.

Tái cơ cấu kinh tế đi từ thể chế

Giải pháp cụ thể nào để tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là nội dung chính được các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia phân tích, đề xuất tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012 được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8 và 9-4. Cả 3 nội dung chính về tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ cho thấy mô hình kinh tế Việt Nam như ngôi nhà xiêu vẹo cần phải sửa lại trụ cột, mà trụ cột ấy chính là thể chế.

Theo TS Phạm Duy Nghĩa, Khoa Luật- chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các thể chế căn bản cần cho nền kinh tế bao gồm một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do cạnh tranh, một cơ chế giữ gìn công lý đáng tin cậy và mọi hành vi can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế đều có khả năng lường trước. Như vậy, muốn phát triển cần phải du nhập cách quản trị Nhà nước, nhấn mạnh tới sự tham gia của người dân, tăng trách nhiệm giải trình, tăng tính tuân thủ pháp luật, tăng hiệu quả ban hành các chính sách và thực thi các chính sách của chính quyền. Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá về chất lượng thể chế của Việt Nam hiện nay chưa cải thiện đáng kể được những vấn đề trên. Vì vậy, nhiều ý kiến tranh luận rằng, có nên thành lập các Ủy ban quản lý công sản, tách quản lý kinh doanh các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi các Bộ và tách quản lý các tập đoàn ra khỏi quyền quản lý trực tiếp của Thủ tướng.

Định hướng xây dựng thể chế đã được đưa ra thảo luận những vấn đề như sửa Hiến pháp 1992 và các Đạo luật về tổ chức các cơ quan quyền lực Nhà nước. Trong đó, cần xem xét lại Chính phủ có nên làm đại diện sở hữu toàn dân hay thành lập Ủy ban quản lý công sản. Việc tái cấu trúc nền kinh tế bắt đầu từ sửa đổi thể chế sẽ khuyến khích cạnh tranh, tăng cường kinh tế tư nhân và Nhà nước chỉ dùng chính sách để điều tiết. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng, vai trò quan hệ doanh nghiệp Nhà nước và thị trường cần phải được tư duy lại, doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm vai trò chủ đạo, Nhà nước không nên quá ôm đồm dẫn đến phân bổ méo mó nguồn lực và nguồn tài nguyên.

Việc thay đổi thể chế cũng phải dựa trên cơ sở tôn trọng sở hữu tư nhân và cơ cấu đầu tư công phải đi ngược lại với chu kỳ hoạt động của kinh tế dân doanh. Doanh nghiệp Nhà nước từ trước đến nay chỉ đi vào những ngành nghề, lĩnh vực có lợi, hay nói cách khác là những lĩnh vực mà thị trường đang cần, trở thành lực cản và lấn át sự phát triển của kinh tế tư nhân. Những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân giảm đầu tư thì doanh nghiệp Nhà nước cũng giảm. Một nghiên cứu của châu Âu mới đây đã công bố: Với Việt Nam, mức chi ngân sách cho đầu tư công 18% GDP là phù hợp, trong khi tỷ lệ này hiện ở mức 34% là quá cao.

TS Lê Đăng Doanh cũng khẳng định đề án tổng thể tái cơ cấu đổi mới nền kinh tế phải cải cách thể chế để tạo ra quá trình mở. Thể chế đó cho phép luật hóa đầu tư công, tăng chức năng giám sát và có các biện pháp chế tài. Việc đầu tư công không nên bình quân dẫn đến hiệu quả thấp mà phải có ban quản lý phân cấp vùng của Chính phủ để quyết định quy hoạch vùng đầu tư trọng điểm. Thể chế đó cần xem xét lại việc phân quyền đầu tư công cho địa phương như hiện nay là quá lớn. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế giám sát nâng cao tính năng động, giải trình và trách nhiệm cá nhân của địa phương.

 Thành tựu kinh tế của Việt Nam chính là sự phản ánh tính đúng đắn của thể chế trong suốt 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, trước yêu cầu mô hình phát triển mới đang hình thành cần phải có sự chuyển đổi về thể chế để giảm bớt việc Nhà nước kinh doanh trực tiếp, kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư công và điều tiết phúc lợi. Sự đột phá về thể chế được cho là ít tốn kém nhất, hiệu quả nhất nhưng cũng khó khăn nhất,  đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, nếu không thì không thể thành công trong đổi mới và tái cơ cấu nền kinh tế. Đó là khẳng định của rất nhiều chuyên gia kinh tế tại diễn đàn này.

THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.