.

Lấy công làm lãi

.

Vài năm gần đây, trên khắp những con đường của Đà Nẵng, hình ảnh người dân trên chiếc xe máy cà tàng hoặc xe tải nhỏ chở theo những chiếc thùng nhựa chứa thức ăn thừa (TAT) chạy trên những tuyến đường đã quá đỗi quen thuộc. Dù chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu người tham gia vào công việc này nhưng trên thực tế họ đã góp một phần vào việc giảm rác thải  môi trường, đồng thời nhiều hộ đã giàu lên nhờ sử dụng nguồn TAT vào việc chăn nuôi.

Chị Nghiệp tự tay đi thu gom TAT để lấy công làm lời.
Chị Nghiệp tự tay đi thu gom TAT để lấy công làm lời.

Theo chiếc xe tải nhỏ của chị Trần Thị Hà (48 tuổi) về thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương mới biết, cả thôn có gần trăm người làm nghề chở TAT. Ở đây có rất nhiều hộ nuôi heo, nhiều thì hơn trăm con, ít thì 10-15 con. Nhà nào cũng có vài chiếc thùng hai mươi lít sẵn sàng cho những chuyến đi từ quê ra phố.

Cả làng làm nghề

Trước đây chị dùng xe máy, ngày mưa cũng như nắng, mỗi ngày 5 lần ra phố, mỗi chuyến chở 9 thùng TAT trên các tuyến đường Hoàng Diệu, Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ. Chuyến đầu tiên bắt đầu từ 2 giờ 30 sáng, chuyến cuối cùng về tới Hòa Khương lúc 9 giờ đêm. Cũng may, cả thôn có rất nhiều người cùng làm nghề với mình nên khuya sớm có nhau, không phải nỗi lo thân gái dặm đường.

Nhờ chăn nuôi, làm kinh tế phát đạt, giờ chị đã chuyển qua chở TAT bằng chiếc xe tải nhỏ. Chị cũng không phải tất bật ngày 5 lần xuống phố như trước. Chị tìm được những mối khách quen, đặt mua của những người thu gom dưới phố, mỗi thùng 5.000 đồng, họ gom hàng và tập kết sau khách sạn Thanh Long trên đường Điện Biên Phủ. 3 giờ sáng vợ chồng chị đánh xe xuống chở chừng 50 thùng. Chị cũng may mắn liên hệ được với bếp ăn của Công ty Dệt may Hòa Thọ để có thêm một chuyến 35 thùng nữa vào buổi chiều đủ thức ăn cả ngày cho hơn 100 con heo.

Cũng đi chở TAT về nuôi heo như nhiều hộ gia đình khác, ông Cao Văn Mể, Trưởng thôn Phú Sơn 2 cho biết từ khi thành phố có quy định cấm nuôi heo trong phố thì lượng TAT mới dư ra nhiều, nhất là từ những nhà hàng, khách sạn, quán ăn nên người dân vùng ven chúng tôi mới có cơ hội xuống gom về cho heo. Nhờ đó mà kinh tế các hộ gia đình trong làng khá hẳn lên. Hiện trong thôn có khoảng gần 100 người đi lấy TAT dưới phố. Cả thôn có 2 xe tải nhỏ, còn lại đa số chở bằng xe máy.

Vất vả mưu sinh

Cũng theo ông Mể, hơn 3 năm đi lấy TAT, vất vả lắm mới bắt được những mối hàng quen thuộc. Ông cho biết, lúc đầu phải đi hỏi từng quán ăn để xin đặt thùng ở đó, mỗi khi có đồ thừa họ sẽ đổ vào thùng rồi mình đến gom lại. Thậm chí ông còn vào cả những công trình xây dựng để xin. Cứ tận dụng những mối quen như thế, ngày 2 chuyến, ông rong ruổi khắp các con phố đến những hàng quán để gom từng chút một.

Bây giờ có quá nhiều người đi lấy TAT nên nguồn hàng cũng khan hiếm, cộng với nuôi nhiều heo hơn, nên ông vừa đi gom vừa đặt mua của những người thu gom để bảo đảm nguồn thức ăn cho hơn 50 con heo.

Tuy nhiên, dù là mua lại cái thứ cơm thừa, canh cặn nhưng vẫn có những người thu gom làm dối, tức là lấy được hai thùng TAT họ pha loãng thành 3 thùng bán cho người chăn nuôi. Vì vậy, phải chọn những mối hàng thân thiết, quen thuộc.

Gần 4 năm qua, chiều nào chị Trần Thị Nghiệp (54 tuổi) cũng chạy chiếc Honda 79 cũ mèm từ thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu xuống Đà Nẵng để lấy TAT. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn, khuôn mặt sạm đen vì nắng ít ai hình dung được chị sẽ chở 9 thùng TAT từ phố về Hòa Châu. Không có điều kiện để đặt mua của những người gom sẵn, cũng chẳng quen những nhà hàng khách sạn lớn, chị chọn cho mình cách lấy công làm lời. Chị xin đặt những chiếc thùng nhỏ ở các xóm trọ, quán ăn… rồi mỗi chiều chị cẩn thận đi trút từng ít TAT của các gia đình, các quán khắp tuyến đường Nguyễn Phước Nguyên. Khi đầy 9 thùng cũng là lúc trời nhá nhem tối, ngày nào về đến nhà cũng hơn 7 giờ tối. Làm như vậy mất thời gian một chút nhưng chị tiết kiệm thêm được mấy chục ngàn.

Những người đi thu gom TAT cho biết, nghề này cũng đầy vất vả, cực nhọc. Hầu như, cả năm, mọi người chỉ nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết, còn ngày nào cũng trên những chuyến xe ngược xuôi như thế. Ai cũng cầu mong có sức khỏe tốt và vững tay lái.

Không riêng gì những người như chị Hà, ông Mể, chị Nghiệp, tại các xã vùng ven thành phố như Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Khương còn rất nhiều người đang ngày ngày làm kinh tế chăn nuôi từ TAT. Dù là thu gom, xin những thứ người ta đổ đi, nhưng bản thân mỗi người làm nghề đều thấy tự hào vì họ lao động bằng chính công sức của mình. Những đồng tiền họ kiếm được dù mặn chát mồ hôi nhưng họ đang góp một phần hữu ích cho xã hội, làm cho thành phố này sạch đẹp hơn.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.