Thân Trọng Huề người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, từng làm Bố chính Quảng Nam và mất chức này vì cả gan dám “chơi khăm” quan đầu tỉnh.
Thân Trọng Huề (ảnh) thông thạo cả Nho học và Tây học, đặc biệt rất rành về hành chánh và luật pháp phương Tây. Năm 19 tuổi (1888) ông thi Hương qua được “nhị trường”, năm sau được chọn sang Pháp học ở trường thuộc địa nhằm đào tạo thành công chức cho Pháp. Sau 7 năm, thi ra trường ông đỗ thủ khoa được các thầy giáo người Pháp hết lời khen ngợi. Về lại quê hương ông được bổ dụng làm việc tại kinh đô. Trong cuộc đời làm quan ông được khen là người thanh liêm, cần mẫn, thông thạo mọi việc, làm việc một cách khoa học.
Ông là thành viên sáng lập Hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội (1919), tham gia viết trên nhiều tờ báo như Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân văn, Nam Phong tạp chí… đề xuất nhiều cải cách về văn hóa-xã hội, vạch trần tệ tham nhũng của quan lại đương thời…
Khi làm quan ở Huế, ông thường giao du với những người chủ trương Duy tân như Phan Châu Trinh, Đào Nguyên Phổ... Thời ông làm Bố chính Quảng Nam cũng là lúc Phong trào Duy tân tại đây được phát động và phát triển mạnh. Có thể “bộ ba Duy tân Quảng Nam” (gồm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp) đã được ông ngầm hỗ trợ bằng cách làm ngơ những việc làm của họ, điều này góp phần quan trọng cho sự lớn mạnh của phong trào trong buổi đầu khó khăn.
Thân Trọng Huề đã có công góp phần thúc đẩy việc cải cách thi cử, trọng thực học; đấu tranh cho bình đẳng giới trong học tập đặc biệt với tư cách Thượng thư bộ Binh, ông đã buộc nhà đương cục Pháp phải ký vào văn kiện lịch sử công nhận lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản gốc của văn bản này mới được tìm thấy đã góp phần chứng minh chủ quyền của đất nước ta trên hai quần đảo trên trước thế giới.
Hoạn lộ của ông cũng lắm gian truân. Một lần bị Nguyễn Thân “bãi chức” vì dám “dạo chơi trong kinh thành gặp đại quan mà không chịu xuống ngựa vái chào” và một lần bị Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đệ, biếm trích, đàn hặc phải “hạ 4 trật cho về nhà”.
Năm 1904, ông nhậm chức Bố chánh Quảng Nam. Lúc bấy giờ Hồ Đệ làm Tổng đốc. Hồ Đệ là người nghiện thuốc phiện, làm quan hay vòi vĩnh ăn tiền hối lộ. Trong khi đó, Thân Trọng Huề là người thanh liêm, giỏi việc nước lại có tư tưởng duy tân. Vì thế, mới gặp nhau hai quan đầu tỉnh này đã chẳng ưa nhau, nhưng ngặt một nỗi Thân Trọng Huề lại dưới quyền của Hồ Đệ. Mâu thuẫn của hai ông lên đỉnh điểm sau vụ Thân Trọng Huề sai lính giết con bò của Hồ Đệ và kết quả là Thân Trọng Huề phải “lánh mình ra Bắc địa”. Chuyện này đã được Phan Khôi kể lại như sau:
“Hồ Đệ có nuôi một bầy bò, mà trong bầy có một con thật to, thật mập, thật mạnh, hay đi lẻ một mình, vào vườn nào phá rau phá chuối vườn ấy. Nó cũng hay vào dinh Bố chánh mà phá như vậy luôn. Lính hầu cứ phải mất công vác gậy ra đuổi nó hoài. Một hôm, đuổi nó không chạy, chắc không phải nó ỷ mình là bò của quan Tổng đốc, nhưng mà vì nó mạnh nó hung, lính bèn vào bẩm quan Bố tức là Thân công.
Thân công truyền lịnh cho lính phải đánh chết.
Lính bẩm là bò của quan Thượng.
Thân công nói: Bò của quan Thượng thì mặc bò của quan Thượng, cứ việc đánh chết đi cho tao.
Lính ra đánh chết. Vào bẩm xin quan dạy bây giờ làm thế nào.
Quan bảo đánh chết rồi thì bay cứ việc làm thịt nó mà ăn đi.
Hàng mấy mươi lính cùng nhau ăn một bữa béo và ngon.
Việc ấy xảy ra thì liền đến tai quan Tổng đốc, ông này nghe nói cứ lằm lằm một mực.
Trong lúc đó, Thân công đi xe đến hầu, bẩm quan Tổng đốc rằng: – Trong dinh tôi, có một con bò nào không biết, nó vào nó phá. Đuổi không được, tôi biểu lính đánh chết ăn thịt, chúng nó ăn hết rồi mới nói rằng bò của quan lớn, thì tôi ngạc nhiên, mà không biết có phải thật của quan lớn chăng?
- Thật của tôi.
- Té ra của quan lớn à? Vậy thì quan lớn nuôi bò làm chi?
- Con bò ấy chính là con nuôi để dành đến ngày đám kỵ cụ nhà tôi.
- Đến ngày ấy, quan lớn sức đi mua có được không? Quan lớn nuôi lấy mà dùng rồi sắp bán bò ngoài thành đây nó bán cho ai?
Quan Tổng đốc làm thinh. Còn Thân công nói mấy lời để xin lỗi về sự mình đã tự tiện giết con bò rồi ra về.
Từ đó về sau, hai đằng thành ra hiềm khích, ông Hồ Đệ cứ kiếm chuyện đánh đổ ông Thân Trọng Huề cho kỳ được”.
Hồ Đệ đã vu cho Thân Trọng Huề là “đồng sự khác lòng”, “làm điều sai trái”... vì thế họ Thân bị “giáng bốn trật và cho về nhà”! Ông đã gửi lên triều đình tờ trình biện minh rằng: “Hạ thần trước đã gặp đại thần hẹp dạ, trong thành dạo ngựa mà bị hạch tội. Sau vì đồng sự khác lòng, vừa đến Quảng Nam, chưa kịp định vị đã bị biếm trích!... Người dèm pha, đố kỵ còn đó, khó yên phận ở Trung kỳ. Vậy xin cho hạ thần được lánh mình ra Bắc địa”. Vua Thành Thái đã chuẩn y lời xin của ông.
Hết ra mặt “khinh miệt” tên Việt gian Nguyễn Thân lại đi “chơi khăm” Tổng đốc Hồ Đệ, Thân Trọng Huề đúng là một người ngang tàng. Một ông quan tài năng và khí phách như vậy lại không làm quan được lâu ở Quảng Nam. Tiếc thật!
LÊ THÍ