.
Chuyện xưa xứ Quảng

Đội quân “dao phay áo rằn”

.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thái Phiên, Đặng Văn Bí đã chiêu mộ và lập một đội quân áo rằn gần 300 người chuẩn bị đứng lên chống Pháp. Tất cả nghĩa binh các nơi đều mặc áo rằn, trang bị vũ khí thô sơ là dao phay, mã tấu nên cuộc khởi nghĩa này về sau được gọi là cuộc khởi nghĩa của đội quân “dao phay áo rằn”.

Với địa thế núi non hiểm trở, Tý, Sé được chọn làm nơi khởi binh của đội quân “dao phay áo rằn”.
Với địa thế núi non hiểm trở, Tý, Sé được chọn làm nơi khởi binh của đội quân “dao phay áo rằn”.

Tháng 5 năm 1912, tại Quảng Đông (Trung Quốc), Phan Bội Châu đã quyết định đổi tên Duy Tân hội thành Việt Nam Quang phục hội, cử Lâm Quảng Trung về nước tìm cách bắt liên lạc với Thái Phiên và một số chí sĩ yêu nước khác để xây dựng Hội ở miền Nam Trung Kỳ. Kể từ thời gian này trở đi, các yếu nhân tại Quảng Nam đã tập trung xung quanh Thái Phiên để vận động khởi nghĩa nhằm đánh đổ thực dân Pháp và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập ra An Nam Cộng hòa Dân quốc. Ở Quảng Nam, phong trào này phát triển rất mạnh ở hầu hết các tổng trong tỉnh, đặc biệt là ở tổng Trung Lộc (nay thuộc huyện Nông Sơn) và ông Đặng Văn Bí là người tham gia tích cực nhất cho cuộc vận động tại tổng này.

Ông Đặng Văn Bí (hay còn gọi là Đặng Lãm), bí danh là Bạch Linh, là một thầy thuốc bắc có tiếng trong vùng. Năm 1908, ông cùng với các ông Đặng Tiễn, Lương Khanh, Bá Hội, Nguyễn Đình Duân... đứng lên tập hợp quần chúng, vận động bà con, nhân dân trong tổng Trung Lộc ngày đêm chuẩn bị mã tấu, dao phay, gậy gộc tổ chức kéo về huyện hợp sức với các tổng khác trong toàn tỉnh kéo ra Tòa Công sứ ở Hội An để đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Trước tình hình đó, để bảo vệ Tòa Công sứ, thực dân Pháp đã điều động lính khố đỏ và lính triều đình đóng ở tỉnh kéo tới ngăn chặn cả hai đầu từ Vĩnh Điện đi Hội An để đàn áp nhân dân. Không may, các ông Đặng Văn Bí và Nguyễn Đình Duân bị chúng bắt đưa về tỉnh tra tấn rất dã man nhưng cả hai vẫn một mực không khai báo những người cầm đầu khác ở tổng Trung Lộc. Sau đó, hai ông bị kêu án mỗi người 9 năm tù.

Ngay sau khi ra tù, hưởng ứng lời kêu gọi của Thái Phiên, Đặng Văn Bí đã đứng ra tổ chức cuộc vận động nhân dân trong tổng đứng lên khởi nghĩa. Với uy tín của mình, ông đứng ra chiêu mộ và lập một đội quân áo rằn gần 300 người ở vùng Tý, Sé (nay thuộc xã Quế Lâm, Nông Sơn) và giao cho Nguyễn Hữu Ân (người xã Quế Phước) làm chỉ huy để đốc thúc nghĩa binh luyện tập, chuẩn bị tinh thần khởi nghĩa.

Công việc chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra rất khẩn trương và đầy khí thế, các làng xã, thôn xóm náo nức lập nghĩa quân, quyên góp tiền bạc, lương thực, bí mật rèn sắm vũ khí, may áo rằn để trang bị cho nghĩa quân. Sau một thời gian ngắn, đạo nghĩa binh ở Trung Lộc có hàng nghìn người tham gia. Tất cả nghĩa binh các nơi đều mặc áo rằn, trang bị vũ khí thô sơ là dao phay, mã tấu nên cuộc khởi nghĩa này về sau được gọi là cuộc khởi nghĩa của đội quân “dao phay áo rằn”.

Ở tổng Trung Lộc lúc bấy giờ, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ngày càng sôi nổi và khẩn trương dưới sự chỉ huy của các ông Đặng Văn Bí, Đặng Tiễn. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ giờ G khi ám hiệu khởi nghĩa được phát đi là đồng loạt nổi dậy. Tuy nhiên đến giờ G đã định là giờ Tý ngày 2 tháng 4 năm Bính Thìn (tức 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916) vẫn chưa có hiệu lệnh khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa chưa nổ ra thì đã bị bại lộ, thực dân Pháp tiến hành đàn áp, bắt bớ, thu giữ toàn bộ vũ khí và ra lệnh giới nghiêm toàn Trung Kỳ. Vua Duy Tân cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân trốn khỏi kinh thành Huế nhưng vài ngày sau đã bị thực dân Pháp bắt được.

Ở tổng Trung Lộc, quân Pháp và lính Nam triều kéo đến vây ráp, khủng bố bắt ông Nguyễn Hoan đày đi biệt xứ ở Côn Đảo, kết án ông Đặng Văn Bí 12 năm tù và đưa đi giam cầm ở nhà lao Phú Yên. Đội nghĩa binh “dao phay áo rằn” do ông thành lập tan rã, phong trào từ đây bị lắng xuống. Ở trong tù, ông Đặng Văn Bí chịu nhiều nhục hình tra tấn nhưng một lòng vẫn giữ khí tiết trung kiên của một người yêu nước, dám xả thân vì dân, vì non sông xã tắc. Một năm sau khi bị bắt giam (năm 1917), ông Đặng Văn Bí đã mất tại nhà lao Phú Yên...

Mặc dầu cuộc khởi nghĩa của đội quân “dao phay áo rằn” do Đặng Văn Bí chỉ huy thất bại, nhưng tiếng vang của nó vẫn còn lưu lại với hậu thế về tinh thần yêu nước, quật khởi của những người nông dân chân lấm tay bùn; với vũ khí thô sơ nhưng họ dám đứng lên chống lại sự cai trị, bóc lột của thực dân Pháp. Với đội quân “dao phay áo rằn” do Đặng Văn Bí chỉ huy, một lần nữa tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Quảng Nam nói chung và nhân dân Trung Lộc nói riêng đã được thể hiện một cách đầy khí phách…

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.