.

Nước Nga ở Đà Nẵng sau 20 năm (*)

.

LTS: Sau thành công trong việc tổ chức đoàn famtrip Nga đến Đà Nẵng khảo sát khả năng hợp tác du lịch và mở đường bay Moscow-Đà Nẵng vào tháng 9-2011, khi trở về, các nhà báo tham gia đoàn đã có các bài viết giới thiệu về Đà Nẵng đăng trên các báo của Liên bang Nga. Sau đây là lược trích bài viết của BORIS VINOGRADOV (Báo Thế giới đa cực-Nga)

Tượng Quan Thế Âm trên bán đảo Sơn Trà.
Tượng Quan Thế Âm trên bán đảo Sơn Trà.

“Trên cảng Hải Phòng, trên mạn thuyền”… Lời bài hát này đột nhiên đi vào tâm trí khi chúng tôi xuất hiện tại một trong những cảng của Việt Nam. Trong những năm chiến tranh Việt Nam, những người thủy thủ của chúng tôi đã hát bài hát này, khi vận chuyển hàng hóa và vũ khí đến Hải Phòng. Nhưng lần này, chúng tôi hát bài này khi đang ở Đà Nẵng. Nơi này được người ta gọi là “cửa biển” của miền Trung Việt Nam.

 Ở tại bến cảng xuất hiện các con tàu hầu như từ khắp các nơi trên thế giới với những lá cờ từ những nơi tàu đến. Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất: ở nơi này tập trung nhiều biểu ngữ và các lá cờ chiến hạm, nhưng không có cờ của Nga.

Một bức tranh trong quá khứ đã hiện ra khác biệt. Những lá cờ của chúng tôi rõ ràng đã từng chiếm ưu thế, tôi còn chơi nhạc, còn nghe những câu chuyện thú vị trong câu lạc bộ của những thủy thủ “Seamen Club” vào những buổi tối trên bờ sông Hàn. Chúng tôi đã thường xuyên đến đó, rất nhiều lần. Ngoài Việt Nam, từ nơi này đến Savannakhet, trên đường số 9, qua sông Mekong, hàng hóa của chúng tôi đã được chuyển đến nước láng giềng Lào, cũng là con đường để phát triển xã hội chủ nghĩa. Vậy mà từ những năm 1990 trở đi, những con tàu của nước Nga, như một thói quen, dường như đã quên mất con đường đến thành phố Đà Nẵng.

Vào tháng 5-2011, hàng loạt các con tàu của Hạm đội Thái Bình Dương do tàu “Đô đốc Vinogradov” dẫn đầu đã đến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng. Trong cảng có căn cứ hải quân lớn của Việt Nam. Hầu như mọi người đều hân hoan ra chào đón khách. Bây giờ mọi người đang háo hức chờ đón con tàu “Hy vọng”, con tàu sẽ rời Vladivostok đến các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trước thềm của Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra trên một hòn đảo của Nga vào tháng 9 năm 2012.

Trong suốt chuyến hành trình, tàu “Hy vọng” sẽ đến thăm thành phố Honolulu (Hawaii, Mỹ). Và ở đó, như mọi người mong đợi, Tổng thống Barack Obama sẽ trao cho Tổng thống Dmitri Medvedev biểu tượng của Hội nghị Thượng đỉnh. Trong lời nhắc nhở đối với các học viên trẻ của Đại học Hàng hải Quốc gia mang tên G.I.Neven, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mệnh của họ đối với hòa bình thế giới, sự thân thiện và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Không phai mờ lá cờ của chúng tôi?

Nói người dân Đà Nẵng không nhìn thấy lá cờ của Nga trong nhiều năm thì không đúng. Ba màu đỏ-trắng-xanh cùng với hình ảnh một con đại bàng hai đầu đã được xây dựng và tạo nên nhiệm vụ cho chúng tôi tại địa chỉ số 22 Trần Phú cả ngày và đêm, đây cũng chính là biểu tượng cho sự hiện diện của chúng tôi trong một phần của thế giới này.

Tòa nhà Tổng Lãnh sự quán của chúng tôi không có những kiệt tác kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào những năm 80 với sự suy thoái dưới thời Gorbachov. Sau khi xây dựng xong, không ai sống ở đó. Nước Nga rời khỏi Việt Nam, các văn phòng đóng cửa.

