.

Cải tiến tuyển sinh: Đừng bỏ rơi Sử, Địa

Năm nay, việc cải tiến tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng sẽ tạo sự linh hoạt trong việc xét tuyển, và tăng thêm cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, theo phương án đề xuất của nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ hội rộng mở hơn cho thí sinh, đặc biệt là Ngoại ngữ lên ngôi, trong khi đó Sử, Địa bị bỏ rơi, ngoài khối C ra thì chẳng có khối nào ngó đến! Thật là thiếu sót rất đáng tiếc.

Bao năm nay, thí sinh không mặn mà gì với Sử, Địa vì học hai môn này chỉ thi được khối C. Mà khối C thì việc lựa chọn trường rất hạn chế; đã thế, ra trường xin việc rất khó, và có được việc thì thu nhập cũng thấp hơn nhiều so với các khối khác. Thế nên, Sử, Địa bị xem là môn phụ, bị học sinh, phụ huynh và cả xã hội thờ ơ, xem nhẹ. Kết quả là chất lượng dạy và học Sử, Địa ngày càng giảm sút, bằng chứng rõ nhất là điểm thi đại học vừa rồi rất thấp, đặc biệt là môn Sử thấp thê thảm với hàng ngàn bài điểm 0. Nếu không có sự cải tiến thì tình trạng bi quan này sẽ còn kéo dài.

Cách tốt nhất để cải thiện chất lượng dạy và học môn Sử, Địa là nâng tầm quan trọng của những môn học này lên. Sử, Địa nên là môn thi có mặt trong khối thi mới. Làm như vậy không phải “chữa cháy” mà vì kiến thức hữu ích, thiết thực của hai môn học này.

Ví dụ, các trường kinh tế đều tuyển sinh theo khối A nhưng nội dung môn Vật lý và môn Hóa học không hề phục vụ chương trình học tập về sau, nhất là ở các chuyên ngành thiên về kinh doanh hơn là kinh tế học. Đây là sự lãng phí về nguồn lực trí tuệ. Trong khi đó, nội dung hai môn Lịch sử và Địa lý lại rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu đào tạo tại các trường này và nên được dùng làm môn thi tuyển sinh.

Khó có thể kinh doanh, nhất là kinh doanh trong môi trường quốc tế thành công nếu thiếu hiểu biết về đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý, nhất là địa lý kinh tế của phía đối tác. Chưa kể, trong chương trình học của các trường này, rất nhiều môn học có đặc tính của môn Lịch sử, như lịch sử các học thuyết kinh tế, sự phát triển của các hệ thống bản vị tiền tệ, sự phát triển của thương mại quốc tế... Các môn học này đều đòi hỏi nền tảng kiến thức về lịch sử mà điều này thì sinh viên hầu như đều “hổng”.

Tương tự, cùng là ngành kỹ thuật, nhưng ngành kỹ thuật của Đại học Bách khoa sẽ không cần thi tuyển sinh bằng môn Lịch sử. Nhưng ngành kỹ thuật của các trường quân sự và an ninh thì không thể thiếu môn này bên cạnh ba môn Toán, Lý, Hóa. Vì đối tượng đào tạo của các trường này là các kỹ sư, sĩ quan sẽ đảm nhận các nhiệm vụ chính trị. Sửa đổi theo hướng này, “đất” cho môn Lịch sử sẽ được mở rộng hơn rất nhiều và sự mở rộng này là cần thiết. Khi đó, vị thế của môn Lịch sử sẽ được nâng cao và việc học tập môn này cũng sẽ được cải thiện. Vì thế, một số trường kinh tế, quân đội, công an trong tuyển sinh nên có môn Lịch sử và Địa lý.

Như vậy, theo hướng cải tiến này, những thí sinh học giỏi Lịch sử, Địa lý sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn khối thi, trường thi. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học xã hội trong nhà trường, đặc biệt là môn Lịch sử, không thể chấp nhận được tình trạng hàng ngàn bài thi điểm 0. Những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà đều hiểu rằng để nền giáo dục phát triển bền vững, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã hội nhân văn trong đó có môn Lịch sử cần được coi trọng. Nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử ở trường phổ thông là một việc làm có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc khác.    

Phạm Được

;
.
.
.
.
.