Ngày còn là sinh viên, chúng tôi thường được ăn xúc xích. Đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn gì cũng thấy ngon, huống hồ ăn xúc xích! Cái món ngon lành trông rất hiện đại, mang hơi hướng công nghiệp ăn lúc nào, chỗ nào cũng được ấy vậy mà là một món ăn cổ xưa bậc nhất của loài người. Từ đông sang tây, từ nam chí bắc, không nơi nào không xuất hiện xúc xích - xúc xích tươi, xúc xích khô, xúc xích luộc, xúc xích chiên, xúc xích hun khói, xúc xích bò, xúc xích heo, xúc xích cừu, xúc xích ngựa… thôi thì có loại gia súc nào có phương thức chế biến nào thì có các loại xúc xích ấy. Hot dog của Mỹ ngày nay phổ biến cả thế giới. Xúc xích của Đức hàng trăm năm danh tiếng. Người Pháp bảo xúc xích của họ tuyệt vời. Dân Ý nói xúc xích của họ tinh tế… Không ai bắt tội một lời nói. Và vì vậy, hàng nghìn nghìn tấn xúc xích vẫn chui vào dạ dày nhân loại mà không một ai phàn nàn!
Lạp xưởng - xúc xích nguồn gốc Trung Hoa từ lâu đã là món tơ tưởng của không ít người. Nấu một nồi xôi trắng hấp vài cái lạp xưởng, đơn giản nhưng là món cực ngon. Thái hạt lựu trong món cơm chiên, sự xuất hiện của lạp xưởng làm tăng giá trị của món ăn, vừa ngon vừa đẹp vừa “đáng đồng tiền bát gạo”. Ngày còn trên cõi đời này, mẹ tôi thỉnh thoảng ao ước một miếng “vịt lạp”, tức lạp xưởng làm bằng thịt vịt mà theo bà là không thứ lạp xưởng nào sánh bằng. Vô Sài Gòn, ra Hà Nội, lục tung các tiệm ăn tàu, rảo bước khắp các chợ, tôi không tìm thấy loại lạp xưởng ấy. Từ thịt heo phát triển sang thịt bò, vài năm trở lại đây trên các quầy thực phẩm xuất hiện lạp xưởng tôm, lạp xưởng hải sản, lạp xưởng chay… nhưng tịnh không thấy thứ lạp xưởng vịt giờ tôi tò mò!...
Nhưng ăn tây ăn tàu, ngon đến mấy thì ngon, tôi vẫn quen miệng với món ăn Việt. Lạp xưởng lâu lâu một miếng chứ ăn liền hai bữa đã thấy ngán. Xúc xích hun khói thơm, xúc xích luộc chấm mù tạt cay, xúc xích khô đậm đà… cũng chỉ là món một tháng điểm tâm một sáng. Xúc xích Việt- người Việt gọi là dồi - rất có thể chỉ đóng khung trong cộng đồng người Việt, lại là món xúc xích “đắt hàng” với hầu hết đàn ông Việt. Miếng dồi lợn béo béo bùi bùi ai nỡ từ chối? Còn như miếng dồi lừng danh của thi sĩ Tản Đà lo không biết xuống âm phủ có hay không thì ngay ở chốn dương gian nếu tới muộn cũng ai biết còn hay hết! Hình như trong ẩm thực Việt, dồi chó là món cầu kỳ công phu bậc nhất. Trong một miếng dồi ngon thắt lòng đó chỉ thiếu một thành phần kẻ sành ăn đã thấy đời sao mà bất công đến vậy! Rộng ra, thì không xúc xích lạp xưởng nào kỳ công đến vậy. Rộng ra, thì cái tài chế biến của người Việt đâu có thua kém thiên hạ!
HOÀNG