.

Gió từ bàn tay mở

.

Tôi bị cuốn vào nội dung tập sách bởi người viết ra nó là một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng - bác sĩ Lê Đình Đại. Ở đó tôi bắt gặp những cảnh đời, những con người, những số phận người bệnh tâm thần đằng sau cánh cổng bệnh viện. Ở đó có tất cả những dằn vặt đau đớn, những cái chết thương tâm, những khát vọng sống, những niềm vui nhỏ nhoi, những giấc mơ hạnh phúc không có thực… Tất cả đan xen trong từng trang viết, từng câu chuyện nhỏ. Nhiều câu chuyện chỉ gói gọn trong khoảng trên dưới 100 từ, nhưng đã khái quát được những khía cạnh trong đời sống, tâm hồn, suy nghĩ của người bệnh.


Đó là tấm lòng của người mẹ già ít chữ trong Gió từ bàn tay mở dễ làm người đọc cảm động bởi lời thoại đơn giản nhưng chứa đựng nhiều thông điệp của hai mẹ con: “Tôi nhớ mỗi lần báo in truyện của anh tôi, tôi đạp xe một mạch từ bệnh viện về đưa cho mẹ. Truyện của anh Hương đây má! Mẹ tôi cầm tờ báo, bà lấy tay sờ lên chỗ có chữ trên trang giấy, rồi nhìn xa xa tận phương Nam và mỉm cười. Tôi nói: Má biết gì mà cười… Đừng có hàm hồ. Tao đẻ nó mà tao không biết nó viết gì sao”. Hay đó là số phận của một bệnh nhân tâm thần đã bỏ trốn trong Phía ruộng: Một người bệnh làm nông ở Thanh Hóa, theo đoàn đào vàng lên Giằng. Cả nhà bị sập hầm, anh mất trí, bạn bè đưa vào bệnh viện một tuần thì anh bỏ trốn lúc trời tối. Ra đi mất khả năng định hướng, cứ nhằm phía ruộng mà đi, lỡ lội vào bùn, càng lội càng lún rồi chìm xuống nước… Tử vong như thế thật đau lòng”.

Ta còn bắt gặp ở đó dòng nước mắt đau xót, ân hận của một người cha thường ra thăm con gái bị bệnh vào ngày chủ nhật. Một lần đến lịch hẹn ra thăm con gái, vì không có tiền xe, ông phải đi đào mấy hàng khoai đem bán, dành dụm ra thăm. Nhưng khi ông ra đến bệnh viện thì được biết con gái ông vì chờ cha mãi không thấy, cô đơn, buồn nản đã trốn viện rồi trầm mình xuống dòng sông vì tưởng bị người nhà bỏ rơi…

Gió từ bàn tay mở gồm 3 phần: Truyện ngắn, bút ký và thơ. Sức nặng của tập sách rơi vào 15 truyện ngắn bởi đây là 15 câu chuyện, 15 mảnh đời bất hạnh, đau khổ cùng cực. Nhiều câu chuyện khiến người đọc cười ra nước mắt, và thầm hỏi, nếu không một lần đọc những câu chuyện này, liệu những “người tỉnh” như chúng ta có thể hiểu được thế giới của người điên sau cánh cổng bệnh viện ấy. Từng câu chuyện được bác sĩ Lê Đình Đại kể một cách tự nhiên, mộc mạc, viết truyện mà như viết nhật ký hằng ngày.

Trong phần tự sự của mình, tác giả viết: “Kể về bệnh nhân tâm thần thật không hết. Bệnh nhân hưng cảm ca hát nói cười cả ngày, gắn hoa lá lên đầu, lên cổ, nhảy múa ngộ nghĩnh, lăng xăng. Bệnh nhân trầm cảm buồn rầu, u uất. Có bệnh nhân buồn muốn chết có thể nhảy xuống giếng, đâm vào xe, thắt cổ, cắn lưỡi, thọc đũa vào tai, nằm trên đường ray xe lửa, uống thuốc độc, thậm chí nín thở. Nhiều bệnh nhân lì rì, phẳng lặng, im lìm ngồi hoài một chỗ, mất ý chí, chẳng màng tắm rửa, ghẻ mọc khắp người. Có bệnh nhân từ chối ăn uống kéo dài. Có bệnh nhân rối loạn bản năng tình dục hễ gặp là lao tới ôm lấy ôm để người khác giới”. Ở thế giới ấy, bác sĩ Đại đã sống, đã đồng cảm. Anh khẳng định: Đó là những câu chuyện hoàn toàn có thật trong “thế giới của người điên”. Những câu chuyện ấy hoàn toàn xa lạ với một người có cuộc sống bình thường, không điên loạn.

TIỂU YẾN

(*) Gió từ bàn tay mở. Tác giả: Lê Đình Đại. Nhà xuất bản Văn học, tháng 10-2011. Giá bìa: 30.000 đồng.
 

;
.
.
.
.
.