Gói bánh chưng, mổ heo, trang trí phòng đón xuân… đã trở thành truyền thống đón Tết của những người lính Hải quân. Đại tá Bùi Văn Tám, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho rằng, đó là những nét truyền thống đón Tết mà người lính biển luôn gìn giữ, và dù vui Tết nhưng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu vẫn được đặt lên hàng đầu…
Chi đoàn Lữ đoàn 161 làm báo tường đón xuân Nhâm Thìn. |
Trong không khí đất trời đang bước vào thời khắc giao mùa, giữa sắc vàng của mai, sắc hồng của đào và màu xanh lá dong do những người lính biển chuẩn bị cho Tết, vẫn không thiếu những tờ báo tường đăng thơ, tranh, ảnh, những câu chuyện của lính ngoài giờ tập luyện. Tờ báo tường là “món ăn” tinh thần mà tất cả các tàu, các Hải đội thuộc 16 chi đoàn và liên chi đoàn phải chuẩn bị và trở thành cuộc thi vào dịp cuối năm ở Lữ đoàn 161. Sau khi tham gia chấm giải, báo tường sẽ được đưa về tàu để các anh chuẩn bị phòng đón xuân. Năm nay Vùng 3 vừa hoàn thành nhà ở cho bộ đội tàu nên phòng đón xuân sẽ được chuyển lên bờ. Những cành mai, đào, những dây đèn trang trí sẽ làm nên sắc xuân giữa màu áo trắng của người lính Hải quân.
Thượng úy Hoàng Nguyên Mịch, Chính trị viên tàu 628 đã nhiều năm đón xuân trên biển kể rằng, chuẩn bị được phòng đón xuân trên tàu, nhất là những khi trời mưa, biển động là một “kỳ tích” của cán bộ, chiến sĩ. Tàu 628 đã 2 năm đón Tết trên biển và kế hoạch năm nay sẽ là năm thứ 3 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo trong những ngày Tết đến. Các anh chỉ có thể đưa lên tàu một cành cây khô, cắt hoa giấy dán lên và biến thành một cành mai; lá dong, gạo nếp, thịt heo làm món bánh chưng được chuẩn bị từ trước nhưng có khi sóng lớn nhồi lắc, không thể nấu bánh được, thì những chiếc bánh mua từ đất liền sẽ được buộc bằng dây thép trên bàn thờ.
Và không chỉ bánh chưng, tất cả các loại bánh kẹo, rượu, bình hoa… đều được buộc kỹ vào bàn thờ bằng dây thép. Đến bữa ăn, có khi không nấu được cơm vì sóng quá lớn, thì người lính lại dùng tới lương khô, nước lọc. Nếu câu được cá thì món ăn ngày đầu năm mới sẽ là món cá luộc chấm muối. Thượng úy Mịch cho biết, Tết năm 2010, chiến sĩ tàu 628 sẽ không bao giờ quên giây phút đón giao thừa thiêng liêng khi các anh thả xuống biển một lá cờ Tổ quốc đúc bằng bê-tông mang theo từ đất liền, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở dưới đáy biển. Và cũng ở giờ phút giao thừa, các anh nhận được điện chúc mừng năm mới từ lãnh đạo Lữ đoàn, Vùng 3 và từ tàu 629 ở cách đó khoảng 40 hải lý.
Các chiến sĩ Hải quân trang trí phòng đón xuân chuẩn bị Tết. |
Nhập ngũ tháng 9-2010, chiến sĩ Vũ Văn Bắc, tàu 952, Lữ đoàn 161 tự khẳng định rằng anh đã trưởng thành lên rất nhiều so với những ngày đầu quân ngũ. Lúc mới biên chế về tàu, trong chuyến đi biển đầu tiên, Bắc bị say sóng, chỉ có thể nằm một chỗ suốt 2 tuần trong chuyến đi kéo dài 20 ngày. Lần đi thứ 2, vẫn là một tuần say sóng. Đến giờ, Bắc đã quen với sóng, với gió, quen với nhiệm vụ là chiến sĩ cơ điện-máy thông tin của tàu.
Trong chuyến về phép thăm nhà ở Hải Phòng cách đây 3 tháng, Bắc đã làm bố mẹ ngạc nhiên khi vào bếp nấu ăn, dọn nhà giúp mẹ trong suốt kỳ nghỉ, khác hẳn hình ảnh cậu con trai cách đó một năm chỉ biết học và chơi. Đón Tết năm ngoái, Bắc đã tự tay gói những chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời qua điện thoại hướng dẫn của mẹ. Lần đầu tiên ăn Tết xa gia đình, cậu lính trẻ không khỏi bùi ngùi nhớ nhà, Bắc tham gia thi kéo co, bóng chuyền, ném bóng, hát karaoke… Và năm nay là năm thứ 2 đón Tết ở tàu, tiếp tục xa nhà, Bắc đã “chuẩn bị” tinh thần cho các cuộc thi thể thao, những công việc mình sẽ làm như báo tường, trang trí phòng đón xuân và đặc biệt là sẽ gói bánh chưng cho tàu mà không cần mẹ ở xa hướng dẫn như năm trước…
Thượng tá Phan Đình Cát, Phó Chính ủy Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân cho rằng, việc đón Tết vui vẻ, tiết kiệm, an toàn, nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Hơn 5 năm trở lại đây, Lữ đoàn luôn có lực lượng trực Tết trên biển. Có những tàu trực liên tục 2-3 năm liền. Những người lính Hải quân phải xa gia đình, xa không khí Tết của đất liền, công việc gia đình đành gác lại để nhận nhiệm vụ. Nhưng mỗi chiến sĩ đều xác định dù đón xuân ở đâu thì hoàn thành nhiệm vụ vẫn là trách nhiệm vinh quang với Tổ quốc…
Hoàng Nhung