.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Chuyện Huỳnh Thúc Kháng học tiếng Tây

.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người học rất giỏi, đã hai lần đỗ thủ khoa trong các kỳ thi Hương (1900) và thi Hội (1904). Cụ còn là người rất ham học, lúc nào cũng đọc sách tìm tòi cái mới, cái hay của sách vở, khám phá cái vô cùng của kiến thức. Cụ là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của người Quảng và soi rọi cho thế hệ thanh niên đời sau.

 Nhà tù Côn Đảo, nơi cụ Huỳnh học tiếng Tây. (Nguồn: baolamdong.vn)
Nhà tù Côn Đảo, nơi cụ Huỳnh học tiếng Tây. (Nguồn: baolamdong.vn)

Trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (NXB Anh Minh, Huế, 1963), cụ đã tự nhận sự say mê học tập của mình: “Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài thơ văn sách vở ra, gần như không có cái gì là “mỹ cảm”. Bởi vậy trong bạn anh em đồng thời với tôi như cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh - ĐNCT), Tập Xuyên (Ngô Đức Kế - ĐNCT), v.v… thường có lời nhạo tôi là “lão phát” vì không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích ngoạn thưởng: không biết uống rượu, không biết chơi hoa, không biết ngắm sắc, không biết thưởng sơn thủy. Chính cụ Tây Hồ đã tặng tôi một bài thơ có câu:

Khách lai vô thoại chỉ đam thư (khách đến không nói chỉ mê đọc sách).

Mà phần đông trong bảy chữ ấy không khác gì một bức tranh hoạt họa cái người tôi, đúng từng nét”.

Trong Thi tù tùng thoại (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1951) cụ lại kể một chuyện vui khác, câu chuyện này làm chúng ta xúc động về tình bạn giữa cụ và cụ Phan Châu Trinh cũng như hiểu thêm về tinh thần hiếu học của cụ và các nhà nho yêu nước thời đó. Cụ kể “Nguyên lúc cụ Tây Hồ ra đảo, ăn mặc nói năng và cử chỉ đều khác bọn tù thường. Bọn ma tà và bọn tù kia nghe nói cụ ở ngoài triều làm quan, nên gọi là “quan to”: vì vậy nên thấy bọn chúng tôi ăn nói giống cụ Tây Hồ, bọn ma tà và bọn tù kia gọi một tiếng là “tụi quan to”. Lịch sử tù Côn Lôn có thêm một hạng “tụi quan to”.

Bọn “tù quan to” đã dạy cho đám tù thường phạm ở Côn Đảo những bài học nhớ đời:

“Tôi ra đảo có mang theo một cuốn Pháp Việt từ điển Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecture-language (tập đọc ngôn ngữ) và một quyển mẹo (grammaire - văn phạm). Khi ra đến thì đồ mặc đổi thành đồ tù, bao nhiêu đồ mang theo đều gởi vào kho, các sách ấy cũng mang vào trong khám, không rõ lưu lạc đi đâu.

Sau đó cụ Tây Hồ ở ngoài (làng An Hải của Côn Đảo) biết là sách của chúng tôi mới chuộc lại gởi vào. Thế là sách ấy lại gặp chủ nó. Tôi và cụ Tập Xuyên và vài ba người nữa, mỗi ngày giờ làm xong việc thì vào khám học chữ Tây… Kế đó, bọn tù “Politique” (chính trị - ĐNCT) được ở riêng một khám, không có bọn tù khác quấy nhiễu mỗi bữa nghỉ trưa  vào khám là kẻ học người viết. Sau lại mua thêm được ít sách Lecture và sách mẹo, cùng một bản “Histoire national Français” (Lịch sử nước Pháp - ĐNCT) cùng nhau nghiên cứu có hiểu biết Pháp văn nhiều ít. Tuy chúng tôi học bằng con mắt và bộ não nên nghe và nói tiếng Tây hay sai vận và không được lanh lẹ; song đọc sách hiểu nghĩa, đặt câu và phiên dịch, biết được đại khái...”. (Sđd, tr.144).

Là nhà Nho, lại rất khiêm tốn, cụ nói thế nhưng thực tế cụ rất giỏi tiếng Pháp. Khi làm báo Tiếng Dân cụ đã từng nghiên cứu cả những tác phẩm triết học của các tác giả phương Tây mà ngày nay chúng ta vẫn còn không hiểu hết (trong báo Tiếng Dân số 290 ngày 14-6-1930 cụ đã giới thiệu học thuyết của John Dewey, một nhà triết học và tâm lý học người Mỹ đề xướng ra khoa học thực nghiệm dựa trên chủ nghĩa thực dụng).

Việc học chữ Tây của cụ khi nghe đến ai cũng phải cười ra nước mắt:

“Lúc chúng tôi học chữ Tây, mỗi buổi trưa đọc sách, viết dictée (chính tả), hai phòng bên cạnh cho là làm mất giấc ngủ trưa của chúng, khởi lên chửi mắng:

- Tụi quan to, ở nhà cha mẹ cho đi học, không học; ra tù, học cái gì mà phá giấc ngủ người ta”.

Nhờ học chữ Tây mà cụ được cử làm thư ký trong phòng giấy của quan Tham biện. Theo cụ, “Công việc trong tù được làm thư ký là vinh hạnh nhứt, không khác gì quan trường trong đất, đã khỏi cái nạn làm xâu việc nặng, Ma tà, Gardien đối đãi cũng tử tế, đến đồ ăn mặc và tiền công đều chiếm hạng nhứt…” (Sđd, tr.144).

Khi thấy cụ được làm thư ký, những người chửi mắng các cụ trước đây cũng lấy làm ngạc nhiên và thay đổi thái độ:

“Té ra học trong tù mà cũng làm việc nhà giấy được kia”. Và “Từ đó bọn chúng không còn mắng chửi, lại có đứa sắm giấy bút để học, rõ là chuyện thú vị buồn cười”. (Sđd, tr.144).

Cũng nhờ lòng ham học và việc học chữ Tây trong tù mà Huỳnh Thúc Kháng đã có điều kiện trình bày thẳng nguyện vọng của mình với những người Pháp cai quản nhà tù, nhờ họ can thiệp để cụ được trả tự do sớm hơn; về sau, việc trao đổi với người Pháp khi cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ được thuận lợi, nhất là trong việc điều hành và viết báo Tiếng Dân.

Cụ Huỳnh xứng đáng là hình mẫu của học tập mọi nơi, học tập suốt đời!

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.