.
Cửa sổ tri thức

Tháng củ mật

.

* Vì sao tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) được gọi là tháng củ mật? (Trần Thị Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Củ mật là từ Hán Việt. “Củ” là đốc trách, xem xét; ví dụ: củ sát là coi xét, kiểm soát. “Mật” là kín đáo, không để lộ, không cho người ngoài cuộc biết tới. Vậy, củ mật là kiểm soát cẩn mật.

Xưa, các cụ gọi tháng chạp là “tháng củ mật” bởi đây là thời gian xảy ra nhiều trộm cắp. Đến tháng này, quan lại các cấp thường hay nhắc nhở người dân phải cẩn thận đề phòng, các tuần đinh phải tăng cường kiểm soát cẩn mật để ngăn ngừa đạo chích.

Dân gian có câu “gạo tháng giêng, tiền tháng chạp”, tháng chạp là tháng làm ăn không chỉ của người lương thiện mà của cả kẻ không lương thiện vì cuối năm ai cũng có nhu cầu Tết. Do người lương thiện đề phòng củ mật quá nên kẻ không lương thiện cũng khó mà xơ múi gì được. Vì thế, có người nói vui rằng “tháng củ mật, mật ít ong nhiều”.

Para Games là gì?

Biểu trưng Paralympic Games (trái) và biểu trưng ASEAN Para Games (có hình biểu trưng Paralympic Games trên bó lú
Biểu trưng Paralympic Games (trái) và biểu trưng ASEAN Para Games (có hình biểu trưng Paralympic Games trên bó lú

* Sau SEA Games là Paragames, ai cũng biết điều đó, nhưng khi hỏi Paragames có nghĩa là gì thì tôi đành chịu. Tôi chỉ có thể giải thích là đại hội thể thao dành cho những người khuyết tật. (Nguyễn Văn Học, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Tên gọi đầy đủ của hoạt động thể thao diễn ra ngay sau khi SEA Games (Đại hội Thể thao Đông Nam Á) kết thúc là ASEAN Para Games (Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á), một sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức hai năm một lần tại khu vực Đông Nam Á dành riêng cho các vận động viên khuyết tật thể chất. ASEAN Para Games được điều hành và quản lý bởi Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Sports Federation – APSF).

Chúng tôi đồng ý với bạn đọc là ASEAN Para Games lấy kiểu mẫu từ Paralympic Games (Thế vận hội Người khuyết tật). Tuy nhiên, cách giải thích  từ “Para” (trong Paralympic Games hoặc Para Games), theo chúng tôi, có khác.

Wikipedia giải thích: “Nguồn gốc của tên gọi “Paralympic” vốn không rõ ràng. Tên gọi ban đầu được đặt ra như một sự kết hợp giữa từ “paraplegic” (chứng liệt hai chi – ĐNCT) và “Olympic”. Nhưng việc thêm vào nhiều nhóm khuyết tật khác (ngoài nhóm bị liệt hai chi - ĐNCT) làm cho giải thích này không phù hợp. Giải thích chính thức hiện nay cho tên gọi này là nó có nguồn gốc từ giới từ tiếng Hy Lạp: παρά (bên cạnh, kề bên) và do tên gọi đề cập đến một cuộc thi được tổ chức song song với Thế vận hội Olympic”.

Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) đã phân các thí sinh tham dự Paralympic Games thành 6 hạng mục gồm: (1) Khuyết chi: vận động viên (VĐV) với ít nhất một chi bị mất một phần hoặc toàn bộ; (2) Bại não: VĐV não bị tổn thương không phát triển; (3) Khuyết tật trí tuệ: VĐV có hoạt động trí tuệ bị suy giảm đáng kể và bị hạn chế liên quan đến hành vi ứng xử thích nghi; (4) Xe lăn: VĐV bị chấn thương tủy sống và các khuyết tật khác mà đòi hỏi họ phải thi đấu trên xe lăn; (5) Khiếm thị: VĐV với các loại khiếm thị khác nhau; (6) Các loại khác: VĐV khuyết tật về thể chất mà không thuộc theo đúng một trong 5 loại trên.

Như vậy, ban đầu “para” trong Paralympic Games là “paralyse” (bại liệt) hoặc “paraplegic” (liệt hai chi), nhưng về sau, do thay đổi cách phân hạng mục VĐV như đã nói trên, “para” mang nghĩa mới là “paradell” (song song), vì Paralympic Games được tổ chức song song với Olympic Games (Thế vận hội Olympic). Tất nhiên, khi Para Games lấy kiểu mẫu từ Paralympic Games thì “para” trong Para Games cũng có cùng ý nghĩa.

ĐNCT  
 

;
.
.
.
.
.