Nhưng bây giờ, tuy đây không phải là một kiệt tác kiến trúc của thời kỳ Xô Viết nhưng là một niềm kiêu hãnh lớn lao. Trên thực tế, nơi này thuộc quyền sở hữu và nằm tại trung tâm thành phố Đà Nẵng – là niềm tự hào của Bộ Ngoại giao Nga và tất cả những cơ quan đơn vị liên quan khác.

Có một lần, một người đàn ông tên là Peter đến từ Arizona đã hỏi tôi khi tôi đang ngồi trong quán bar đối diện, nước Nga xây dựng tòa nhà này từ những viên đá màu xám với nhiều cung bậc và giữ một lượng mẫu đất để làm gì nếu ở đó chỉ có hai người làm việc? Từ đâu ông ta biết được rằng ở đó tất cả chỉ có hai người, tôi cũng không hỏi. Nhưng tôi thừa nhận rằng bản thân tôi cũng bắt đầu quan tâm, điều gì đã khiến cho những người dân này của chúng tôi từ bỏ việc kinh doanh ở Nga mà ở lại nơi này?

Sự thật là, người ta thường hay hứa trời hứa biển, còn sau đó là biến mất. Nhưng tất cả các mối quan hệ mật thiết đã kết nối các thành phố và chúng tôi hài lòng với việc kết nghĩa giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Yaroslavl, nói chính xác hơn là chính quyền tỉnh Yaroslavl. Lãnh đạo của chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh đã tiến hành trao đổi nhiều vấn đề với các đoàn đại biểu, và bây giờ muốn bắt đầu trên lĩnh vực du lịch. Để làm được điều này cần phải có cả một quá trình làm việc.

Cách đây không lâu có đoàn đại biểu của Đuma quốc gia Nga do Phó Chủ tịch Hạ Viện Ivan Menhikov dẫn đầu đã đến thăm Đà Nẵng. Tôi nhớ rằng, ông Ivan Ivanovich sau khi trở về đã rất nhiệt tình nói về thành công của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nói riêng. Và công bằng mà nói, tất cả những thành công đạt được này, đều không có chúng tôi.

Tàu Đô đốc Vinogradov cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng tháng 5-2011.
Tàu Đô đốc Vinogradov cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng tháng 5-2011.

Sức hút mãnh liệt

Cho dù là nhờ vào vị trí địa lý, hay là do số phận thì từ xưa đến nay Đà Nẵng luôn đóng vai trò là một nam châm, có sức hút mãnh liệt không thể cưỡng lại được đối với người thập phương.

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha gồm 16 tàu chiến được trang bị vũ khí thuộc loại hiện đại nhất bấy giờ mở đầu cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Sau 18 tháng đánh chiếm Đà Nẵng, Page - thiếu tướng Tổng chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha - được lệnh của Chính phủ Pháp rút hết quân ra khỏi Đà Nẵng, để lại một nghĩa địa và hàng trăm nấm mồ quân xâm lược nằm rải rác trên bán đảo Sơn Trà.

Hơn 100 năm sau, đúng vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ lên Đà Nẵng. Theo lời người ta nói, 30 năm sau, cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara đã viết trong cuốn Hồi ký của mình mang tên “Nhìn vào quá khứ” có câu “Chúng tôi đã bước vào một cuộc chiến tranh mà ở nơi đó, chúng tôi đã bị buộc rời khỏi biên giới”.

Bây giờ người Mỹ một lần nữa lại đến Đà Nẵng, nhưng không có vũ khí. Khách du lịch và các doanh nghiệp đến từ Mỹ có thể nhìn thấy thành phố và bãi biển mà ngày xưa những người lính đã bị thương và được điều trị tại một bệnh viện quân sự. Ngày nay nơi này đã là một khu nghỉ mát. Trên các quảng cáo nói rằng, khí hậu và không khí của thành phố Đà Nẵng có một sức mạnh chữa lành mọi vết thương.  

