượng chưa qua đào tạo là 15 người, 57/69 nhóm, lớp được cấp phép, tỷ lệ 82,60%. Theo ông Vĩ Sách, Trưởng phòng GD-ĐT quận, một số cơ sở nuôi dạy trẻ chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, chỉ nặng về “giữ trẻ”, chưa đầu tư cơ sở vật chất nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ về vấn đề vệ sinh môi trường, ăn uống hay độ sáng của phòng học…

Sự lựa chọn duy nhất

Dù vài năm nay, Bộ GD-ĐT đã quy định việc nhận trẻ từ 3 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập nhưng trên thực tế tại Đà Nẵng, chưa có trường nào nhận trẻ độ tuổi này. Không có điều kiện thuê người trông trẻ, người cần gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi không có sự lựa chọn nào khác, ngoài con đường tìm đến các nhóm, lớp ĐLTT.

Chị Nga, có con 6 tháng tuổi bảo rằng, do không tìm được nơi gửi trẻ, chị đành nhờ hai bà nội, ngoại thay nhau trông cháu. “Hai bà phải thu xếp công việc nhà để đến ở với vợ chồng làm mình cũng ngại lắm, nhưng biết sao được khi mình không còn sự lựa chọn nào khác. Ráng đợi con cứng cáp thêm vài tháng, chắc chắn vẫn phải gửi con  ở các lớp ĐLTT”, chị Nga khẳng định.

Số lượng nhóm, lớp ĐLTT dường như tăng bao nhiêu cũng không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là những địa bàn đông lao động nhập cư. Đơn cử: quận Liên Chiểu có tổng số 141 nhóm trẻ ĐLTT thì riêng phường Hòa Khánh Bắc đã chiếm 48 nhóm, Hòa Minh có 37 nhóm. Ông Lại Tấn Nghị, Phó phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu nói, nhóm lớp mầm non ĐLTT phát triển nhanh, quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thiếu ổn định đã gây khó khăn cho công tác quy hoạch mạng lưới cũng như việc kiểm tra, quản lý.

Một thực tế khác, tại các nhóm trẻ ĐLTT không có một quy định cụ thể nào cho việc thu học phí. Do vậy sự quan tâm, chế độ dinh dưỡng trong ngày cho trẻ ít nhiều cũng phụ thuộc vào mức thu phí này. Ví dụ, tại nhóm trẻ Xuân Mai (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), mức phí 680.000 đồng/tháng/cháu nhưng số tiền ăn trong ngày cho trẻ chỉ là 8.000 đồng cho 2 bữa chính. Tại nhóm Xuân Thảo (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) có mức phí 887.000 đồng/tháng/cháu thì số tiền ăn trong ngày đã là 20.000 đồng/3 bữa chính và phụ. Dù sự chênh lệch mức thu phí tại hai điểm trên không quá cao, nhưng chế độ dinh dưỡng trong ngày có nhiều khác biệt. Theo lý giải của bà Bùi Trần Linh Phương, nhóm Xuân Mai thì do phụ huynh ở đây chủ yếu là người lao động thu nhập thấp, nên mức thu học phí không thể cao hơn được.

Bà Huỳnh Thị Tam Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để bảo đảm chất lượng chăm sóc trẻ tại các nhóm, lớp ĐLTT, thời gian tới, cần chú ý đến bảng đánh giá sự phát triển của các nhóm lớp qua các năm hoạt động, hướng dẫn các nhóm trẻ gia đình cách ghi tổng hợp sức khỏe của trẻ. Nếu phát hiện cơ sở nào hoạt động trái phép, không bảo đảm các điều kiện nuôi dạy trẻ phải tiến hành xử phạt, cao nhất là buộc đóng cửa.

Huỳnh Lê

 

;
.
.
.
.
.