.

Dạo đêm phố Hội

.

Mặc dù Đà Nẵng và Hội An chỉ cách nhau chừng hơn 30 cây số nhưng cũng lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Hội An vào ban đêm. Con đường như ngắn lại bởi những resort cao cấp sáng điện mọc lên hai ven đường. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng tôi rủ nhau đi bằng ô-tô nên háo hức và lạ lẫm hơn những lần đi trước.

Du khách xem hát bài chòi
Du khách xem hát bài chòi

Có lẽ, từ khi người dân Đà thành bắt đầu khấm khá, nhiều nhà sắm ô-tô thì những dịp đi chơi không quá xa và cũng không quá ngắn là lựa chọn thú vị và hợp lý vào những ngày nghỉ cuối tuần. Không cần phải thống kê, chúng tôi cũng nhận thấy rõ điều này khi ngày càng có nhiều xe 4 bánh mang biển số 43 đậu ven sông Hoài về đêm. Các khách sạn ven sông cũng tấp nập người vào ra ăn uống. Tuy nhiên, khác với khách Tây đến phố Hội để tìm lại cái không khí hoài cổ đậm nét văn hóa phương Đông, thì chúng tôi lại thích được ngắm những khách Tây hiện đại trong không gian yên tĩnh và thưởng thức các món ăn phương Tây ở đây. Cũng chính vì thế, bến đỗ đầu tiên mà chúng tôi dừng lại ở Hội An là nhà hàng Du thuyền trên đường Nguyễn Thái Học. Đây là nhà hàng dành cho khách Tây mà chủ yếu là khách lẻ không đi theo tour nên vào cuối tuần luôn luôn đông khách.

Trong đoàn đi của chúng tôi có anh H.M.H từng là hướng dẫn viên du lịch, nay lại làm điều hành cho một công ty du lịch của Sài Gòn có chi nhánh tại Đà Nẵng. Vì vậy, chúng tôi thật yên tâm khi được anh H. lên chương trình cho chuyến đi ngắn trong đêm này. Cùng bạn bè ngồi trong không gian nhà hàng yên tĩnh rất Á Đông nhưng lại hưởng không khí gia đình, bè bạn theo cách của người phương Tây quả là thú vị. Nhìn những nét mặt rạng ngời, nói cười thân thiện của du khách phương Tây trên đất Việt, chúng tôi có cảm giác như Việt Nam là quê hương thứ hai của họ vậy và càng thêm yêu mảnh đất này. Ở nhà hàng dành cho khách Tây, phong cách phục vụ của lễ tân cũng khá chuyên nghiệp và thân thiện càng làm cho chúng tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Tuy các món ăn phương Tây không hợp khẩu vị nhưng có gì đó lạ lẫm cho những người thích khám phá như chúng tôi.

Khi tính tiền, mọi người ngạc nhiên: “So với những cuộc nhậu bình bình ở thành phố Đà Nẵng, thì 2,5 triệu cho khẩu phần 8 người ăn ở một nhà hàng chuyên dành cho khách Tây thì  giá không thể gọi là đắt. Đó là chưa kể cùng  được bạn bè đi dạo chơi…”.  Một số người cho biết: “Sắp tới em sẽ dẫn gia đình vào đây ăn uống để thay đổi không khí vì giá cả cũng tương đối hợp lý”. Anh H.M.H cũng cho biết, mỗi lần có khách tour tàu biển cập cảng Tiên Sa, anh thường đặt nhà hàng đến 500 khẩu phần ăn. Đặc biệt, khách  rất thích các món ăn ở đây. Vì vậy, Hội An là một trong những điểm đến không thể thiếu của khách tàu biển khi đến Đà Nẵng.

Buổi tối, chúng tôi bắt đầu rong ruổi trên những con phố cổ với nhiều màu sắc của đèn lồng. Với du khách lần đầu đến Hội An, có lẽ thả hoa đăng trên sông Hoài là một thú vui đáng nhớ. Chỉ bỏ ra khoảng 10 nghìn đồng, bạn có thể sở hữu khoảng 3-4 cái hoa đăng và gởi vào đó với tất cả những điều ước may mắn và tốt đẹp nhất, để rồi có được những cảm giác hoài vọng lâng lâng trong những cánh hoa đăng bồng bềnh lan xa trên mặt nước.

Tuy không phải là đêm rằm, nhưng Hội An luôn luôn ngập tràn màu sắc của lễ hội. Ở bất kỳ đâu trên con phố này cũng có khách Tây đi dạo làm cho thời gian về đêm như được kéo dãn. Ngoài những nhà hàng sang trọng, phố Hội cũng có những quán ăn “bệt” dành cho khách có thu nhập thấp. Nhiều Tây ba-lô thường tìm đến đây để thưởng thức các món ăn dân dã với giá tương đối rẻ. Cũng như chúng tôi, sau khi thưởng thức những món ăn, nhiều du khách kéo nhau đến khu bài chòi để xem các nghệ sĩ biểu diễn. Ngập trong màu sắc của đèn lồng in bóng dưới sông Hoài, tiếng hát cất lên thêm ngọt ngào như muốn giữ chân du khách ở lại lâu hơn. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa nhấm đã say. Bạn về nằm nghĩ gác tay. Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng đây…”.

BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.