.

Cảm xúc của các nữ họa sĩ

.

Phòng triển lãm mỹ thuật mang tên “Cảm xúc thời gian” giới thiệu tác phẩm nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng trưng bày 87 tác phẩm chọn lọc của 14 họa sĩ nữ, gồm 9 họa sĩ đang sống và làm việc tại Hà Nội và 5 họa sĩ  Nguyễn Thị Dư Dư, Trần Thị Cúc, Tôn Nữ Tâm Hảo, Trần Thị Mỹ Nhung, Đinh Mỹ Hương ở Đà Nẵng.

“Ghe thuyền Mê-Kông”, khắc gỗ của Trần Thị Cúc.
“Ghe thuyền Mê-Kông”, khắc gỗ của Trần Thị Cúc.

Các tác phẩm thiên về tình yêu quê hương qua hình ảnh những con thuyền lặng lẽ, san sát nhau bên bờ sông yên tĩnh; những bóng tre rợp xanh ôm những mái tranh làng; những khuôn mặt thôn nữ phúc hậu, rạng rỡ nắng chiều trên cánh đồng lúa vàng ươm… Những nữ họa sĩ đã thực hiện với nhiều thể loại và chất liệu phong phú như sơn dầu trên bố, sơn mài-kỹ thuật truyền thống, màu nước trên giấy dó, lụa cùng nhiều ấn bản khắc gỗ.

“Hưng thịnh”,  tranh sơn dầu của Dư Dư.
“Hưng thịnh”, tranh sơn dầu của Dư Dư.

Nhiều người vẫn giữ ấn tượng đẹp về tranh họa sĩ Dư Dư với những gam màu nâu thẫm, đường nét táo bạo trong một không gian trừu tượng đã gắn bó với chị hơn 20 năm qua. Bức “Thế giới riêng”, sáng tác vào năm 2000, lối tạo hình hiện đại, diễn tả nỗi ưu tư về thời gian và cuộc sống, đã gây chú ý và tạo nên sự tranh luận sôi nổi trong giới nghệ sĩ tạo hình, nhất là đối với Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam trước khi đồng thuận trao giải Ba cho tác phẩm. Vẫn gam màu nâu thẫm ẩn sau những chấm phá đầy xung động, một phong cách không lẫn vào ai khác, lần này qua tranh sơn dầu “Hưng thịnh” và “Lặng lẽ tiếng dương cầm” chúng ta gặp lại sự tìm tòi sáng tạo bền bỉ của Dư Dư cùng tranh khắc gỗ với màu sắc êm ả “Hoa Dã quỳ”, “Ghe thuyền Mê-Kông” của Trần Thị Cúc. Dáng dấp thiếu nữ dịu dàng vẻ miền Trung trong tranh “Thiếu nữ và Hoa sen” của Tôn Nữ Tâm Hảo. Rộn ràng ghe thuyền trên sóng biển ở bức “Xóm chài nhỏ” của Trần Thị Mỹ Nhung.

 “Chiều hè”, sơn mài của Mai Hiên.
“Chiều hè”, sơn mài của Mai Hiên.

Trên mặt báo một vài năm trước, khi tự giới thiệu về tác phẩm của mình, họa sĩ Bùi Mai Hiên từng nói: “Tôi đã làm chủ chất liệu sơn mài, tôi dùng nó để thể hiện tình cảm, thể hiện nỗi lòng của mình. Sơn mài với tôi không chỉ là trang trí, ai nói sơn mài chỉ để khoe chất liệu, tôi sẽ chứng minh khác”. Riêng nhà thơ Dương Tường gọi tranh Mai Hiên là “Bão lặng”, những mét tranh trong “Hà Nội cơn giông” chị vẽ cho mình, kể câu chuyện của mình một cách thật cô đơn. Dáng vóc người đàn bà đổ xiêu xuống con đường, quanh chị là giông tố bủa vây. Mai Hiên đã dùng tông màu nóng để thể hiện sự đổ vỡ của tình yêu, niềm tin, nó khác hẳn những tông màu tối lạnh mà trước đây chị kỳ công với những mét tranh trừu tượng của mình. Lần này chúng ta cũng có thể gặp lại không khí sôi bỏng đó trên tranh “Chiều hè” và “Hội Làng”.

“Cá”, sơn dầu của Nguyễn Thị Mỵ.
“Cá”, sơn dầu của Nguyễn Thị Mỵ.

Cạnh đó là tranh sơn dầu có bố cục và đường nét lạ, phóng túng vẽ những đàn cá biển của họa sĩ Nguyễn Thị Mỵ; “Góc phố Hà Nội” ấm cúng, thân tình của Nguyễn Thị Nguyên Hà; Trần Thanh Thục vẽ một góc xóm chài. Đỗ Thị Kim Đoan với “Con người H’Mông”; Lê Thị Thư với “Điệu múa xòe-Thái”; Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Lan Hương với những bức họa về  hoa; Tranh sơn mài “Hoa chuối rừng” và “Tổ thủ công mỹ nghệ” của Trần Thị Chiến…

“Hoa chuối rừng”, sơn mài  của Trần Thị Chiến.
“Hoa chuối rừng”, sơn mài của Trần Thị Chiến.

“Cảm xúc thời gian”, cuộc giao lưu của 14 cây cọ nữ lần này điểm sắc thêm cho hoạt động mỹ thuật ở thành phố Đà Nẵng vốn đang sôi động theo sự phát triển đô thị. Triển lãm mở cửa từ ngày 29-3 đến 15-4 tại Trung tâm Quản lý Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng.
 

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.