.

Hỏi cũng để trả lời

Dễ gần trọn một thế kỷ, người Quảng Nam (dĩ nhiên bao gồm cả Đà Nẵng, nếu không thì có người cãi ngay!) được/bị tiếng là “Quảng Nam hay cãi”, là “lý sự Phan Khôi”, là “dân ưa kiện tụng”. Cãi cho đối phương đuối lý, cãi “cho lẽ phải trường tồn”, “cho thượng tôn luật pháp”, ôi thôi “kính thưa các thể loại cãi”...

Ở trong bụng cũng… nhào ra cãi

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Văn Xuân luôn tâm đắc với đề tài này. Trong một bài báo ông kể câu chuyện phát sinh từ đất Nam Bộ. Rằng có một người miền Trung tìm vào Nam sinh sống, lấy vợ đẻ con. Một chiều giáp Tết vợ anh ta trở dạ đẻ, anh ta cho kêu bà đỡ tới nhưng từ chiều đến tối mịt vợ anh ta vẫn chưa chịu đẻ, cả nhà tỏ ra lo lắng bội phần. Lúc ấy có ông khách ghe bầu đi ngang qua ngõ, tình cờ nghe chuyện đẻ khó, bèn rẽ vào nói với chủ nhà là không có chi phải lo hết.  Chủ nhà nói: “Con tui chứ phải con ông đâu mà ông lo?”. Ông khách bèn hỏi: “Hỏi không phải, anh quê ở đâu vậy?”, chủ nhà đáp miễn cưỡng “Quảng Nam”, ông khách lại hỏi tiếp “Có phải Quảng Nam giáp nước Tàu?”, chủ nhà cãi “Tàu đâu mà Tàu, phía bắc giáp Huế, tây giáp Lào, nam giáp Quảng Nghĩa”. Ông  khách gật gù ra chiều hiểu biết, rồi lại hỏi “Huế mà anh nói có phải gần Ba Đồn không?”, chủ nhà bắt đầu bực: “Trật lất, ông học đến lớp mấy? Ba Đồn ở Quảng Bình, từ Huế ra Quảng Trị rồi mới tới Quảng Bình”… Lại hỏi, lại cãi, càng hỏi, càng cãi... Đột ngột có tiếng kêu ối đau, rồi tiếng khóc trẻ con, chủ nhà vội chạy vào trong, một lúc trở ra, khách hỏi “gái hay trai?” “trai”, khách nói “chúc mừng anh, con trai anh đúng là dân Quảng Nam, hắn nghe anh với tôi cãi, ở trong bụng mẹ nó chịu không thấu nên mới nhào ra cãi...”.

Khi tìm hiểu con người xứ Quảng, nhà văn Nguyên Ngọc lý giải việc lựa chọn con đường về phương Nam của người Quảng thời bấy giờ - thế kỷ XV, XVI, XVII - là hết sức quyết liệt, không thể có con đường nào khác, đã làm nên tính cách triệt để của người Quảng. Người Quảng hỏi, cũng là để tự trả lời, hỏi là để tự khẳng định, khi có một ai đó hỏi: “Đường này có phải là đường vô Quảng không anh?”, người Quảng trả lời mà như hỏi lại khách: “Chứ tôi hỏi anh đường này không đi vô Quảng thì đi đâu?”.

Câu chuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã kể, về sau có nhiều dị bản ứng tác. Chẳng hạn, người tỉnh khác hỏi vì sao mà quê Quảng Nam của ông nhiều người hy sinh trong chiến đấu thế? Người Quảng trả lời: “Ồ, chiến đấu chết thì ít mà do cãi thì nhiều. Có nhiều trận đánh, quân ta đã nằm ém dưới hầm rồi, tuyệt đối bí mật, nhưng do nghe lính chế độ cũ cãi nhau một câu thơ, ví như câu “đã mang tiếng ở trong trời đất/ phải có danh gì với núi sông”, một người cãi đó là câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan, một người cãi là của Cao Bá Quát. Một du kích dân Quảng Nam tức quá đội hầm xông lên cãi “câu đó là của Nguyễn  Công Trứ” như vậy là lộ diện và trả giá... Tất nhiên đó chỉ là câu chuyện vui…

