Đọc “Thu Bồn - nhà thơ trữ tình Đất Quảng” (*) ta dễ nhận ra: đây là một chuyên luận vừa thủ thỉ ân tình, lại vừa có những cô đúc khá sắc sảo.
Có thể nói, thành công của Nguyễn Kim Huy chính là ở chỗ: xuất phát từ lòng cảm phục về đời người và đời thơ của nhà thơ cùng quê hương, thông qua cuộc đời và tác phẩm để viết chuyên luận. Với tâm thế như vậy, tác giả dẫn dắt người đọc cảm nhận cuộc đời và sáng tác của Thu Bồn nhẹ nhàng, suôn sẻ như thể dòng trôi êm êm của con sông Thu Bồn vào những ngày thu đẹp. Tác phẩm cũng rất nhẹ nhàng với một cấu trúc chân phương để “lách dòng” vào những “bến bãi đời”, “nồng nàn thơ” Thu Bồn bằng những trang viết vừa là một sự tái hiện chân dung, giá trị thơ vừa là những câu chữ được chưng cất công phu như một “đồng sáng tạo”… Tôi thích những dòng đánh giá mang tính khái quát cao của Nguyễn Kim Huy: “Tinh hoa văn hóa Đất Quảng trọng nghĩa, hiếu học, yêu nước, bất khuất; tính cách Người Quảng ngay thẳng, cứng cỏi, bộc trực, nhạy cảm đã gặp gỡ với tinh thần sử thi Tây Nguyên hùng tráng, vạm vỡ; tâm hồn người anh em ruột thịt Tây Nguyên chất phác, mộc mạc và phóng khoáng, dữ dội để sinh ra và bồi đắp nên hồn thơ Thu Bồn, phong cách thơ như một cơn gió vút qua trời đất của Thu Bồn”.
Ở “Cái tôi trữ tình hào sảng”, tác giả cho rằng:“Đấy là cái Tôi trữ tình hào sảng, vạm vỡ, mạnh mẽ, đầy chất anh hùng ca và đầy sức lan tỏa gắn liền với tinh thần bi tráng của đất nước, nhân dân trong chiến tranh và gắn liền với những biến động của lịch sử nhân loại hiện đại”; còn với “Cái tôi trữ tình lãng mạn” của Thu Bồn, Nguyễn Kim Huy đã rất tinh tế khi nhận ra: “Thu Bồn là nhà thơ của tình yêu say đắm và nỗi cô đơn mênh mang”.
Với đời và thơ Thu Bồn, “tình yêu say đắm” thì quá chính xác rồi, nhưng “nỗi cô đơn mênh mang” thì Nguyễn Kim Huy đã thật sự lắng vào thơ tình Thu Bồn để người đọc nhận thêm ra một góc cạnh khác mà theo thói thường nó như là một đối lập với cái say đắm, mạnh mẽ, ồ ạt… bên trên. Trong “Cái tôi trữ tình đậm đà chất Quảng”, tác giả đã khéo léo khi gắn “Hồn thơ Quảng” riêng hòa cùng với nhịp đập chung của đất nước, hơi thở chung của cả thời đại. Tình yêu quê hương, xứ sở hòa với tình yêu chung trên nền một lý tưởng nhân văn thể hiện ở thơ Thu Bồn.
Ở “Tư duy thơ”, tác giả đã đề cập đến kiểu tư duy “bản năng trực cảm mạnh mẽ” của Thu Bồn. Có thể nói, đây là một thế mạnh của Thu Bồn trong suốt hành trình sáng tạo của mình. Nhưng tác giả đã biết tiết chế để nhận ra những “mặt trái” của bản năng thơ ấy và đưa ra một đánh giá đáng ghi nhận, tập trung vào những sáng tác giai đoạn đầu của nhà thơ: “Thu Bồn như một người đi đãi vàng sa khoáng nhưng lại nâng niu tất cả những vật thể mà mình tìm được, không kể đó là đồng, chì hay kẽm, hay đá quý, miễn chúng có cảm giác tạo ra sức nặng của kim loại. Dù đấy là điểm mạnh hay hạn chế, thì tổng hòa lại, chúng đã làm nên một phong cách thơ Thu Bồn không thể lẫn lộn với bất cứ ai trong sự hào hứng tràn trề sinh lực thơ của nó”.
Ở giai đoạn thơ sau, một Thu Bồn bản năng đã dần dần chuyển sang một Thu Bồn chiêm nghiệm với kiểu tư duy thơ khá mới mẻ. Nguyễn Kim Huy đã rất “khoa học” khi nhận xét: “Có thể nói, kiểu tư duy thơ đột phá cuối đời là một bước ngoặt trong tiến trình thơ Thu Bồn, và đã giúp cho nhà thơ những câu thơ tuyệt tác nhất, rung động nhất và cũng mang nhiều ý nghĩa chiêm nghiệm, dự cảm lớn lao, có sức chinh phục lòng người nhất! Nhìn suốt quá trình, tư duy thơ Thu Bồn luôn năng động, đa chiều và có những biến chuyển nhạy bén theo từng giai đoạn sáng tác của nhà thơ và đã đem lại cho ông những thành công đầy ấn tượng”.
Bên cạnh tư duy thơ, ở phần phương thức thể hiện, tác giả đã công phu thống kê và tìm đến những nét riêng của Thu Bồn trong việc sử dụng các thể thơ, trong ngôn ngữ và giọng điệu thơ. Nguyễn Kim Huy đã có những nhận định xác đáng với lối viết nhẹ nhàng, đượm tình và sâu sắc: “Những từ ngữ rất bình thường của cuộc sống, trong đó có những từ địa phương vùng Đất Quảng, khi xuất hiện trong thơ Thu Bồn bỗng mang một sắc thái mới, đầy sức biểu cảm trong ngữ cảnh mà nó được sử dụng. Và trong những hoàn cảnh khác nhau, chính ý nghĩa và vẻ biểu cảm của nó cũng thay đổi”.
Cái ân tình, sâu lắng trong đời và thơ Nguyễn Kim Huy, tôi may mắn đã cảm nhận được từ lâu. Giờ, thêm một Nguyễn Kim Huy tiểu luận - phê bình cũng rất có duyên và biết chọn đúng hướng đi để chinh phục được người đọc.
MAI BÁ ẤN
(*) Nguyễn Kim Huy, NXB Đà Nẵng – 2011.