.

Tuyên truyền nông thôn mới

Là xã chỉ mới có 5 tiêu chí đạt chuẩn theo bộ tiêu chí về nông thôn mới (NTM), nên ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cho biết, hệ thống chính trị trên địa bàn tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào chủ trương này.

Theo đó, các chi bộ lồng ghép nội dung về xây dựng NTM trong các cuộc họp chi bộ định kỳ, từ đó nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên trong thực hiện cũng như vận động gia đình, người dân hiểu rõ lợi ích của NTM.

Ban Phát triển NTM ở 11 thôn thuộc xã cũng tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về chủ trương, cơ chế, chính sách, phương pháp, các quyền lợi, nghĩa vụ của người dân và cộng đồng trong quá trình xây dựng NTM…

Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - huyện duy nhất của thành phố thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của Đà Nẵng, thì tuyên truyền
đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia này. Bởi, từ việc tuyên truyền, người dân ý thức rõ ràng hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình, biết vai trò, vị trí của mình trong xây dựng NTM để tích cực tham gia một cách chủ động và hiệu quả.

Từ thực tế về công tác tuyên truyền chủ trương xây dựng NTM ở Hòa Vang, có thể thấy rằng, vấn đề không phải là cách thức tuyên truyền, mà chính là nội dung tuyên truyền cho người dân hiểu và làm. Cho đến nay, nội dung tuyên truyền vẫn chỉ ở mức độ chung chung, mà chưa đi sâu và cụ thể vào từng vấn đề; trong đó có mục tiêu của thành phố, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, nguồn lực huy động…

Theo kế hoạch xây dựng NTM ở Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020, thì mục tiêu chung của Chương trình là: Xây dựng nông thôn mới Đà Nẵng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Tất cả những vấn đề trên đều có những tiêu chí cụ thể, cách làm cụ thể. Thế nhưng, nhiều người dân, khi được hỏi thì cũng chỉ hiểu một cách mơ hồ về NTM, rằng đây là chủ trương của trên đưa xuống, chứ chưa hình dung được xây dựng NTM thì mình được cái gì, mình phải làm cái gì. Đặc biệt, nhiều người vẫn nghĩ đây là chủ trương của trên, từ Trung ương, từ thành phố đưa xuống nên kinh phí chắc cũng chờ trên đưa xuống rồi làm gì thì làm. Vì thế, nhiều người cũng có ý kiến rằng, NTM chủ yếu là xây dựng hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” sao cho tốt, cho thoáng đãng, sạch sẽ, khang trang, đầy đủ… Những phần việc đó thì phải chờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân chỉ việc hưởng thụ mà thôi. Có được những thiết chế đó, thì dĩ nhiên là nông thôn sẽ “mới” hơn! Họ vẫn không hiểu rằng, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, thì có nhiều tiêu chí phải do chính nội lực trong hệ thống chính trị và người dân địa phương trực tiếp thực hiện, để họ hưởng lợi từ chính thành quả do mình tạo nên. Chẳng hạn việc xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể… vững mạnh; xây dựng đời sống văn hóa; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; bảo vệ
môi trường…

Chỉ khi nào có nhận thức đúng thì nguồn lực chính trong xây dựng NTM là nội lực mới được phát huy. Bởi nội lực này không chỉ là ngân sách, là kinh phí… mà chính là tinh thần, thái độ, sự đồng lòng từ hệ thống chính trị đến mỗi người dân tại địa phương. Tuyên truyền về NTM phải đạt được kết quả đó, thì mới mong huy động sức mạnh tổng hợp để “về đích” thực sự trong chương trình mục tiêu này!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.