.

Trả giá khi đi mua sắm

.

Khi đến mua sắm ở một nơi nào đó, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về “đặc trưng” của chỗ đó, có nói thách hay không, và nếu có thì nói thách ít hay nhiều. Có nơi chỉ nói thách từ 10 đến 30 nghìn đồng để khách trả xuống là vừa, có nơi thách gấp 2, 3 lần.

Chọn “mối” quen: Nếu bạn đã từng mua những sản phẩm ở một gian hàng với mức giá đúng, nghĩa là người bán ở đây không nói thách hoặc thách ít thì hãy quay trở lại đó đầu tiên trong những lần shopping tiếp theo. Điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn vào thái độ người bán: Nếu bạn vừa trả giá mà người bán ở đây cười và ok liền thì có nghĩa là bạn đã bị “hớ” rất nặng. Nếu bạn nói một cái giá thấp hơn mức bán được, họ sẽ để cho bạn đi ngay không “níu kéo”. Ngược lại, nếu như người bán cứ cò kè “bớt một thêm hai”, đặc biệt là năn nỉ thì bạn cần phải giữ thái độ cương quyết, bởi lẽ họ đang có tâm lý thêm được đồng nào hay đồng ấy.

Giữ thái độ chừng mực: Nếu bạn có thể đánh giá qua thái độ người bán thì ngược lại, những người bán hàng kinh nghiệm cũng dễ dàng “bắt thóp” được bạn. Nếu như bạn tỏ ra quá thích thú và trầm trồ khen ngợi về món hàng thì  bạn sẽ khó lòng mà trả giá được khi muốn mua nó, nhất là khi mặt hàng ấy ít được bán trong các gian hàng cùng khu.

Tạo cảm tình nơi người bán: Nếu bạn cứ đặt lên đặt xuống hết món này đến món khác và hỏi giá liên tục thì người bán sẽ rất “hờ hững” với bạn. Ngoài ra, bạn cần giữ thái độ hòa nhã, kiên nhẫn và vui vẻ khi trả giá, nếu người bán quý bạn rồi thì chắc chắn sẽ để cho bạn một mức giá thật tốt để
làm quen.

Tham khảo giá ở nhiều nơi: Đừng ngại đặt món đồ xuống và tham khảo giá thêm một vài nơi nữa trước khi quyết định. Cùng một món hàng nhưng đôi khi hai sạp gần nhau bán giá chênh lệch 100 nghìn là chuyện bình thường. Có một cách đơn giản hơn: Hãy chờ những vị khách đến trước hỏi giá, trả giá để nhắm mức độ nói thách của cửa hàng đó.

Đi ít nhất hai người: Để áp đảo tinh thần và đỡ lo bị mắng thì bạn nên đi ít nhất hai người. Nếu có người đứng tuổi đi theo thì càng tốt vì sẽ ít bị nói thách hơn , còn không thì hãy nhờ một cô bạn lanh lẹ và có kinh nghiệm trả giá đi cùng. Khi trả giá bạn cần phải dứt khoát và mau mắn, nếu cứ lơ ngơ là rất dễ bị “chém”.

Đi vào ngày u ám: Những ngày thời tiết u ám, mưa dai dẳng luôn là những ngày vắng khách hơn cả. Tâm lý của tiểu thương là bán được càng nhiều càng tốt để bù lỗ hôm ấy nên họ sẽ đưa ra một cái giá tốt để giữ chân khách.

Xem xét chất lượng hàng: Hãy chú ý thật kỹ đến đường may, chất liệu vải, hàng mới hay cũ... Đây là những yếu tố dễ nhất để đánh giá chất lượng sản phẩm và định giá.

PHI TUÂN (lược ghi)

;
.
.
.
.
.