Bên cạnh những biển hiệu, biển quảng cáo góp phần làm bộ mặt đô thị trở nên… đô thị hơn, vẫn còn không ít biển hiệu, biển quảng cáo làm điều ngược lại vì những lỗi vô tình hay cố ý.
Các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng báo động về xu hướng dùng tiếng nước ngoài, phổ biến nhất là tiếng Anh, trong biển hiệu, biển quảng cáo trong thời gian gần đây. Không ít người đã “quay lưng” lại với tiếng Việt vì cho rằng dùng tiếng Anh mới “sang”, mới “sành điệu” (!).
Thậm chí, có một số biển dùng toàn tiếng Anh, người Việt nhìn qua cứ ngỡ lạc vào một nơi nào xa lắc tận trời Tây.
Điểm b, Khoản 1, Điều 23 Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6-11-2009 của Chính phủ Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định: “Biển hiệu phải viết
bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam”. Liệu cách thể hiện biển hiệu của một ngân hàng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hay một quán cà-phê trên đường Hồ Xuân Hương, Đà Nẵng, đã vi phạm Quy chế?
Ông Võ Đình Tịnh, Giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 2 năm 2010 và 2011, Thanh tra Sở VH-TT-DL đã ra quyết định xử phạt 145 trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo với số tiền gần 600 triệu đồng, trong đó có một trường hợp vi phạm dùng tiếng nước ngoài (sai lệch nội dung ma-két đã duyệt). Thế nhưng, trên đường Hoàng Sa hiện vẫn tồn tại một biển hiệu vi phạm như thế.
Chữ Việt trên một số biển có khi sai chính tả, ngữ pháp, làm méo mó ngữ nghĩa tiếng mẹ đẻ. Ở Đà
Nẵng, có thể thấy các lỗi rất sơ đẳng như “mỳ Quãng”, “sữa Honda”... Tiếng nước ngoài đôi lúc bị phiên âm sai như carburateur (từ kỹ thuật tiếng Pháp chỉ bộ chế hòa khí, đọc là các-buya-ra-tơ) đã bị phiên âm thành biratơ và “phuột nhún” sai lỗi chính tả; trong, chủ quán cẩn thận chú thích thêm, sợ khách hàng không rõ “biratơ” là cái gì.
Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thể hiện lòng tự tôn dân tộc ngay trong cách viết biển hiệu, bản quảng cáo: hạn chế dùng chữ nước ngoài và viết đẹp chữ nước mình. Riêng Malaysia phạt đến 1.000 ringgit (271 USD) nếu ai trình bày sai hoặc biến dạng chữ Malaysia trên bảng hiệu, quảng
cáo… Ở Đà Nẵng, trong khi cơ quan Nhà nước trân trọng tiếng mẹ đẻ thì không ít doanh nghiệp đã phớt lờ chuyện này, như một cửa hàng điện máy mới mở trên đường Nguyễn Hữu Thọ.
Việt Nam vẫn còn thiếu một luật định để bảo vệ tiếng Việt trong quảng cáo.
VĂN THÀNH LÊ