.

Du học từ... “số 0”

.

Thời nay, du học không chỉ dành cho những học sinh có học lực tốt, thành thạo tiếng Anh hoặc có gia cảnh khá giả, nhiều bậc cha mẹ dù không có kinh tế vững vàng vẫn tìm cách đưa con ra nước ngoài học, kể cả khi học sinh nói tiếng Anh rất kém. “Số 0” ở đây có thể hiểu là không giỏi, không dồi dào về tài chính, không có tài khoản ngân hàng...

Nhiều bậc phụ huynh đến tìm hiểu thông tin du học tại các Trung tâm tư vấn du học.
Nhiều bậc phụ huynh đến tìm hiểu thông tin du học tại các Trung tâm tư vấn du học.

“Lo” thủ tục từ A đến Z

N.T.R (*) là một học sinh có học lực trung bình của trường THPT N.T. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp được hai tháng, qua một trung tâm tư vấn du học (TT TVDH) tại Đà Nẵng, R. được mời phỏng vấn đi du học Mỹ. Vốn tiếng Anh không là bao, chỉ qua một lớp học cấp tốc và trả lời trót lọt một số câu hỏi phỏng vấn đơn giản do TT trên “gà” trước, R. lấy visa sang Mỹ khá nhanh chóng. Hiện R. chuẩn bị kết hôn với một người Mỹ gốc Việt để có thể ở lại Mỹ và được hưởng các chính sách xã hội của nước này.

Câu chuyên của R. cũng là câu chuyện của không ít gia đình dù kinh tế không khá giả vẫn tìm mọi cách đưa con đi du học tại các nước phương Tây như Mỹ, Úc, Canada..., để có cơ hội thay đổi cuộc sống và giúp đỡ gia đình trong tương lai. Với chi phí trọn gói từ khi làm hồ sơ đến lúc phỏng vấn khoảng 2.500 - 4.000 USD/trường hợp, nhiều TT TVDH tại Đà Nẵng cam đoan sẽ lo từ A đến Z cho các gia đình và học sinh có nhu cầu. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều TTTVDH, ngoài các học sinh mang đến bổ túc các hồ sơ như sổ tiết kiệm, học bạ..., nhiều bậc phụ huynh với vẻ ngoài không mấy khá giả cũng thường xuyên lui tới để được tư vấn cho con du học.

Được sự giới thiệu của một người quen, tôi tìm đến nhà bà T.T, Giám đốc TT tư vấn du học H.T để được tư vấn, với mục đích đưa đứa em vừa tốt nghiệp cấp 3 đi du học. Bà T.T đưa ra hàng loạt các trường tại nhiều thành phố của Mỹ, Úc, Canada với nhiều mức giá học tập và sinh hoạt khác nhau, tùy theo độ “nóng” của trường học và sự náo nhiệt của thành phố đó. Tôi nêu rất nhiều khó khăn từ phía mình như: Học sinh có học lực dưới 6.0, vừa rớt Đại học, tiếng Anh kém, hoàn cảnh gia đình bình thường nên không thể chứng minh tài chính... Bà T.T vẫn khẳng định chắc chắn rằng, bà có thể “lo” tất cả từ “số 0”, với mức giá tăng dần tùy theo dịch vụ. Riêng thị trường Mỹ, theo bà T., do phía Mỹ đòi hỏi trong hồ sơ phải chứng minh cha mẹ học sinh đã đi du lịch nước ngoài để chứng tỏ khả năng tài chính, nên hoặc là gia đình phải đi một nước nào đó, hoặc bà sẽ “lo” với các dấu xuất nhập cảnh đóng trên hộ chiếu. “Hiện nay thay vì đi một chuyến Singapore, Malaysia... có thể mất khoảng 20 triệu đồng, thì chị có thể đóng dấu đến 4 nước nhưng chỉ mất 8 triệu đồng”.

Cũng như bà T., các TT TVDH khác như ID., EP... đều có thể “soạn” lại về học bạ, tài khoản ngân hàng, và cả giấy tờ kinh doanh của cha mẹ học sinh để bảo đảm hồ sơ hợp lệ cho học sinh đi du học các nước. Tại EP., khi nghe tôi trình bày em mình vừa học xong 12, học lực trung bình nhưng muốn du học Mỹ, bà H.A., Giám đốc EP., nói rằng: “Vậy học bạ phải làm lại từ 7,2 đến 7,5 cho cả ba năm, chi phí là 4 triệu đồng”. Còn các thị trường khác, theo bà A., không quá đặt nặng về học bạ và không phỏng vấn trực tiếp, nhưng phải chứng minh tài chính khoảng 700-800 triệu đồng trong ngân hàng. “Nhưng cái này thì gia đình khỏi lo, bên TT làm được, chỉ tốn ít. Nếu từ “số 0” là không có gì, thì giá trọn gói tầm khoảng 4.000 USD”, bà H.A, cho hay.

Ước mơ du học

Một người làm TVDH lâu năm cho biết, ước mơ cho con đi nước ngoài để thay đổi cuộc sống lớn đến mức, nhiều ông bố, bà mẹ chất phác cũng tìm đến các TT. Người này kể lại trường hợp một ông bố chân quê đưa con đi phỏng vấn với hồ sơ được “soạn” là chủ cửa hàng vật liệu xây dựng. Nên khi bị người phỏng vấn “gài”: “Lương tháng bao nhiêu?”, ông đã trật bài, trả lời “2.000 đô” vì không phân biệt được rằng “Đã làm ông chủ thì không thể tính lương, mà phải tính bằng thu nhập”.

Chính vì trào lưu đưa con đi nước ngoài cho bằng được của nhiều gia đình, mà các học sinh dù có vốn tiếng Anh kém cỏi vẫn cố chen chân đi. Theo bà T.T của TT H.T, nhiều học sinh khi tìm đến bà đều “tiếng Anh không có gì”, thậm chí khi bà trắc nghiệm một số câu hỏi đơn giản cũng chỉ cười trừ mà không trả lời được. Nhiều học sinh trong số này thiếu tự tin đến mức chấp nhận trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt với nhân viên phỏng vấn là người nước ngoài. Để đi nước ngoài cho bằng được, các học sinh có thể “nằm vùng” ở TP. Hồ Chí Minh hằng tháng trời để xin phỏng vấn lại đến 5-6 lần sau đợt phỏng vấn trước không thành công.

Bà N.T.C, Trưởng đại diện của Chi nhánh Công ty tư vấn du học ID., tại Đà Nẵng nói rằng, tùy theo trình độ Anh ngữ của học sinh, nơi này sẽ khoanh vùng những trường học và khu vực thích hợp cho học sinh theo học các nước, miễn là gia đình có khả năng chi cho dịch vụ, và bảo đảm được chi phí cho cuộc sống và học tập của học sinh sau khi học sinh đã được cấp visa ra nước ngoài. Theo bà T.T, mỗi năm, nếu tính riêng thị trường Mỹ, bà làm hồ sơ cho khoảng 20 học sinh từ lớp 12 trở xuống, trong đó 70% vượt qua vòng phỏng vấn và xách vali đi học trời Tây.

HẰNG VANG

(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
 

;
.
.
.
.
.