Cựu vô địch thế giới môn gôn người Úc Greg, bây giờ là một doanh nhân thành đạt tại Úc cho biết, Đà Nẵng là nơi được ông lựa chọn để thành lập câu lạc bộ sân gôn “Cá mập trắng” của mình. Trước đó ông Greg cũng đã tham quan nhiều nước trên thế giới để tìm kiếm những cảnh quan tốt. Nhưng cuối cùng ông đã lựa chọn dừng lại ở Đà Nẵng. Đây là một tổ chức uy tín sẽ có những cầu thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp đến tham gia, nơi này cũng sẽ diễn ra các sự kiện quốc tế lớn.

Trên đường đến Huế sẽ đi ngang qua hầm Hải Vân có thể nhìn thấy rõ các vịnh đẹp như tranh vẽ được bao quanh bởi các rặng dừa và các bãi biển. “Thiên đường” - những hành khách lên tiếng khen ngợi - những người khách đến từ New Zealand và Nam Phi. Nhưng họ nói rằng, nơi này đã được người Mỹ thuê trong vòng 50 năm và họ sẽ xây dựng ở đây những khu nghỉ mát và khách sạn.

Nhìn từ khách sạn “Crown Plaza”, đang được xây dựng sẽ thấy hàng loạt các khu Resort trên bờ biển, và hằng đêm mở ra trước mắt một hình ảnh tuyệt vời ở bên kia vịnh, nơi mà ở phía Sơn Trà phát ra ánh sáng kỳ diệu của bức tượng cao 65m - tượng Phật bà Quan Âm. Theo thông tin từ người dân địa phương nói, Phật bà  có thể nhìn thấy tất cả. Bà có nghìn mắt. Ngày nay đây chính là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng. Đây cũng giống như tượng Nữ thần tự do ở Mỹ hay tượng Chúa Giêsu. Phật cũng nhìn xuống nhân thế để xóa bỏ mọi tội lỗi của con người.

An toàn khi ở nơi này

Theo thống kê, hằng năm Việt Nam đón khoảng 50.000 khách du lịch đến từ Liên bang Nga. Điều này ít hơn so với các nước khác khoảng gần 100 lần. Trong năm nay, có lẽ Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển để tăng cường hơn nữa khách du lịch đến từ Nga nhằm cạnh tranh với các thành phố láng giềng như Phan Thiết và Nha Trang, nơi mà khách du lịch Nga đã trở nên phổ biến. Với chương trình này, đến năm 2020, 60% ngân sách của thành phố sẽ nhờ phát triển du lịch. Quảng cáo và ý tưởng du lịch sẽ chiếm rất nhiều
ngân sách.

Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cũng đang đàm phán để mở chuyến bay trực tiếp Matxcơva - Đà Nẵng. Bây giờ người Nga đang bay đến bờ biển của Việt Nam chỉ qua Matxcơva đến thẳng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà không cần thêm hàng ngàn dặm xa xôi nữa. Ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng đã nói với tôi rằng, trong tương lai chúng ta có thể hướng tới việc mở các chuyến bay trực tiếp từ các thành phố như Siberia và Viễn Đông.

Thật khó để nói rằng, dự án thế kỷ này sẽ thành công như thế nào. Nhưng theo những gì tôi thấy ở Đà Nẵng, người Việt Nam đã đưa một lượng các nhà khai thác du lịch đến từ Nga khiến tôi bất ngờ.

...Việc đào tạo nhân viên tốt mang một ý nghĩa quốc tế lớn lao: Ông chủ - người Trung Quốc, đầu bếp - người Úc, giám đốc điều hành - người Pháp, nhưng phụ trách an ninh - một người không rõ quốc tịch. Anh ta tên là Muhamad Ali. Tôi hỏi người bảo vệ chính, anh ta có phải là người thân của võ sĩ quyền Anh nổi tiếng hay không?

- Không, đơn giản chỉ là trùng tên thôi- Anh ta mỉm cười. – Nhưng các vị có thể hoàn toàn cảm thấy an toàn khi ở nơi này.  

Đà Nẵng-Hà Nội-Matxcơva, tháng 9-2011

(*) Vì khuôn khổ của tờ báo, Báo Đà Nẵng Cuối tuần có sửa đổi các tít bài và lược một số nội dung cho phù hợp.

 

;
.
.
.
.
.