“Trẻ em là những sinh linh rất động, rất nhạy” (Nguyên Ngọc), do vậy mà, những quyển sách tốt bao giờ cũng là những người bạn đường có ích và rất thân thiện, giúp các em làm hành trang vào đời. Vì thế, văn học cho thiếu nhi, thiếu niên là vô cùng cần thiết. Nó như cơm ăn, nước uống, khí trời vậy.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại rằng, hồi đang học lớp ba, nhân đọc một cuốn truyện viết cho trẻ con, ông đã nảy sinh ý định: quyết tâm trở thành nhà văn. Ý định đó thôi thúc ông viết câu chuyện, dài 50 trang giấy vở, rồi lặn lội đi bộ 7 cây số, lên nhà giây thép của huyện, gửi đăng. Chờ mãi, “một tuần, một tháng, một năm chẳng thấy gì hết... Ấy vậy mà sau cái chuyến ấy, tôi vẫn không chừa cái quyết tâm trở thành nhà văn” (Hồi nhỏ các nhà văn học văn - Sở Giáo dục Nghĩa Bình, 1986, trang 86). Có lẽ, nhờ những rung động ban đầu đó, Nguyễn Minh Châu đã để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong văn học Việt Nam hiện đại. Dĩ nhiên, không phải ai muốn viết văn, làm thơ cũng đều trở thành nhà văn, nhà thơ. Song, phải thấy là, nếu không có thế giới cảm xúc hồn nhiên như vậy, con người sẽ không có những ước mơ táo bạo, phi thường. Ngay M.Gorki, trong thời thơ ấu gian khổ của mình, nhà văn cũng tìm thấy ở sách bao điều hay đẹp, có ý nghĩa đối với cuộc sống. Sau này, ông kể lại: “Tôi hồi tưởng lại, trong những ngày niên thiếu, sách đối với tôi đã là người bạn tốt vô ngần” (M.Gorki, Tuyển tập truyện ngắn, tập II, NXB Văn học, HN 1971, trang 286).
Ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác, các nhà văn thường hồi ức về những cuốn sách được đọc hồi còn thơ bé, xem đó là cơ sở ban đầu của việc học viết, học làm người. Phần lớn trong số họ đều thừa nhận rằng, chiều sâu giáo dục, ý nghĩa nhân bản là do nhờ tiếp nhận từ sách, qua sách.
Sách mở ra một thế giới vô cùng rộng lớn và đẹp đẽ. Tiếp xúc với sách là tiếp xúc với bao tri thức và bao kinh nghiệm cuộc sống. Sách là người thầy vĩ đại, nói như một nhà tư tưởng: “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời”.
Thế nhưng, những năm gần đây, trẻ em ít ham đọc sách, lại thích các trò chơi khác. Đây là mối lo chung của tất cả chúng ta. Có thể sau này, thế giới các em đến có nhiều điều lạ, điều mới. Điều ấy cũng bình thường và dễ hiểu. Nhưng dù thế nào đi nữa, thế giới tâm hồn các em không thể thiếu vắng những trang văn thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên được. Sách cho các em không chỉ là những “thiên đường xanh” (Paradis vert - chữ dùng của Pierre Gamara) mà còn cả những nỗi đời hiu quạnh, đớn đau của đồng loại. Có như vậy, các em mới thấy yêu thương những gì đang có, đang hưởng.
Chúng ta đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Liệu rằng, với tình hình sách cho các em như hiện nay, chúng ta nghĩ gì về các thế hệ mà tâm hồn xơ cứng, không thấy nỗi đau của một đất nước đang còn nghèo, không dám sẻ chia những vui buồn với những người cùng chung một nguồn cội, không biết ước mơ về một xã hội công bằng, nhân ái...! Mấy năm nay, khoảng trống vô hình nơi tâm hồn các em đã bị lấp đầy bởi những truyện tranh ồ ạt xuất bản, bởi bao trò chơi điện tử và bởi bao nhiêu thứ khác chưa được biết đến. Nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có những tuyển tập được biên soạn công phu, nghiêm túc, có chất lượng dành cho các em.
Phải chăng người lớn chúng ta bận lo toan nhiều việc, trừ việc làm sách cho thiếu nhi, thiếu niên!
HUỲNH VĂN HOA