.
Cửa sổ tri thức

Giá trị của gỗ sưa

.

* Đọc báo, thấy có tin trên 300kg lõi gỗ sưa thu được từ cây sưa bị đốn hạ đã được một người mua với giá 1,3 tỷ đồng. Nếu 1m3 gỗ sưa nặng chừng 2,5 tấn thì nó có giá là gần 11 tỷ đồng/1m3. Xin cho biết, vì sao gỗ sưa lại đắt đến thế? (Lê Văn Năm, Hải Châu, Đà Nẵng).

Sau khi 4/25 cây sưa tại Vườn hoa Nam Cao, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bị kẻ xấu đốn hạ, ban quản lý vườn hoa đã “mặc váy” bê-tông để bảo vệ cây sưa.                                                                 (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Sau khi 4/25 cây sưa tại Vườn hoa Nam Cao, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bị kẻ xấu đốn hạ, ban quản lý vườn hoa đã “mặc váy” bê-tông để bảo vệ cây sưa. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

- Theo GS. Phùng Tửu Bôi - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, cây sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis, có nơi gọi là huê mộc vàng, trắc thối. Loài cây này phân bố rộng khắp trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên. Sưa mọc ở vùng đất ẩm thường xanh (không rụng lá). Sưa cũng mọc hỗn giao với nhiều loài cây khác. Lõi sưa rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Đây là cây sinh trưởng chậm, một năm chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5 cm đường kính.

GS. Bôi cho biết, trước những tin đồn về giá trị cũng như mục đích thu mua loại gỗ được cho là quý này mang sang Trung Quốc, đã có một đoàn khảo sát của một viện khoa học chuyên ngành sang tận Trung Quốc tìm hiểu xem những người mua loại gỗ này để làm gì. Nhưng câu trả lời vẫn bí mật và chỉ được giải thích chung chung là phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam số ra mới đây, thì gỗ sưa có mùi thơm như trầm, đặc biệt nó có vân gỗ bốn mặt chứ không chỉ hai mặt như các loại gỗ khác và khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Thời vua chúa phong kiến, gỗ sưa dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc quay ra săn lùng sưa để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Đại Hán trước đây vẫn cho rằng quan tài đóng bằng gỗ sưa có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy.

Tuy nhiên, theo GS. Dũng, giá trị đích thực của nó lại thuộc về vấn đề tâm linh. Người ta quan niệm nếu chết được chôn bằng quan tài hoặc được ướp bằng bột sưa thì linh hồn người chết dễ được siêu thoát, đem lại điều may mắn cho gia đình. Ngoài ra, cây sưa thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó ngày nay người ta làm những khâu tràng hạt có giá vài nghìn USD để bán cho các nhà sư và thiện nam tín nữ ở Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến giá của sưa được đẩy lên đến mức kinh hoàng.

Trong lúc chưa rõ thực hư giá gỗ sưa như thế nào thì có ý kiến cho rằng đây chẳng qua là một vụ lừa đẹp chẳng khác nào vụ lừa đồng đen trước đây như nhận định của một số đại gia buôn gỗ ở Bắc Ninh trong bài “Vì sao gỗ sưa có giá 11 tỷ đồng một mét khối?” trên Báo điện tử VTC News. Theo đó, người Trung Quốc tung tin mua gỗ sưa về làm đủ thứ huyền bí, với giá cao, khiến người dân Việt Nam đổ xô chặt cây đem bán cho họ. Thế rồi, mỗi ngày họ lại thổi giá lên cao, sau đó thì bí mật chuyển gỗ sang Việt Nam bán cho giới buôn gỗ.
Ví dụ, họ tung tin sẽ mua gỗ sưa với giá 100 triệu đồng/1m3 và thu mua thật sự. Sau đó, họ lại tuyên bố sẽ mua với giá 1 tỷ đồng/1m3, khiến các con buôn ráo riết gom hàng. Cùng lúc đó, họ sẽ chuyển gỗ bán ngược về Việt Nam với giá vài trăm triệu đồng/khối. Như vậy, họ đã lãi một cách khủng khiếp.

Nếu những lời đồn của giới buôn gỗ ở Bắc Ninh là thực sự, thì đây quả là trò lừa đảo thuộc hàng... cao thủ!

ĐNCT

;
.
.
.
.
.