Quê Ninh ở tận ngoài kia, cái xứ chang chang cồn cát, chó ăn đá gà ăn sỏi, còn người thì tháng ba mươi ngày hết nửa là khoai sắn. Quanh năm suốt tháng cả làng quanh quẩn với miếng ăn. Mà một khi tâm trí để hết vào miếng ăn thì chẳng nghĩ ra chuyện gì khác, chẳng thoát nổi cái đói nghèo như đã vận vào từng mái nhà! Trai gái lớn lên khăn gói ra đi, cũng gọi là đi kiếm ăn! Chẳng đứa nào có nổi chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học!
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ninh là một ngoại lệ. Nhưng hết phổ thông trung học, Ninh không thi đại học. Ninh không biết cô có đủ khả năng để giành một chỗ trong giảng đường đại học hay không, nhưng cô thừa biết cha mẹ không đủ tiền chu cấp cho cô theo đuổi tấm bằng cử nhân. Và rồi sau khi tốt nghiệp đại học, cô sẽ làm gì với tấm bằng ấy? Với lại là con gái đầu, chị của bốn đứa em lít nhít, cô không thể cứ bấu víu vào cha mẹ. Trách nhiệm của người con đầu trong một gia đình nghèo được Ninh ý thức từ rất sớm. Những giờ ra chơi trong khi bạn bè chạy nhảy nô đùa thì Ninh ngồi bất động trong lớp. Không cử động mạnh, không cử động nhiều, không phơi nắng, không dầm mưa, hẳn áo quần của Ninh sẽ bền hơn. Khi giao lại cho đứa em liền kề, chiếc áo chiếc quần ấy còn như mới! Nửa ngày không tới trường, Ninh làm bánh rán, khuấy bánh đúc, luộc mớ sắn mẹt khoai ra chợ bán, loay hoay xoay xở tìm đủ cách giúp bố mẹ. Chợ quê nghèo, những chiếc bánh rán, nồi bánh đúc, củ khoai củ sắn rốt cục quay về căn bếp nhà, thay cơm! Miếng sắn nghẹn trong miệng cô học trò nhỏ, và cô biết mình phải tìm đường ra thành phố!
Thành phố thì có khách sạn. Ninh nộp đơn học lớp nghiệp vụ buồng phòng khách sạn, hy vọng sẽ kiếm được việc làm ngay sau khi mãn khóa. Theo học nghề phục vụ buồng phòng là Ninh đã tính tới ngoại hình của mình. Quê Ninh nổi tiếng là miền gái đẹp. Nhiều cô nước da trắng nõn, hai bầu vú căng tròn. Nhưng Ninh không là một trong nhiều cô đó. Chiều cao khiêm tốn, hai bầu vú nấp sau lớp vải áo không đủ sức thu hút những cặp mắt đàn ông. Bù lại, Ninh có một nụ cười hiền lành. Bà chủ khách sạn bảo nụ cười của Ninh thánh thiện, thấp thoáng phước lành trên làn môi cô. Bà chủ khách sạn là một người có đạo, còn những người đàn ông có vợ đã một lần nhìn thấy Ninh cười thì ao ước giá như có thể hôn lên làn môi ấy. Thậm chí rất có thể khi ân ái với vợ, họ tưởng tượng đang với Ninh!