Cách “nói khó”

Người Quảng có cách nói khá đặc biệt, ở đó phần hiển ngôn thì hết sức ngắn gọn nhưng phần hàm ngôn thì ý vị, sâu xa. Người viết bài này trong một lần về Điện Bàn với một khách Hà Nội, khi hỏi một chị đang đứng hút thuốc Cẩm Lệ bên đường rằng “Cho hỏi đường đi Điện Hòa lối nào hở chị?”. Chị nông dân khoát tay, gọn lỏn: “ Th...oẳng”. Vị khách hết sức ngạc nhiên, bèn hỏi, vậy là như thế nào, người viết trả lời rằng chị ấy bảo đi thẳng, đi thẳng sẽ đến và sẽ hỏi tiếp, vì cơ bản anh đã đi đúng đường rồi đó.

Người Quảng trong nhiều trường hợp đối đáp, người đối thoại cứ tưởng rằng họ hỏi ngược hay lật ngược vấn đề, thế nhưng sự việc không hẳn như vậy. Ở Quảng Nam có một cách trả lời mà đối tượng hỏi thật khó chịu. Khó vì không hiểu ngay ý đồ người nói, phần vì câu nói đã đụng chạm tự ái của người nhận thông tin. Cách nói này người Quảng gọi là “nói khó”. Như chuyện một ông bạn già người Quảng đến chơi, ăn cơm nhà người bạn, khi ăn phải món xào quá mặn do cô con dâu nấu, ông hỏi: “Con dâu anh - cho tôi hỏi - gốc quê đâu?”, chủ nhà thành thật đáp rằng quê cô ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông già Quảng Nam tỉnh rụi: “Tui cứ tưởng hắn ở Sa Huỳnh” (hàm ý Sa Huỳnh có ruộng muối…).

Hay chuyện một anh bộ đội, thời kháng chiến được phân công ở nhà một chị dân Quảng góa chồng. Suốt đêm anh co ro nằm một góc nhà nghe rõ chị xoay ngược xoay xuôi, trằn trọc hoài không ngủ. Sáng mai, đang tập thể dục, trong sân có con gà trống cất tiếng gáy ó ò o, anh bỗng nghe con gà bay lên kêu quang quác vì bị chị chủ nhà ném đá. Anh bèn hỏi “con gà hắn có tội tình chi?”, chị thủng thẳng: “Cái thứ đồ trống thiến chỉ được cái mã ngoài, làm bộ vó, tôi thì tôi ném chết cha hắn đi…”.

Lại nữa, chuyện một người Quảng đi Sài Gòn, lạ quê, lạ cảnh, gặp ai cũng hỏi đường, nhưng càng đi càng lạc, xẩm tối gặp một người miền Tây, hỏi tiếp. Người này thành thật nói mình cũng mới ở quê lên, cũng đang đi lạc. Ông người Quảng rối rít cám ơn. Ông miền Tây ngẫm nghĩ: “Tôi có giúp anh được cái gì đâu, sao anh lại cảm ơn tôi?”. Ông người Quảng Nam ân cần: “Tui mần răng mà không cám ơn anh cho được. Đi từ sáng đến chừ, tui hỏi bao nhiêu lượt, lại gặp toàn mấy thằng cha, đã không biết mà cứ làm như biết, chỉ bậy làm tui đi bắt đổ khùng... Bọn hắn đâu bì được như anh. Anh cứ thực tình không biết thì nói không biết...”.

Chuyện Quảng Nam hay cãi thì nhiều lắm, dân Quảng thường nói với nhau rằng có thể nhịn ăn, nhịn uống năm bảy ngày cũng còn chịu được, chứ không cho cãi chỉ năm mười phút thì “chỉ có nước chết”.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

;
.
.
.
.
.