.

Rớ, một đời

.

Để coi rớ, người ta cất một cái chòi con trên biển. Cọc của chòi được đóng chặt dưới đất. Chòi gần nhất cách bờ cũng phải trên một trăm mét và chòi xa bờ cũng khoảng vài trăm. Kêu là chòi rớ. Sống ở thành phố biển, dễ có đến bốn chục năm trời. Cứ mỗi lần ra biển, tôi lại nhìn thấy những cái chòi ấy. Cứ mỗi lần xuống nước và bơi ra, lại lấy chòi là cái đích để mà nhắm tới. Hôm nào khỏe thì chòi một, chòi hai là bình thường. Hôm nào mệt sợ nửa chòi cũng chưa xong, nữa là…

Rớ trên sông Hoài.					                                                       Ảnh: Minh Trí
Rớ trên sông Hoài.                                                                                                     Ảnh: Minh Trí

Tôi cũng chỉ biết rớ, từ cái nhìn bên ngoài như vậy và luôn nghĩ người ta cất lên cái chòi con đó để thi thoảng ra coi cá mắm gì đấy, chứ đâu hình dung ở trong chòi rớ là cả một cuộc đời và bao quanh đấy là cả một khung cảnh, một môi trường sống với bao nhiêu điều lạ lẫm và thú vị, mà tôi chưa hề được biết đến bao giờ. Chẳng là ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi được một người bạn rủ đi câu. Đầu tiên cả bọn định đi xe máy ra sông Cầu, là cái điểm mà chúng tôi vẫn đóng chốt lâu nay, sau để đổi gió, ông bạn rủ chúng tôi ra rớ. Quả là một ngày tuyệt vời, ở cái chòi nhỏ ngoài đó, khi được cùng tham dự vào cuộc sống cùng công việc thường nhật của một người chủ chòi rớ, có tên là Năm “râu”.

Chúng tôi đi thúng ra và lần lượt bám lấy cái cầu thang tạm bợ để lên chòi. Nghĩ cũng thật hay! Một cái chòi có mỗi bề chừng một thước rưỡi mà được sắp đặt y hệt một ngôi nhà nhỏ vậy. Cũng có chỗ ngủ, chỗ nấu ăn, nơi coi rớ, nơi uống trà buổi sớm và lai rai… bất cứ lúc nào. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết anh Năm sống ở rớ quanh năm và đã sống như thế này có đến mấy chục năm trời. Từ hồi thanh niên rồi có vợ, có con và giờ đã có cháu. Chỉ khi biển bị bão giông dữ dội anh mới về nhà, trú tạm ít ngày cho qua rồi lại mò ra rớ. Anh chép miệng: “Cái kiếp rồi. Không bỏ được. Về nhà ngủ không yên. Ăn không ngon. Biết làm sao! Vợ cũng dân biển. Nó hiểu. Ai biểu thương chi cái thằng coi chòi rớ”. Một người trong nhóm chúng tôi nói vui: “Vậy sao gần vợ được anh Năm?”. Anh cười xuề xòa: “Không gần được sao có con, cha? Muốn gần, khó gì… Ngày nào tôi lại không đem cá mú về cho con vợ nó bán…”.

Dù chuyện trò với chúng tôi rất hăng say nhưng anh Năm vẫn không chểnh mãng công việc của mình. Mất khoảng mười lăm, hai mươi phút cho một mẻ lưới, tính từ lúc thả rớ. Rớ được kéo vô bằng một cái guồng quay. Có thể quay bằng tay hoặc chân. Hết mẻ rớ này anh lại quăng mẻ rớ khác và cứ vậy từng mẻ rớ cho anh đủ các loại hải sản: ghẹ, mực, cá, tôm… Được mẻ rớ nào, anh “giộng” xuống giỏ lưới mẻ đó. Và, giỏ này được bỏ lửng trong nước biển, dưới chòi, chừng vô bờ sẽ xách về. Vợ anh đã phân chia rõ ràng: cá và tôm là để chị bán kiếm tiền nuôi gia đình. Còn các loại khác anh có quyền… xài riêng. Anh nói: “Để làm thức ăn cũng có, lai rai với anh em cũng có. Hồi nhiều quá, nhậu không hết thì gửi bả bán lấy tiền đó mua rượu, thuốc lá, trà, cà-phê. Phần cá, tôm bả quản lý, gặp con nước, trúng bán cũng được cả trăm ngàn một ngày. Hồi dăm, bảy chục. Hồi vài ba chục. Cũng vô chừng…”. Ở chòi của anh có đủ cả: gạo, nước mắm, dầu lửa, gia vị, nước ngọt để dùng và làm sao thiếu được lít Bàu Đá để chiêu đãi bạn hiền, đôi khi. Bữa đó anh trúng mực và cho chúng tôi ăn mực hấp chấm mắm gừng. Rớ cũng cho anh một ít ruốc (tép) làm gỏi để nhâm nhi. Phần chồng tôi và ông bạn ngồi ở chòi rớ câu được một mớ cá vụn. Anh lấy kho keo để ăn cơm. Ngon quá chừng!

Một ngày ngoài chòi rớ với tất cả sự sảng khoái đơn sơ. Với hết thảy những thú vui dân dã. Được ăn đồ biển ngon. Được sống trong thứ không khí thoáng đãng trong lành… Tôi chợt hiểu ra vì sao anh Năm “râu” đã chọn cái góc biển này với chênh vênh một cái chòi con cùng những mẻ rớ, giữa trời nước bao la, để làm lẽ sống, cả đời.

M.N

;
.
.
.
.
.