BÙI HOÀNG TÁM
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy ra chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào…
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ:
“Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”
Bài thơ trên của Bùi Hoàng Tám, quê ở Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Như nhà thơ kể lại, cuộc tình rổ rá là chuyện có thật của chính gia đình ông, do vậy, lời lẽ là của người trong cuộc. Điều dễ thấy là, khó có một cuộc hội ngộ nào mà mọi chuyện buồn được xếp lại, chỉ thấy nụ cười, tiếng hát, vần thơ, quần áo đẹp, thái độ vồn vã, niềm nở, đon đả mời chào,… như đã diễn ra trong các khổ thơ. Các sự việc đều chân thật, không chút gượng ép, màu mè.
Bài thơ là một câu chuyện, có tình tiết, sự kiện, nhân vật, đối thoại, với 5 khổ, đúng 100 từ. Lại viết theo thể ngũ ngôn, chữ nghĩa giản dị, giản dị đến mức tự nhiên như lời nói thường ngày, không thể nào khác hơn, chẳng trau chuốt, vòng vèo, cứ thế nhẹ nhàng đi qua trái tim, tình cảm người đọc.
Bài thơ có 4 nhân vật, nhân vật nào cũng bộc lộ rõ tính cách, tâm hồn. Chỗ gặp nhau của họ, đó là sự ứng xử tốt đẹp với nhau. Lẽ đời, khi đã không còn sống chung, để tránh phiền toái cho nhau, việc đầu tiên là, cắt đứt mọi quan hệ, tệ hơn là thiếu tôn trọng và bôi xấu lẫn nhau. Vậy mà, toàn bộ bài thơ toát lên sự trong trẻo, đẹp đẽ, không một chút gợn về thái độ ứng xử giữa người với người (phương diện rộng) giữa các cặp rổ rá (phương diện hẹp). Nó đẹp như một bài thơ tình viên mãn.
Câu chuyện bắt đầu từ lời mời của người “vợ cũ đi lấy chồng” và thái độ dò xem của người chồng cũ đối với vợ mới:
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!
Lời lẽ nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý. Chắc chắn là, trong tình thế nửa muốn đi nửa không muốn này, anh chồng cũ đã chủ động “bàn với vợ mới”. Và, tình thế diễn ra thật bất ngờ, người vợ mới “cười rất tươi” và nói:
“Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Thấy gì qua cách nói của người vợ mới: “nên đến”, “cùng đi”, “tỏ tình”. Thái độ vừa xởi lởi vừa chân tình, đã nhòa đi quá khứ, lộ ra một nhân cách. Các chữ “nên”, “cùng”, “tỏ” gửi đến người đọc những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ!
Ngày vui thì phải mặc áo mới, áo đẹp. Điều ấy là tất nhiên rồi. Có điều, người nhận ra cái chỗ đặc biệt ấy, không phải mọi người mà là người chồng cũ: “vợ cũ mặc rất đẹp”. Hạ từ “rất” ở đây không chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của vợ cũ trong ngày vui, cao hơn thế, còn là biểu lộ tình cảm trân trọng đối với người của thuở nào. Thêm nữa, cái cách “nhìn thấy” và “chạy ra chào” của người vợ cũ lại cũng chứa chan bao cảm động. Đúng là, gãy mà không đổ, chia mà không lìa. Chí tình hơn, “chồng mới của vợ cũ” còn “ra tận nơi đón vào…”.
Vào tiệc cưới, như nhà thơ nói, đây là “cuộc tình rổ rá”, mà sao “cưới vui bất ngờ”. Thật ra, cũng chẳng bất ngờ, đó là kết quả của những tấm lòng đôn hậu bên trên, phía trước đó mà thôi!
Mọi người tranh nhau hát
Tiếng hát vẫn là thường lệ trong mọi đám cưới. Ở đây, lại tranh nhau hát. “Tranh nhau” nghĩa là ai cũng muốn hát, cũng muốn chúc phúc cho đôi bạn của mình. Trong khung cảnh ấy, món sở trường của nhà thơ là “đọc thơ”. Nội dung thơ nói gì, không rõ. Song, chắc chắn, đấy là những vần thơ chúc vợ cũ tiếp tục “còn có nhau trong đời”, như một lần nhà thơ ước nguyện.
Trong bài Thơ cho em trước ngưỡng cửa tòa, Bùi Hoàng Tám từng viết và cầu mong:
Cũng đành em ạ, Từ nay…
Tình ta đã đến thế này. Thì thôi!
Dẫu không đi hết một đời
Đã cho nhau cả một trời đam mê
Đã từng quên cả nẻo về
Đã từng tan nát tái tê đường chiều…
Xin đừng trách trái tim yêu
Tâm hồn thi sĩ vốn nhiều nỗi đau
Cũng đừng hò hẹn kiếp sau
Kìa em… nước dưới chân cầu vẫn trôi!
Mong em về với bên người
Trái tim vẫn đập nhịp thời đam mê.
Đã không có sự tranh nhau hơn thiệt về của cải, đã không có những lời lẽ lại qua tại tòa, chỉ một mong muốn rằng, “dẫu không đi hết một đời” thì đừng quên những gì của “một trời đam mê”, nên những gì diễn ra trước và trong ngày cưới của vợ cũ, vẫn là niềm tin tưởng gửi gắm cho nhau, vẫn là : vỡ mà không nát.
Cái hay của bài thơ Đi ăn cưới vợ cũ là câu chữ hữu hình như lặn vào tâm tình của người đọc. Người đọc như chạm vào mỗi cuộc đời gãy đổ phía trước bằng một chuỗi âm thanh của tiếng lòng. Chữ nghĩa như tan ta, chỉ còn cảm thấy tình người.
Bài thơ tỏa ra một thứ hương: hương tình, hương nghĩa, đầy chất nhân văn. Cuộc sống vốn gập ghềnh, ít bằng phẳng, ước mong của nhà thơ là gửi một thông điệp trước mọi đổ vỡ, rằng, trong hành trình đi tìm hạnh phúc, con người cần có nhau một tấm lòng, cần những đốm lửa nhân ái trong mọi nẻo
đường đời…
HUỲNH VĂN HOA