Từ năm 1942, các tác giả Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “Tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân (...). Nam Trân đã tìm ra một khoảnh đất mới và ở đó, người đã dựng lên-ý chừng để sát nhập vào làng thơ Việt-cái cảnh núi Ngự sông Hương. Thiết tưởng vì tình láng giềng đất Quảng Nam không thể gửi ra xứ Huế món quà nào quý hơn nữa: lần thứ nhất những vẻ đẹp của xứ này được diễn ra thơ” (TNVN, tr.181).
Đúng là Huế đẹp và nên thơ là câu nói cửa miệng, là ý nghĩ thường trực trong tâm tưởng của mọi người, mỗi khi nhớ đến Huế. Nhưng ít ai phả cảm xúc thành nội dung mỹ cảm, đúc kết thành câu chữ, thành thơ, thành hình tượng, không chỉ vượt được thử thách của thời gian, lan tỏa trong không gian, mà còn đi sâu vào tiềm thức, thành vô thức dân gian, vô thức tập thể, có sức sống bền vững trong tâm thức mọi người:
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Tôi xuống thuyền cô, cô chẳng biết
Rằng Thơ thấy Đẹp phải tìm theo
Thuyền qua đến bến: cô lui lại
Vẩy chiếc chèo ngang: giọt nước gieo
Đăm đăm mắt mỏi vì chèo,
Chèo cô quấy nước trong veo giữa dòng
Biết không? Cô hỡi, biết không?
Chèo cô còn quấy, sóng lòng còn xao!
Nam Trân Nguyễn Học Sĩ (1907-1967) sinh ra ở làng Phú Thứ Thượng, Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam, chỉ sống ở Huế trong một thời gian ngắn lúc còn học trường Quốc học và mấy năm làm Tham tá ở tòa Khâm sứ Huế. Và, ngoài mấy tập thơ dịch (Nhật ký trong tù, Thơ Đường, Thơ Tống), sự nghiệp sáng tác của ông chỉ vỏn vẹn có 50 bài thơ in rải rác trên các báo và tạp chí như Nam Phong tạp chí, Văn học tạp chí, Phong Hóa, Tràng An, Sông Hương và Tân Tiến (Sa Đéc) gom lại in thành tập Huế Đẹp và Thơ (1939) mà đi vào sử sách. Tập thơ ra đời trong bối cảnh phong trào thơ mới đang suy tàn, đi vào tượng trưng, nhục cảm, nhưng vẫn giữ được hơi thơ trong trẻo, xúc cảm chân thành, lời thơ giản dị, thanh thoát, toát lên vẻ đẹp ấm áp của ánh nắng mùa xuân (Trước chùa Thiên Mụ, Tiếng chuông Diệu Đế, Cô gái Kim Luông, Giận khúc Nam ai, Nắng thu...). Nếu đòi hỏi khắt khe về phương diện nghệ thuật, có thể thấy vài câu còn thiếu sự gọt giũa về từ ngữ, nhưng cái nhìn thực tại thể hiện một cảm quan hết sức hiện đại: “Huế phượng, như giọt huyết / Rỏ xuống phủ lề đường / Mặt trời gay gay đỏ / Nhuộm đỏ góc sông Hương” (Huế, ngày hè), hoặc đôi khi dẫn dắt cảm thức người đọc quay lại nhìn dấu vết lịch sử của một thời đã qua như đường nét trên những công trình kiến trúc đền đài lăng tẩm, thông qua chân dung người phụ nữ xưa đang rao quà vặt: “Hai tay xách hai vịm / Một vài mụ le te / Tiếng non rao lảnh lói / Chốc chốc: “Ai ăn chè?”(Huế, đêm hè). Huế trong thơ Nam Trân không chỉ đẹp và thơ, mà còn in dấu bước thời gian, soi bóng dáng của không gian, sóng sánh dưới dòng sông trong xanh muôn đời lững lờ xuôi về biển cả. Điều lạ lùng là, nước sông luôn hòa tan vào biển, nhưng không bao giờ biển có thể nhạt hơn, biển muôn đời vẫn mặn mà, sôi động, trước sự ngọt ngào, dịu dàng đến mức đánh mất cả bản thân mình của những dòng sông.
Cuộc đời của Nam Trân, từ sau cách mạng (1945) kinh qua nhiều cương vị công tác trong Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Đại Lộc, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Nam, rồi làm Chánh văn phòng Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 5, kiêm Hội trưởng Hội Văn nghệ Liên khu 5. Sau 1954, ra Bắc, ông trở lại với văn chương, làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1, về công tác ở Viện Văn học (1959-1967), phụ trách tiểu ban dịch thơ chữ Hán, tham gia giảng dạy lớp đại học Hán học đầu tiên (1965-1968) và là người đầu tiên dịch Nhật ký trong tù ra chữ quốc ngữ. Điều thú vị là, ngay ở lần in đầu và cả những lần tái bản gần đây, người ta vẫn dùng bản dịch tài hoa của Nam Trân, in kèm với bản chữ Hán qua “nét bút tài hoa của cụ Phạm Phú Tiết” (Lời nói đầu Nhật ký trong tù), một người đồng hương của chính dịch giả.
PHẠM PHÚ PHONG