.

Đất lành châu Phi cho doanh nhân

.

Cô Alima Atta rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh viễn thông và tiếp thị ở Anh và Mỹ. Năm 2002, cô quyết định đầu tư sang châu Phi mà điểm đến đầu tiên là Nigeria. Mọi việc ban đầu ở Nigeria khá thuận lợi từ thủ tục giấy tờ cho tới tuyển dụng nhân viên. Atta tuyển được một anh chàng tốt nghiệp đại học, ăn nói lưu loát để làm việc tại văn phòng.

Atta nói về kinh nghiệm kinh doanh ở châu Phi.
Atta nói về kinh nghiệm kinh doanh ở châu Phi.

Tưởng như anh chàng trẻ tuổi năng động này sẽ giúp cho công việc của Atta trở nên thuận lợi. Không ngờ, ngay trong lần đầu tiên Atta yêu cầu soạn một thông cáo báo chí để chuẩn bị cho một cuộc họp, khi cô quay trở lại văn phòng thì anh chàng vẫn dán mắt vào màn hình vi tính trống trơn với dáng vẻ bất lực. Cậu ta thừa nhận chưa từng một lần sử dụng máy vi tính.

Kinh nghiệm đầu tiên đó được Atta khuyến cáo các doanh nhân châu Âu, Mỹ bước đầu sang đầu tư tại châu Phi phải chú ý bởi chuyện sử dụng vi tính hay thiết bị văn phòng là thứ chẳng cần kiểm tra khi tuyển dụng ở châu Âu nhưng với châu Phi cần phải làm kỹ.

Vượt qua những khó khăn “lẻ tẻ” đó, các doanh nhân châu Âu, Mỹ có cơ hội đầu tư rất tốt ở nhiều nước châu Phi như Nigeria, Kenya hay Nam Phi. Nhiều nền kinh tế ở tiểu vùng Sahara đang cố bứt lên, đang cố tạo ra những loại hình dịch vụ và sản phẩm mà trước đây họ không hề có được. Chính vì thế sau 10 năm, Atta bảo rằng cô không hề nuối tiếc về chuyện đã đầu tư sang Nigeria, bởi quá trình kinh doanh tại đây khá trôi chảy. Chuyện vay vốn cho kinh doanh nhỏ trước đây rất khó thì nay dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giúp cô mở rộng kinh doanh sang nhiều nước nữa ở châu Phi một cách nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn.

Trong vài năm gần đây, châu Phi trở thành mảnh đất lành cho các doanh nghiệp lớn đổ vào làm ăn. Có sự thay đổi quan trọng hơn cả chuyện đầu tư là có xu hướng số lượng các công ty quốc tế lớn giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển. Có thể hiểu đó là trách nhiệm hợp tác xã hội diễn ra ở những nước đang cố gắng chuyển đổi kinh tế như Ghana, Kenya hay Uganda. Song hành với việc mở cửa đón doanh nhân nước ngoài, chính phủ nhiều nước cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi khi mạnh tay loại bỏ thói quan liêu trong các cơ quan nhà nước. Mạng lưới Internet đang dần phát triển đã giúp cho công việc kinh doanh trở nên thuận tiện hơn. Công việc ở châu Phi bây giờ như chuyển tiền qua điện thoại, quảng bá sản phẩm trên trang mạng xã hội Facebook diễn ra hệt như ở Âu, Mỹ càng giúp cho lục địa đen trở thành địa chỉ đỏ cho giới doanh nhân khắp nơi đổ về.

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.