Bạn đã từng gặp phải những lỗi cơ bản cho một lần phỏng vấn quyết định tương lai của bạn? Kinh nghiệm được rút ra từ cá nhân người viết hy vọng sẽ góp một phần nhỏ vào hành trang cho các bạn trẻ khi đi xin việc.
(Ảnh minh họa) |
Khó khăn tôi thường gặp nhất trong những lần xin việc đầu tiên là sự nhút nhát thụ động, không dám thể hiện cá tính cũng như những kỹ năng cơ bản mà tôi đã được cọ xát trong nhà trường hoặc những nơi đã từng làm việc trước đó. Nhà tuyển dụng thật sự mong muốn tìm kiếm một ứng viên tự tin, dám lăn xả hết mình cho công việc hay một ứng viên dù bằng cấp bình thường nhưng có độ nhạy bén cao, xử lý công việc tốt. Và một kỹ năng mềm cơ bản nữa mà tôi ít khi nghĩ tới là kỹ năng làm việc nhóm và sự hòa đồng với tập thể, sống vì cái Chúng ta nhiều hơn cái Tôi của bản thân.
Ngoài ra, người viết còn gặp một trở ngại nữa khi công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên biết giao tiếp bằng tiếng Anh. Chỉ là những câu giao tiếp thông thường được học miệt mài trên ghế nhà trường nhưng không được va chạm, cọ xát nhiều, nên vừa rời trường học, những kiến thức giao tiếp thông dụng hay những từ ngữ chuyên ngành cũng để lại cho thầy cô. Tâm lý ngại giao tiếp tiếng Anh, ngại tiếp xúc với người nước ngoài đã làm chúng ta đánh mất nhiều cơ hội việc làm lớn trên “đấu trường” tìm việc làm.
Điều quan trọng chủ chốt cho một lần đi dự tuyển đó chính là lá đơn xin việc, ấn tượng đầu tiên đối với nhà tuyển dụng và được xem là “con át chủ bài” của ứng viên. Tôi phải luôn tìm cách để mình nổi bật với hàng ngàn hồ sơ sáng giá bên cạnh. Trong một lần, do thiếu kinh nghiệm cho một công việc, tôi đã xoay sự chú ý của nhà tuyển dụng sang sự cầu tiến, khả năng học hỏi, sự chăm chỉ, sẵn sàng chịu áp lực công việc khi công ty đó yêu cầu.
Tôi nghĩ rằng, mỗi bạn trẻ hãy tự tin ở chính mình bên cạnh việc luôn trau dồi và nâng cấp bản thân. Dù bạn có bằng đại học hay không, con đường phía trước vẫn luôn rộng mở với những ai biết tự đầu tư cho mình một cách khoa học nhất.
MỘC MIÊN