.

Ngày Sách và Bản quyền thế giới

.

* Về ngày 23-4 hằng năm, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không giống nhau, mỗi nơi mỗi kiểu: Ngày Hội đọc sách thế giới; Ngày Thế giới đọc sách; Ngày sách và bản quyền thế giới; Ngày đọc sách thế giới; Ngày Hội đọc sách và bản quyền thế giới 2012... Xin cho biết cách gọi nào là đúng và xuất xứ của ngày này? (Nguyễn Thị Vân, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Ngày 23-4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day), gọi đúng theo quyết định do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đưa ra tại kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng LHQ diễn ra từ ngày 25-10 đến 16-11-1995 tại Paris (Pháp).

Ngày Sách và Bản quyền thế giới (SVBQTG) được tổ chức hằng năm tại nhiều quốc gia nhằm bảo đảm cho mọi người được khám phá và thỏa mãn sở thích đọc của mình, đồng thời tôn vinh những tác giả đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa, văn minh của nhân loại. Ngày này cũng là cơ hội hợp tác, hợp lực giữa các tác giả, các nhà xuất bản, trường học, các thư viện, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tổ chức lễ kỷ niệm về sách và các tác giả.

Ngày SVBQTG bắt nguồn từ một phong tục truyền thống ở Catalonia (Tây Ban Nha) diễn ra vào ngày 23-4 hằng năm (là ngày lễ Thánh Goerge). Ngày này, người ta tổ chức rất nhiều hội chợ sách và các lễ hội đường phố, mỗi khách hàng mua một cuốn sách sẽ được tặng kèm một bông hồng.

UNESCO mong muốn, Ngày SVBQTG là dịp để cả thế giới tôn vinh sách và những người sáng tạo ra sách, khuyến khích tất cả mọi người đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc.

Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 150 quốc gia tổ chức kỷ niệm Ngày SVBQTG. Tại Việt Nam, thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trong lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội Đọc sách Việt Nam lần đầu tiên tại Văn Miếu Quốc Tử giám vào ngày 23-4-2011 với mong muốn Văn Miếu là điểm khởi đầu, là trung tâm văn hóa đọc sách và tôn vinh sách.

Trước đó, từ năm 2006, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Ngày hội đọc sách - một hoạt động thường niên hưởng ứng Ngày SVBQTG 23-4.

Nói thêm, một số sách báo, tài liệu viết “Ngày hội đọc sách” là dịch từ từ Readathon (tiếng Anh, cũng viết là Read-a-thon), nghĩa gốc là đọc trong một thời gian dài. Trong Readathon, căn tố read nghĩa là đọc, hậu tố athon được tách ra từ từ Marathon (một môn điền kinh trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic với cự ly 42,195km), hậu tố này chỉ một sự kiện diễn ra trong một thời gian dài hơn bình thường và chỉ kết thúc khi đã đạt đến một mốc đã định sẵn nào đó. Từ từ Marathon ban đầu, đã phát sinh thêm một số từ mới như Walkathon (Ngày hội đi bộ), Sellathon (Ngày hội bán hàng), Readathon (Ngày hội đọc sách)…

Tóm lại, 23-4 là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (World Book and Copyright Day). Ngày hội đọc sách (Readathon) không liên quan gì đến ngày này, được tổ chức theo thời gian thích hợp với doanh nghiệp đứng ra tài trợ, ví như Ngày hội đọc sách Readathon “Trao một quyển sách, tạo một tương lai” do Công ty Samsung Vina tổ chức tại Trung tâm Thương mại Crescent, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 31-12-2011 (ảnh).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.