Có con, một thứ hạnh phúc thiêng liêng nhất của đời người. Có con, khi nhìn thằng nhóc đang lớn từng ngày, chị mới bắt đầu hiểu câu nói tưởng chừng đã quá rõ ràng: “Không ai chọn được cha mẹ và quê hương”.
Bởi nhìn thiên thần của mình đang lớn lên từng ngày, chị bắt đầu lo lắng. Rằng mình đây, cái người mà con không có quyền lựa chọn, sẽ làm gì để con có được một cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó, bắt đầu từ những năm tháng ấu thơ.
Điều lo lắng đầu tiên, làm sao để chị cho con một không gian thơ ấu đúng nghĩa. Đủ rộng để cu cậu tha hồ chạy nhảy, đủ hiền hòa với những bóng cây râm mát, đủ sinh động với nhiều trò chơi giản dị mà ý nghĩa, và đủ an toàn nhưng cũng vừa kích thích óc khám phá của trẻ thơ?
Nhìn con, chị bỗng thấy nhớ quá chừng thời thơ dại của mình. Nhớ “ngôi nhà” dưới gốc mít sau vườn, dựng bằng bốn cây sắn và mớ dây chuối, lá đu đủ xanh vàng, dưới “ngôi nhà” đơn sơ ấy, bao nhiêu là trò chơi. Nhớ cây lê ki ma rụng đầy hoa trắng nhà bác Sáu, chị và cô em gái nhỏ hơn bốn tuổi thơ thẩn nhặt hoa rồi xâu thành những chiếc vòng tay, vòng cổ, đeo vào và mơ những giấc mơ công chúa nhỏ xinh. Nhớ con dốc trước nhà, sáng nào cũng xôn xao tiếng cười nói, đôi khi là cãi nhau của những người mua chè xanh, chị hay chạy ra chơi và nhặt những quả chè, cắn đôi rồi mút lấy nước ở giữa, chẳng có mùi vị gì đặc biệt mà sao vẫn rất ghiền. Nhớ bầy vịt con lông vàng chạy đến tranh nhau những con giun đất từ tay chị.
Nhớ chú Cún nhỏ míp máp chạy lũn cũn, có lần bị chị giẫm lên kêu ẳng ằng rất tội nghiệp. Nhớ cây đào lộn hột phía sau vườn chị hay trèo lên ngồi kể chuyện cô bé Lọ Lem. Nhớ cả cây ổi có chùm trái chín vàng cao thật cao, để chị trèo lên hái và ngã bất tỉnh, khi tỉnh dậy thì không nói được mất nửa ngày. Nhớ bụi dủ dẻ trên gò, cứ hai ngày chị chạy lên một lần, và lần nào cũng có vài chùm quả vàng mọng nấp sau vòm lá đợi đôi bàn tay chị. Nhớ con đường làng quanh co với hai bên cỏ trải, nhiều buổi đi học về mệt, chị nằm trên cỏ ngủ một giấc rồi tỉnh dậy, đội cặp về giữa trưa nắng chênh chao...
Ôi, tất cả những điều ấy, chị làm sao mang đến cho con? Con chị, mười tháng đã đi gửi trẻ, bò lổm ngổm trên nền gạch men, tay mân mê những món đồ chơi bằng nhựa, bằng vải. Cũng bắt đầu gắn tuổi thơ với những nhà trẻ chật chội, đông đúc và xa rời thiên nhiên từ đó.
Làm sao chị mang đến cho con khu vườn đầy tiếng chim mà thơ ấu chị đã ríu ran nơi ấy, khi không gian sống giờ đây của gia đình lại là một căn hộ chung cư chưa đầy bốn mươi mét vuông. Tiếng chim bị nhốt trong lồng ở cái quán cà-phê chim mà nhiều lần chị dẫn con tới sẽ giúp con chị cảm nhận về hơi thở của thiên nhiên như thế nào?
Muốn chỉ cho con cánh chuồn kim nhỏ xíu thoắt đậu thoắt bay, chị phải chở cu cậu đi đâu? Rồi con chị, sẽ chơi gì ngoài đọc những cuốn truyện tranh, bấm liên hồi những trò điện tử trên chiếc máy trò chơi cầm tay và những game online, game offline trên máy vi tính? Khi buồn vì điểm kém hay giận nhau với bạn, nó sẽ lang thang nơi nào để lòng nhẹ đi. Phố xá đông vui, nơi đâu cũng người là người, nhưng nơi nào mới thực sự dành cho một đứa trẻ với cái tâm hồn trong sáng, với trái tim dễ tổn thương?
Những câu hỏi ấy quấn lấy chị, làm chị hoang mang. Con chị, vẫn đang lớn lên từng ngày. Sẽ đến lúc vào lớp một, sẽ đến lúc chị cuống cuồng chạy trường điểm, chạy lớp chọn cho con. Chị sẽ lại gửi con cho cô giáo chủ nhiệm “kèm cặp” thêm vào cái giờ chạng vạng lẽ ra không nên nhét gì thêm vào đầu một đứa trẻ. Rồi sẽ tiếp tục cuống cuồng tìm thầy tìm cô học nâng cao thi vào trường chuyên cấp hai. Và cuộc hành trình chở con đi học thêm từ chiều đến khuya bắt đầu từ khi con vào lớp sáu. Nghĩ đến đấy thôi, chị đã thấy choáng váng giùm con. Còn gì là tuổi thơ tươi đẹp với những trò nghịch phá hồn nhiên?
Nhiều lần chị nói với chồng là không nên nuôi con theo kiểu ấy, phải để cho con phát triển tự nhiên. Nhất là để con được giao hòa với thiên nhiên, chỉ có đứa trẻ được gần gũi với thiên nhiên chan hoà thì mới có những đức tính tốt đẹp của con người, vì thiên nhiên là bài học lớn nhất của con người. Cái khó là ở chỗ, chị tìm thấy quá ít thiên nhiên trong không gian sống của con. Vì thế, chị biết làm mẹ không phải chỉ có tình yêu thương là đủ.
Nhất là làm mẹ trong thời hiện đại, phải giành lại cho con từng khoảnh khắc yên bình ít ỏi, phải chống đỡ cùng con trước sự tấn công mạnh như vũ bão của những thứ hòng kéo con bật khỏi nơi mà lẽ ra con hiển nhiên thuộc về: thơ ấu sáng trong.
Ngô Thị Thục Trang