.

Gửi niềm tin về những người trẻ

.

Hội thảo khoa học Phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh (TNSVHS), trí thức, văn nghệ sĩ tại các thành thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975  diễn ra tại Trường Đại học Duy Tân TP. Đà Nẵng vừa qua đã thu hút sự tham gia  của  trên 100 đại biểu là những chứng nhân của phong trào đấu tranh yêu nước. 60 tham luận với nhiều chủ đề khác nhau đã góp phần ghi nhận và đánh giá lại một phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. ĐNCT lược ghi lại một số ý kiến tại hội thảo.
 

LÊ CÔNG CƠ (nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp SVHS Khu Trung Trung Bộ; Bí thư thành đoàn Đà Nẵng; hiện là Chủ tịch HĐQT, quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân): Cần đánh giá khách quan và toàn diện

Ngay từ những năm 1954 – 1957, học sinh, sinh viên (HSSV) miền Nam đã sôi nổi tham gia các cuộc xuống đường đòi hòa bình cho Việt Nam, đòi thực hiện đúng hiệp định Genève. Huế là nơi khởi phát phong trào sớm nhất. Và vào thời điểm 1963, cuộc xuống đường với sự tham gia của đông đảo nữ sinh Đồng Khánh, Quốc Học (Huế), phong trào HSSV chính thức cất tiếng nói riêng. Từ đây ngọn lửa lan nhanh đến các thành thị miền Nam khác.

Không chỉ đấu tranh chính trị, biểu tình đòi độc lập dân tộc, đòi thống nhất; phản đối sự hà khắc của chế độ gia đình trị (dưới thời Ngô Đình Diệm); phản đối các trò mị dân, bán nước, cố tình kéo dài sự xâm lược của ngoại bang lên lãnh thổ (dưới thời chế độ ngụy quyền Sài Gòn từ Nguyễn Khánh đến Nguyễn Văn Thiệu); chống đàn áp, bắt bớ… Từ hình thức bằng khẩu hiệu, bằng cách tuyệt thực để phản đối nhà cầm quyền, dần dần phong trào chuyển sang các hình thức và nội dung tích cực hơn, quyết liệt hơn. Lực lượng HSSV đã có hẳn một lực lượng cảm tử, quyết tử (phong trào tại Đà Lạt); dẫn đường và mở đường đưa bộ đội vào nội thành trong các trận đánh có tính quyết định, trong chiến dịch lớn, nhất là Xuân Mậu Thân, Xuân 1975. Đặc biệt, từ yêu cầu diệt mật báo - diệt ác ôn, từ phong trào HSSV tranh đấu, một đơn vị đã làm kẻ thù phải kinh hoàng được ra đời: Lực lượng Biệt động nội thành.

Với ý nghĩa trên, tôi và các chứng nhân của phong trào, may mắn vẫn còn sống đến hôm nay; giới nghiên cứu, giới khoa học lịch sử; những người làm công tác giáo dục – đào tạo đau đáu đến việc phải cố gắng tổng kết thật đầy đủ phong trào; nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá hết sức khách quan và toàn diện về một phong trào đấu tranh yêu nước.

HUỲNH TẤN MẪM (nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1969-1972): Một cao trào cách mạng đầy sáng tạo

Phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên các thành phố miền Nam (giai đoạn 1969-1972) đã thành công dựng lên một cao trào cách mạng hoạt động công khai, sôi nổi và đầy sáng tạo giữa lòng “Thủ đô” của địch có nhiều ưu điểm nổi bật:

Đối nội: phối hợp hành động được nhiều tổ chức thanh niên, học sinh, sinh viên, phật giáo, công giáo, trí thức, các thành phần đối lập, các tầng lớp trí thức, các tầng lớp đồng bào lao động... trong nước thành một mặt trận đoàn kết dân tộc, một sức mạnh to lớn làm cho địch phải chấp nhận những đòi hỏi chính đáng của TNSVHS, đấu tranh đòi dân sinh, đòi hòa bình và hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Đối ngoại: kết nối và phối hợp đấu tranh mạnh mẽ nhất từ trước đến nay giữa phong trào trong nước với nhân dân, trí thức, sinh viên các nước và Việt kiều, tạo ra một thế lực chính trị chống Mỹ - Thiệu chưa từng có trước đây.

Phong trào TNSVHS các thành phố miền Nam trong thời gian này được đánh giá là một cao trào cách mạng và đầy sáng tạo nhất so với trước đây, là một mặt trận đấu tranh chính trị công khai sôi nổi được lòng dân với sự tham gia đấu tranh nhiều thành phần dân tộc nhất.

LÊ VĂN NUÔI (nguyên Chủ tịch Tổng đoàn học sinh Sài Gòn 1970 - 1971 – nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ): Đánh giá đúng về tính cách mạng của nguồn năng lượng trẻ

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá đúng về tính cách mạng của nguồn năng lượng trẻ này, nên đã phát động được một phong trào HSSV đô thị miền Nam đấu tranh chống Mỹ và một phong trào HSSV miền Bắc lên đường vượt Trường Sơn tham gia giải phóng miền Nam. Rõ ràng nếu không tin tưởng, không phát huy, không dám để giới trẻ học đường gánh vác sứ mệnh lịch sử thì không thể có những phong trào hành động cách mạng của giới trẻ; mà từ thử thách máu lửa đó mới sản sinh ra một thế hệ anh hùng mà tiêu biểu là những anh hùng liệt sĩ trong giới SVHS như Trần văn Ơn, Trần Quang Cơ, Trang Văn Học, Nguyễn Thái Bình, Quách Thị Trang, Đặng Thùy Trâm, Nhất Chi Mai...

HUỲNH VĂN HOA (Ban liên lạc Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng; hiện là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng): Không một ai bị lãng quên

Năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng cuộc đấu tranh của các tầng lớp THSVHS Đà Nẵng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1970-1975 mãi mãi là những hình ảnh tuyệt vời.

Ngày hôm nay, những trái tim ấy vẫn còn tràn đầy nhịp đập mạnh mẽ, ân nghĩa; hằng ngày, hằng giờ vẫn ở bên cạnh lớp trẻ hiện tại, nhiệt thành và đầy sáng tạo cho một thành phố Đà Nẵng anh hùng, một thành phố đáng sống. Không một ai bị lãng quên và sẽ không có sự kiện nào được quên lãng. Lịch sử và chân lý sẽ là mãi mãi.

 

Nhà thơ TẦN HOÀI DẠ VŨ (nguyên Chủ tịch Sinh viên Đại học Sư phạm Huế; Hiệu trưởng Trường Quốc Học Huế (1975-1976)): Niềm tin về  những người trẻ hôm nay

Cá nhân tôi còn có một niềm tin khác, tôi tin chắc rằng những người trẻ hôm nay (những người mà nói theo ngôn ngữ thời thượng là thế hệ 8X, 9X) cũng sẽ lựa chọn như chúng tôi đã từng lựa chọn, nếu đất nước bị xâm lăng tới từ nơi đâu, ở vùng trời hay vùng biển nào. Đó là truyền thống yêu nước của người Việt Nam. Cho phép tôi gởi niềm tin và tình yêu không đổi dời ấy đến tất cả những người đã có một thời biết quên mình cho những ước mơ. Và ai dám quả quyết là hiện nay chúng ta không còn phải ước mơ?

 

 

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.