Máu lạnh (In Cold Blood) (*) tường thuật một câu chuyện có thật. Mà như tờ New York Times đánh giá đó là “một tác phẩm văn chương thực sự đáng chú ý, căng thẳng đến nghẹt thở và hẳn nhiên là tuyệt vời”.
Năm 1959, Truman Capote tình cờ đọc được thông tin về một vụ thảm sát bốn mạng người ở mặt sau của tờ báo New York Times. Ấn tượng mạnh với câu chuyện rùng rợn, ông quyết định đi sâu vào tìm hiểu vụ việc. Trong suốt bốn năm, với sự cộng tác chặt chẽ của nữ nhà văn nổi tiếng Harper Lee, tác giả Giết con chim nhại, Truman Capote đã tiến hành thu thập các tư liệu, tìm hiểu tâm lý của nạn nhân và động cơ của tên giết người. Máu lạnh ra đời năm 1964, đã được giới phê bình đánh giá là cuốn tiểu thuyết phi hư cấu xuất sắc nhất, “một cuộc cách mạng văn chương” của Mỹ, tác phẩm này cũng đã đưa tên tuổi ông trở thành một trong những tác giả văn chương đương đại lớn nhất nước Mỹ.
Vào ngày 14-11-1959, hai gã Richard Eugene Hickock và Perry Edward Smith đã đột nhập vào nhà một trại chủ ở Holcomb, tiểu bang Kansas và ra tay sát hại cả bốn người trong gia đình, gồm vợ chồng với hai đứa con nhỏ. Nạn nhân không phải ai xa lạ mà chính là gia đình Clutter, “một trong những chủ trại được kính trọng khắp xa gần và được biết tiếng nhất ở vùng này”. Ở ngôi làng Holcomb, tuy hẻo lánh nhưng sung túc, giàu tài nguyên khí đốt… chính vì vậy, vụ án đã trở thành cú sốc lớn đối với mọi người và tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Cả thành phố vô cùng phẫn nộ bởi hành động vô nhân tính ấy. Ngay lập tức, Cục Điều tra bang Kansas vào cuộc. Tuy nhiên, các viên chức điều tra thừa nhận họ không tìm ra được động cơ của vụ án. Họ thậm chí không xác định được có bao nhiêu tên sát nhân tham gia, bởi lẽ chúng không để lại một dấu vết, không một nhân chứng nào trông thấy. Vụ án được xếp là tàn ác nhất trong lịch sử Kansas.
Dưới ngòi bút của Truman Capote, người đọc không chỉ bị lôi cuốn bởi một câu chuyện hấp dẫn, chặt chẽ từ đầu đến cuối mà còn bởi những đoạn tường thuật, miêu tả đầy chi tiết, sống động. Bằng bút lực phi thường, Truman Capote đã lật ngược thời gian, đưa người đọc trở về giai đoạn trước khi xảy ra vụ án mạng thảm khốc. Tác giả dựng lại khung cảnh gia đình Clutter khi còn sống một cách hết sức tỉ mỉ. Ở đó, người đọc có thể thấy rõ tính cách cũng như tâm lý, tình cảm của từng nhân vật. Song song đó là hình ảnh hai tên sát nhân trẻ tuổi cùng mối quan hệ phức tạp của chúng. “Bốn phát súng nổ, tóm lại đã kết liễu sáu mạng người” - Truman Capote nhận định ngay khi bắt đầu tác phẩm. Bởi lẽ vụ thảm sát không chỉ cướp đi bốn mạng người nhà Clutter, mà còn đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của Hickock và Smith, hai tên thú tính. Chẳng bao lâu sau, nhà chức trách tóm được bọn sát nhân. Với chứng cớ rành rành, hai kẻ gây ra tội ác cuối cùng phải lãnh án tử hình.
Ông thể hiện rõ ràng rằng tội ác này không thể khoan thứ. Nhưng mặt khác, ông cũng cho người đọc thấy được góc khuất của hai tên sát nhân, về hoàn cảnh gia đình, lý do dẫn chúng đến con đường tội ác... Điểm hấp dẫn của Máu lạnh là tác giả không hề hư cấu hay thêm bớt mà tuyệt đối trung thành với sự thật. Ông chỉ viết dựa trên các bản báo cáo của cơ quan điều tra và những lần chính ông trực tiếp phỏng vấn gia đình, bạn bè của các nạn nhân, cũng như hai tên tội phạm. Nhà văn muốn tạo ra một thể dung hợp mới, một thứ nằm giữa “chuyện thật 100%” và tác phẩm nghệ thuật. Ông tự xem tác phẩm của mình thuộc loại phi hư cấu, trong đó, “mỗi từ đều là sự thật”.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên vào năm 1967. Riêng câu chuyện về hành trình viết tiểu thuyết của Capote đã được Hollywood dựng thành hai bộ phim, trong đó có Capote, bộ phim giành được giải Oscar năm 2005.
NGUYÊN KHANG
(*) Tác giả Truman Capote; Dịch giả Trần Đĩnh, NXB Hà Nội năm 2011.