.

Hỏi mẹ về những cánh đồng

Chưa khi nào và chưa bao giờ tôi ngồi lại một mình để giải thích cặn kẽ cho con mình những câu hỏi về những cánh đồng. Thế nhưng tối nay khi xem chương trình thời sự, khi những thước phim quay về dòng nước lũ ồ ạt chảy băng băng trên cánh đồng ở đồng bằng Sông Cửu Long, con lại hỏi. Những cánh đồng lúa xuất phát từ đâu hả mẹ, có phải cơm mình ăn hằng ngày được làm nên từ lúa trên những cánh đồng này? Những khái niệm, chưa bao giờ lại khó với tôi như lúc này khi tẩn mẫn ngồi lại, tìm hiểu lại những khái niệm. Đã qua rồi cái tuổi cột tóc đuôi gà chăn bò trên đồng rộng, rồi những mùa mưa chân ướt nhẹp lội bì bõm ngoài đồng. Chiếc áo tơi ngày đó mẹ vẫn chuẩn bị cho tôi mỗi mùa đông để ngăn bớt cái lạnh thấu xương thịt của miền Trung.

Cánh đồng lúa quê tôi ngày đó rộng dài thẳng cánh cò bay, cha mẹ tôi vẫn ra đồng mỗi mùa cày mùa gặt. Chúng tôi lớn lên, được học hành rồi mỗi đứa tìm thấy một miền quê mới để mưu sinh. Nhà cũng trả hết ruộng từ đó. Cha ngã bệnh. Mẹ đau yếu tuổi già. Ruộng lại trở thành ký  ức trong chính tâm hồn những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn. Mùa lũ về ngày đó khác xa bây giờ, ruộng đồng lại thêm nhiều phù sa thượng nguồn bồi đắp. Cha tôi vẫn mong lũ hằng năm, vì có lũ, nhà tôi nhặt được rất nhiều củi khô chất đống để mùa đông lửa bếp luôn luôn đỏ. Cha còn để dành những khúc củi tròn chắc, gác lên giàn bếp dùng cho ba ngày Tết. Nhất là để cả nhà ngồi lại, đun nồi bánh chưng chào đón giao thừa. Ký ức tuổi thơ tôi như thế, còn ký ức tuổi thơ con gái tôi bây giờ lại là một thế giới hoàn toàn khác, hoàn toàn lạ lẫm. Cũng để con biết phân biệt được những điều khác biệt giữa phố và quê, tôi vẫn thường đưa con về thăm quê. Dạy cho con biết phân biệt những loài vật, những loài cây, và cả những đổi thay nắng mưa mỗi mùa khi cây thay lá.

Nhưng đúng là con chưa được chứng kiến một cơn lũ nào. Vì lũ thường đến vào những tháng cuối năm, mà con chỉ được về quê đúng dịp mùa hè nắng gắt. Con hỏi vì sao phải đắp những con đê ngăn lũ. Câu hỏi tưởng như đơn giản mà khi tìm cách trả lời cho một đứa trẻ lên sáu, tôi lại bối rối. Phải chăng trong giáo dục của chúng ta hiện nay, những kiến thức sơ đẳng về địa lý cần được soạn thảo một cách cơ bản nhất để làm sao truyền thụ đến học sinh những điều dễ hiểu đó. Nghĩ thế lại cần hơn một thực tế, cần lắm kiến thức thực tế với những giờ học ngoại khóa cho học sinh tiếp xúc với môi trường ngoài sách vở. Vì ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, người nông dân trồng lúa nước, những con đê được đắp lên để phòng tránh thiên tai, đặc biệt là mùa lũ. Bản tin thời sự mấy ngày qua đưa đậm tin về bão lũ. Tội người nông dân quá mẹ ơi. Con nói một cách cảm thán như thế. Tôi lặng người.

Tôi đem chuyện mình kể lại với những người bạn đồng nghiệp. Câu sẻ chia tôi nhận được nhiều nhất vẫn là những ký ức quê. Làm giàu kho kiến thức trong tâm hồn con trẻ thật cần. Nếu đổ lỗi cho công việc, cho thời gian và cho những bộn bề của cuộc sống, con mình sẽ bị hẫng hụt khi bước vào cuộc đời. Khi đời sống ở phố khác vô cùng những làng quê mượt mát cánh đồng, những lũy tre xanh thì thầm kể chuyện ngày đêm không nghỉ. Hơn thế, rồi sẽ đến một ngày khi ngoái đầu nhìn lại tháng năm trôi, mỗi chúng ta sẽ nhận ra mình để mất nhiều hơn thứ mình có được. Mà điều mất đi không thể quay ngược thời gian để tìm lại.

Mùa quê xa ngái. Đôi gánh của mẹ ngày xưa gánh hai đầu lúa trĩu nặng đôi vai còn bây giờ nằm im trên gác chái. Không chỉ ở quê tôi, mà trên nhiều miền quê bây giờ phố xá đã rộng hơn, hàng ngàn khu đô thị mới đã mọc lên. Đã có nhiều hơn những con đường bê-tông về tận thôn, tận xóm. Những cánh cổng làng rồi cũng lùi xa, trở nên bé nhỏ và cũ mèm trước những công trình đồ sộ. Nhưng vẫn cần lắm những mảnh trời quê mà ánh trăng chiếu sáng đêm hè mát lộng, sẽ cần lắm những cánh đồng mượt cánh cò bay trong câu ca dao ngọt ngào này nào mẹ hát.

Chuyện cánh đồng chỉ là một trong nhiều câu hỏi của con trẻ khiến tôi chạnh lòng. Lòng trắc ẩn luôn là nỗi ám ảnh mang màu thời gian.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
.
.
.
.
.