.
Giới thiệu sách

Quần đảo Hoàng Sa trong quá khứ

.

Tình cờ, trong thời điểm dư luận đang rất quan tâm đến lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về chủ quyền không thể tranh cãi được của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tôi tìm thấy trong tủ sách cũ của anh tôi cuốn sách “Les archipels de Hoàng Sa et de Trường Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens d’ histoire et de géographie” (“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam về lịch sử và địa lý” - xin viết tắt là “HSTSVN”) của học giả Võ Long Tê (VLT) được xuất bản tại Sài Gòn 1974.

Trong tình hình cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa đang cần có cơ sở pháp lý để đặt lên bàn thương thảo với các bên liên quan và đang cần được dư luận quốc tế ủng hộ, có thể nói đây là một công trình rất quý cần được khai thác và phổ biến rộng rãi.

Bạn đọc hôm nay có thể ít biết về tác giả VLT, nhưng từ trước năm 1975, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu công phu về văn học-văn hóa có giá trị. Trên một trang mạng, học giả Hồ Bạch Thảo đã gọi VLT là một “cây đại thụ về văn hóa Á-Âu”. Khi tôi sắp viết những dòng này, trong cuộc vui nhân gặp nhau ngày Nô-en, nghe tôi nhắc tên “VLT”, dịch giả-nhà văn Bửu Ý và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng tỏ thái độ thích thú. Phạm Văn Hạng còn nói thêm: “Ông biết không, chính tôi là người đưa thư của VLT gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị được “đặc cách” cho phép ông mang theo mấy ngàn cuốn sách khi ra định cư ở nước ngoài…”.

Với một tác giả như vậy, cuốn sách có độ tin cậy cao. Quả là VLT đã rất công phu sưu tầm tư liệu cổ và giới thiệu cho bạn đọc một cách có hệ thống, khoa học những tư liệu đó trong cuốn sách khổ lớn dày gần 400 trang với bản chữ Hán, phiên âm tiếng Việt và dịch ra tiếng Pháp. Phần “phụ lục” gồm 40 bản đồ và bản chụp những tư liệu gốc.

Tư liệu cổ nhất trong HSTSVN là “Thiên Nam Tứ chi Lộ Đồ Thư” của Đỗ Bá Công có lẽ được soạn từ thời Chúa Trịnh; tiếp đó là trích từ “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, rồi “Lịch triều Hiến Chương Loại chí” của Phan Huy Chú (Dư Địa chí, quyển 5) “Hoàng Việt Địa Dư Chí” (bản khắc in lần đầu năm Minh Mạng thứ 14 – 1833), “Đại Nam Thực Lục Chính Biên”, “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ”, “Đại Nam Nhất Thống Chí” và tư liệu cuối cùng là “Quốc Triều Sử Toát Yếu” (được soạn dưới thời vua Thành Thái - 1889 và Duy Tân - 1908.

Xin trích một đoạn trong “Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư” do Hồ Bạch Thảo dịch:

“…Hai bên bờ con sông thuộc địa phận xã Kim Hộ có hai ngọn núi, tại mỗi núi có mỏ vàng. Từ đó đi ra biển gặp một dãy trường sa tên là Bãi Cát Vàng, dài khoảng 400 dặm, bề ngang 20 dặm nhô lên từ biển; vị trí ở ngoài cửa biển Ðại Chiêm cho đến cửa biển Sa Vinh. Mùa gió Tây Nam các thương thuyền qua lại phía trong thường phiêu dạt tại đây; mùa gió đông bắc thuyền đi bên ngoài cũng phiêu dạt tại đây; người đều bị đói, chết, hàng hóa để lại. Nhà Nguyễn (Nguyễn thị) mỗi năm vào tháng chạp đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hóa vật; thu được nhiều vàng, bạc, tiền tệ, súng, đạn.…”.

Một đoạn trong “Hoàng Việt Địa Dư Chí” cũng đã được ông Hồ Bạch Thảo dịch như sau:

“Xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở gần biển. Ngoài biển phía đông bắc có nhiều đảo núi lớn nhỏ linh tinh có đến hơn 110. Các núi đảo tương cách nhau bởi biển; hoặc một ngày đường, hoặc một vài canh. Trên có khe nước ngọt, giữa đảo có bãi cát vàng dài khoảng hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong nhìn đến đáy, trên đảo tổ yến nhiều vô số; chim có đến hàng ngàn, hàng vạn quây quần xung quanh không tránh người…

 Họ Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy người xã An Vĩnh luân phiên sung vào. Mỗi năm từ tháng giêng nhận lệnh đi, mang 6 tháng lương thực, dùng 5 chiếc thuyền đánh cá vượt biển 3 ngày 3 đêm thì tới nơi … Ðến tháng 8 trở về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân [Huế] nạp...

Đánh giá cao HSTSVN, trong “Lời tựa” cuốn sách, giáo sư Nguyễn Thế Anh, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, đã viết:

“Trong tập nghiên cứu này, ông VLT tập trung thuật lại cho chúng ta sự cải thiện dần dần trong kiến thức của chúng ta về quần đảo Hoàng Sa trong quá khứ, dựa trên các bản văn cổ mà ông xem xét với một sự chặt chẽ khoa học hiếm có, như một nhà sử học lão luyện… Và nơi đây tôi tỏ lòng kính trọng đến ông như một sử gia”.

Ông Hồ Bạch Thảo trước khi công bố một số đoạn dịch từ HSTS VN cũng đã có nhận xét: “…quần đảo Hoàng Sa mất mấy chục năm về trước vẫn là niềm đau nóng hổi trong tim mọi người Việt; cuốn sách của học giả VLT trở thành bất hủ, trong đó chụp hình nhiều tư liệu quý giá bằng chữ Hán và phần lớn được dịch ra Pháp văn. Tuy nhiên công trình của tác giả chỉ có người ngoại quốc và một số ít người Việt Nam biết chữ Pháp mới sử dụng được; nay cần phải giới thiệu ra lời Việt để số đông đồng bào ta thưởng ngoạn…”.

Xin được nói thêm: Cuốn sách HSTSVN cũng rất nên được dịch ra tiếng Anh để có thể phổ biến rộng trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình của các tổ chức quốc tế. Thiết nghĩ, Đà Nẵng - Thành phố “chủ quản” của Hoàng Sa, rất nên thực hiện điều này, một động thái có ý nghĩa thể hiện chủ quyền của mình và đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo công chúng.

Trường An-Huế, ngày cuối năm 2011

Nguyễn Khắc Phê
 

;
.
.
.
.
.