.

Chuyện thùng rác

.

Thùng rác-chuyện tưởng nhỏ mà vô cùng quan trọng, bởi đó là chỗ... bỏ rác thải từ sinh hoạt của người dân, của các ngành y tế, công nghiệp... Nhiều cơ quan quản lý Nhà nước phải bàn tới, bàn lui để cuối cùng đưa ra mẫu thùng rác đẹp nhất, tiện ích nhất tùy theo tuyến đường.

Thùng rác gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường như thế này sẽ dần được thay thế.
Thùng rác gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường như thế này sẽ dần được thay thế.

Trăn trở cùng thùng rác

Bức xúc với những thùng rác mất nắp, ngã chỏng gọng, lăn tứ tung, thỉnh thoảng gây tai nạn cho người đi đường, Nguyễn Thị Như Ý, chuyên viên Trung tâm đào tạo tiếng Anh Việt Nam-Ấn Độ thuộc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã nảy ra ý tưởng sáng tạo kiểu thùng rác mới, nhằm bảo đảm thẩm mỹ và không gây mùi hôi.

Cùng với hai người bạn nữa, Ý bắt tay vào việc thiết kế Hệ thống thùng rác ngầm gồm ba phần: hầm chứa thùng rác được xây ngầm bằng gạch bên dưới vỉa hè, thùng rác nhựa đặt bên trong hầm và thùng rác nhỏ nổi ở trên. Thùng rác ngầm được bố trí nằm sát bó vỉa, giúp xe lấy rác thuận lợi trong việc thu gom. Tấm đậy trên miệng hầm được thiết kế gắn liền với thùng rác nổi nhỏ gọn bên trên, rất thuận tiện cho trẻ em và người tàn tật bỏ rác vào. Ngoài ra, thùng rác nổi sẽ gắn thêm tấm ngăn mùi nằm ngang có thể xoay quanh một trục và tự động trở lại vị trí ban đầu. Khi rác được bỏ vào, tác động của trọng lực rác sẽ đẩy tấm ngăn mùi xuống để rác rơi xuống thùng rác ngầm bên dưới. Sau đó, tấm ngăn mùi sẽ trở lại vị trí cũ để không cho mùi hôi từ rác bên dưới hầm thoát lên gây ô nhiễm môi trường.

Không biết thùng rác sáng tạo có nhận được sự đồng tình của người dân Đà Nẵng hay không, nhưng trước hết, những ai nghe nhóm tác giả trình bày cũng có thể thấy ngay cái lợi trước mắt: Hệ thống có thể giảm mùi hôi, cải thiện môi trường, tiết kiệm diện tích bề mặt sử dụng của vỉa hè. Hơn nữa, khi không còn cảm thấy phiền toái vì cái thùng rác đặt ngay trước mặt nhà mình, người dân sẽ không xê dịch các thùng rác khỏi vị trí lắp đặt cố định. Và với hình những con vật, gốc cây trang trí trên thùng rác nhỏ, hệ thống sẽ mang tính thẩm mỹ cao, không làm mất đi vẻ đẹp của những tuyến đường. Ý tưởng này đã được Hội đồng giám khảo của cuộc thi “Ý tưởng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng” lần thứ II-2011 đánh giá cao do tính sáng tạo, tính cấp thiết và tính khả thi về tài chính.

Nhóm tác giả đề xuất chọn tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài để xây dựng thí điểm hệ thống thùng rác ngầm, bởi đây là một trong những con đường sạch đẹp và ấn tượng nhất thành phố. Ý cho hay: “Qua việc tham khảo bản vẽ mặt cắt ngang đại điện của tuyến đường, chúng tôi thấy rằng trong phạm vi 1m từ bó vỉa trở vào, bên dưới không có hệ thống ngầm, nên việc thi công các hộc chứa rất thuận lợi. Các thùng rác nhựa dung tích 240l sẽ được bố trí dưới hộc chứa để làm nơi tập trung rác”.

Thay thùng rác mới

Từ năm 2002 đến nay, việc đặt các thùng rác trên các tuyến đường đã bộc lộ nhiều nhược điểm, trong đó gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường là hai vấn đề chính làm đau đầu những ai quan tâm đến môi trường. Vì vậy, vừa qua, khi Đà Nẵng áp dụng việc thu gom rác theo giờ với mong muốn khắc phục được các hạn chế trên, thì thành phố không phải “phô diễn” quá nhiều thùng rác như từ trước tới nay.

Đà Nẵng đang tiến hành thay mới 5.000 thùng rác bằng chất liệu composite theo công nghệ mới RTM. Hiện 500 thùng rác mới đã được dùng để thu gom rác theo giờ hoặc thay thế một số thùng hỏng trên một số tuyến đường.

Đối với những tuyến đường du lịch như Bạch Đằng, Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, từ năm ngoái, Đà Nẵng đã đặt khoảng 60 thùng rác làm bằng sắt sơn tĩnh điện, không gỉ, với thể tích chứa 100-300 lít. Đặc biệt, thùng rác được chia làm 2 ngăn giúp phân loại rác thải rắn, hữu cơ ngay từ ban đầu, phía trên thùng còn có chỗ gạt tàn thuốc. Chị Trần Thị Hương Giang, chuyên viên phòng Kế hoạch-Đầu tư, Công ty TNHH MTV Môi trường-Đô thị Đà Nẵng cho biết: “Chủ trương của Đà Nẵng là không lắp đặt các thùng rác lớn trên các tuyến phố du lịch để bảo đảm thẩm mỹ, nhưng vẫn cần chỗ cho khách vãng lai, khách du lịch bỏ rác. Do đó, loại thùng rác mới này có thiết kế đẹp và hài hòa với các tuyến phố du lịch”.

“Có thể bây giờ Đà Nẵng chưa áp dụng mô hình thùng rác ngầm vì nhiều lý do khách quan. Nhưng tôi cho rằng, trong mười năm, hai mươi năm, hệ thống này sẽ được áp dụng rộng rãi, khi các phương thức thu gom rác hiện tại sẽ không còn thích hợp nữa. Muốn phát triển và đạt đến thành phố môi trường thì cần phải thay đổi và bứt phá”, Như Ý tin tưởng.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.