Ninh không biết những ý nghĩ của khách. Ninh chỉ quan tâm tới công việc của mình, cố gắng hết mức làm thật tốt nhiệm vụ của một người hầu phòng. Trong khách sạn, vất vả nhất có lẽ là bộ phận làm phòng. Công việc không bao giờ có điểm kết thúc. Ông bà hết sức đúng khi nói bói ra ma, quét nhà ra rác! Vào lúc căn phòng bóng lộn, cửa kính gương soi không một hạt bụi, vải phủ giường thẳng tưng, điều hòa chạy êm ru, tivi đủ các kênh… thì nếu cẩn thận, vẫn phát hiện ra một điều gì đó chưa vừa ý. Điều gì đó có thể là nước thoát của bồn rửa chảy không mạnh, bản lề cửa tủ kêu cọt kẹt, một chiếc khoen rèm cửa sắp bị rơi…
Mùa hè, mùa thu… mỗi mùa một kiểu trải giường. Khách đến rồi đi, âm thầm những công việc không tên nối sáng với chiều, nối đêm với ngày. Có những người khách chỉ ở khách sạn một lần. Nhưng cũng có những người khách lâu lâu quay lại. Mỗi lần nhận thông tin đón khách từ lễ tân, Ninh luôn hỏi tên khách. Trí nhớ của Ninh khá tốt, hỏi một lần là nhớ và chưa bao giờ cô nhầm lẫn tên người này với người kia. Những câu hỏi thăm thân tình kèm với tên người luôn gây được thiện cảm. Không ít những ông khách quý mến Ninh. Phần đông họ là những người tử tế, nhưng một hai ông đôi khi vượt quá giới hạn, nửa đùa nửa thật bỡn cợt. Khách sạn quy định mỗi lần làm phòng phải hai nhân viên, cửa phòng phải mở, vừa đề phòng chuyện không hay vừa giám sát lẫn nhau. Quy định là vậy, nhưng nhiều trường hợp nhân viên phải một mình với khách. Có bữa tối khách gọi nhờ khâu cái nút áo, chẳng lẽ từ chối? Nào ai biết khách cần khâu cái nút áo thật hay chỉ viện cớ? Tất cả cái mớ quan hệ không chừng rắc rối đó được Ninh giải quyết ổn thỏa bằng sự chân thành và khéo léo của mình. Trong thâm tâm Ninh biết không được phép làm người khác tự ái. Từ chối nhưng không làm người ta tự ái, là cả một nghệ thuật. Và cô làm được điều đó bằng một câu đùa, một nụ cười, một lời hứa hẹn bâng quơ! Thỉnh thoảng có người khách nhờ Ninh chạy ra phố mua cái này cái kia. Những thứ Ninh mua giúp luôn đúng với yêu cầu của khách và đúng với giá thị trường. Ninh không ăn lời bởi cô nghĩ làm như thế là thất đức. Ninh tâm niệm đức sẽ là thứ cô để lại cho con – một đứa, hai đứa, trai hay gái gì cũng được! Nhưng nếu khách cho tiền lẻ còn thừa thì cô vui vẻ nhận kèm theo lời cám ơn. Ninh bảo cô chỉ nhận những đồng tiền không kèm theo điều kiện!
Thực ra, suy cho cùng trên đời này có đồng tiền nào không kèm theo điều kiện? Bà chủ trả cho Ninh tám mươi nghìn đồng một ngày công chắc chắn với điều kiện Ninh làm tốt công việc của một người hầu phòng. Tiền tươi thóc thật, làm ngày nào lãnh ngày ấy, không hợp đồng, không giấy tờ. Hòm hèm một tháng trên dưới hai triệu gói gọn tất tần tật những chi tiêu của ba mươi ngày. Chồng Ninh tháng nhiều tháng ít đưa cho Ninh dăm bảy trăm, một triệu nữa. Ba triệu cho hai con người ta, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước đã tròm trèm một nửa. Vài tháng mới gửi được chút ít về quê giúp bố mẹ. Tối tối hai vợ chồng ngủ sớm vì sợ tốn điện. Gọi là vợ chồng nhưng chẳng cưới xin. Bơ vơ xứ người có một bờ vai nương tựa cảm thấy an toàn hơn. Đưa nhau về quê làm giấy đăng ký kết hôn, bố mẹ hai bên thở dài cám cảnh nghèo, im lặng đồng tình. Cái giấy đăng ký kết hôn là để con cái sau này danh chính ngôn thuận chứ vợ chồng Ninh chẳng cần. Tình cảm đâu có phụ thuộc một mảnh giấy!
Đi ngủ sớm tiết kiệm tiền điện, nhưng nào có ngủ ngay. Cái chân đụng cái tay, chỉ một chốc thân thể đã quấn lấy nhau. “Tứ túc giao lân bất chi hà sự” - đúng là không còn biết cái chi trên đời này nữa! Đầu óc rỗng tuếch, thân thể mềm mại chuyển động, vô thức phận đàn ông phận đàn bà trong niềm hoan lạc không bến bờ!...
Nhưng đấy là chồng Ninh chứ không phải Ninh. Ngay cả trong giây phút chồng Ninh hừng hực sức trai, lẽ ra phải thăng hoa tột đỉnh thì Ninh không thế. Cảm giác lo lắng bám riết Ninh, càng cố giũ bỏ nó càng không buông tha. Nằm ngửa, con số tám mươi nghìn ngày công đè nặng! Nằm nghiêng, cái sổ bảo hiểm y tế treo lơ lửng hệt một giấc mơ! Ngộ nhỡ có bầu? Ngộ nhỡ sinh mổ? Ngộ nhỡ con đau mẹ ốm? Ngộ nhỡ Ninh không có sữa, phải nuôi con bằng sữa ngoài?... Những câu hỏi chặn đứng thú vui, vùi dập đam mê. Thời buổi kinh tế lâm vào khủng hoảng, kinh doanh trở ngại, chủ người ta không thể trả cao hơn, có việc làm đã là may! Lại phải tìm mọi cách giảm chi phí, bà chủ không dại gì không trốn nộp bảo hiểm. Không có bảo hiểm y tế, đồng nghĩa với việc không được ốm đau, không được có bầu - ít nhất là đối với Ninh, một người đàn bà cả nghĩ!
