.

Nông nghiệp thế giới sa sút

.
Dân số thế giới vừa bước qua con số 7 tỷ người. Dự kiến tới năm 2050, thế giới sẽ có hơn 9 tỷ người. Trước tình hình dân số tăng nhanh, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã dự báo tương lai đầy khó khăn cho thế giới. Để đảm bảo nguồn lương thực cho hơn 9 tỷ người, sản lượng nông nghiệp phải tăng 70% so với hiện nay. FAO ước tính là 1 tỷ tấn lúa mì, gạo và các loại ngũ cốc khác; 200 triệu tấn thịt bò và các loại gia súc khác.

Mô tả ảnh.
Nông dân Trung Quốc phải canh tác trên vùng đất bạc màu.
 
Tuy nhiên, để đáp ứng được “sức ăn” ngày một tăng cao, người nông dân buộc phải thực hiện biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thực tế đã từng chứng minh biện pháp này dẫn tới ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm và mất đa dạng sinh học. Ở vùng cao nguyên của dãy Himalaya, dãy Andes, Ethiopia và miền Nam châu Phi đã bị xói mòn nghiêm trọng và lũ lụt ngày càng khó lường...

FAO đem tới hội nghị về biến đổi khí hậu kéo dài hai tuần tại Durban (Nam Phi) một bản báo cáo xám xịt về tình trạng nông nghiệp của cả thế giới. Bản báo cáo được FAO đưa ra cho thấy tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra song song với việc cung cách canh tác của nông dân nghèo đã làm giảm năng suất đất nông nghiệp trên toàn thế giới sau những năm bùng nổ “cách mạng xanh” (năng suất cây trồng tăng vọt nhờ công nghệ mới, thuốc bảo vệ thực vật và các giống cây trồng có năng suất cao). Nhờ cuộc cách mạng xanh mà đất nông nghiệp chỉ tăng 12% nhưng sản lượng tăng tới 150% giữa thời điểm năm 1961 với năm 2009. Tuy nhiên, tốc độ tăng sản lượng bắt đầu giảm xuống trong nhiều loại cây trồng, thậm chí có loại chỉ còn khoảng 50% sản lượng.

Kết quả điều tra của FAO cho thấy 25% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới đang bị bạc màu nghiêm trọng do lở đất, thiếu người và mất đa dạng sinh học. 8% khác cũng bị bạc màu nhưng ở mức độ vừa phải. 36% ổn định hoặc chỉ bạc màu nhẹ. 10% được xếp hạng là có cải thiện về chất lượng. Nguồn nước ngày càng khan hiếm hoặc nhiễm mặn quá nhiều. Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng. FAO dự tính để bảo đảm được nhu cầu nước cho các nước đang phát triển vào năm 2050 phải đầu tư khoảng 642 tỷ bảng Anh, thêm 160 tỷ bảng Anh khác cho xói mòn đất và kiểm soát lũ lụt. Ngoài ra, giới nghiên cứu nông nghiệp tìm ra biện pháp canh tác hiệu quả về năng suất nhưng không ảnh hưởng tới môi trường như kết quả của cuộc cách mạng xanh trước đây.

Anh Thư
;
.
.
.
.
.