Nhiều lúc Ninh định thây kệ - “Trời sinh voi trời sinh cỏ”, lo gì! Mới lại, đàn bà càng lớn tuổi càng khó có con. Bên nội của Ninh, hai bà cô em bố đều không con. Lấy chồng, chồng bỏ vì không sinh nổi cho dòng họ của họ một đứa nối dõi. Tái giá, câu chuyện cũ lặp lại. Người ta chì chiết, người ta bóng gió – “Cái độc không con, đâu phải chỉ con cái ở rừng ở rú!”. Âm thầm những dòng nước mắt trong đêm tối. Khi ngày đã về chiều, lọm khọm một mình một niêu cơm, trái gió trở trời không ai nương tựa. Hình ảnh hai bà cô vương vấn trong tâm trí, chui vào giấc ngủ, cả trong giây phút làm tình với chồng! Ninh băn khoăn không biết bệnh không con có di truyền không? Trong câu chuyện với người này người kia, Ninh kín đáo tìm cách đưa họ về câu hỏi của mình. Nhưng Ninh chưa bao giờ nhận được lời giải đáp rõ ràng. Ninh tìm đọc sách, tạp chí - đọc “cọp” tại quầy chứ không dám bỏ tiền mua. Càng đọc Ninh càng hoang mang. Tình trạng vô sinh hình như đang là một hiện tượng cần quan tâm trong thế giới hiện đại. Nguyên nhân có khá nhiều, chữa trị cũng không dễ. Nhiều trường hợp tiền mất nhưng chẳng thay đổi được gì! Ninh nhớ bài thơ “Đi lễ chùa” trong tập thơ của một tác giả nữ mà một người khách bỏ quên. “…Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng/… Vô phúc nhất người đàn bà không con/… Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng/… Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con/… Mô Phật!”(1). Ninh sợ mình vô phúc!
Có con ngay hay để từ từ? Không đơn giản một câu hỏi!
Thế rồi một buổi chiều lúc Ninh đang dọn phòng khách vừa trả thì bà chủ đi ngang, nói “Làm xong xuống gặp con Ly, bảo nó tao đồng ý ký hợp đồng dài hạn với mày”. Lại nói “Lương thỏa thuận hai triệu rưỡi một tháng. Nhưng bảo hiểm tao một nửa mày một nửa, đồng ý thì ký không thì thôi!”. Ninh nghe như sét đánh ngang tai, bà chủ đi rồi cô mới thật hiểu điều bà vừa nói. Ngồi xổm trong buồng tắm, tay cầm chiếc bàn chải cọ nền, hai dòng nước mắt lặng lẽ nối đuôi trên má Ninh. Công sức bỏ ra bấy lâu nay đã được đền bù, dẫu sao thì bà chủ cũng cần người gắn bó lâu dài với khách sạn. Vậy là đổi đời, vậy là cô đã có đồng lương ổn định và quan trọng hơn đã có bảo hiểm! Lẽ ra gộp cả ba loại bảo hiểm hai tám phẩy năm phần trăm, cô chỉ phải nộp tám phần trăm chứ không phải một nửa, nhưng không thể đòi hỏi nhiều hơn. Bà chủ quý Ninh, có lẽ thế. Nhưng bà chủ quý tiền hơn! Không dưới một lần bà cười, bảo “Tao chỉ thích đếm tiền!”.
Rời khách sạn Ninh ghé tiệm phở mua hai tô đem về. Mỗi tô hai chục nghìn, hơi tiếc tiền nhưng cũng đáng. Trước cặp mắt ngạc nhiên của chồng, Ninh cười “Thích vợ chứ không thích phở à?”. Lại nói to “Ngủ sớm!”.
Vậy là tắt đèn sớm hơn mọi khi. Người Ninh nóng rực, nhũ hoa căng cứng, hơi thở gấp gáp. Chồng Ninh quờ tay xuống gối “Để anh lấy…”. Ninh cắt ngang “Không cần!... Cho anh thật thích!”…
Ninh uốn cong người, hai gót chân tì xuống giường. Gót chân đàn bà không phải là gót chân Asin, khỏe lắm.
Một hạt sống vừa nẩy mầm!
HOÀNG TRỌNG DŨNG