Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mỗi năm Đà Nẵng có 20 học viên (HV) học đại học (ĐH) và 10 HV học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ học vấn (tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc); tham gia nhiệt tình các hoạt động xã hội, bảo đảm yêu cầu ngoại ngữ quốc tế; có triển vọng trở thành cán bộ quản lý hoặc chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới... là những tiêu chí để tuyển chọn HV.
Chị Quỳnh Trang (ngoài cùng bên trái) trong thời gian cùng các bạn học tại trường Adelaide (Úc). |
Tiếp cận môi trường học tập tiên tiến
Tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh, anh Bùi Huỳnh Nguyên (Giảng viên khoa Thương mại - du lịch, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng) nuôi ước mơ được tiếp cận môi trường học thuật nước ngoài. Trong thời gian vừa tích cực tham gia giảng dạy, anh vừa ôn luyện tiếng Anh. Mong muốn được mở mang kiến thức trong môi trường học thuật tiên tiến đã thôi thúc anh vượt qua tất cả để có thể đáp ứng các yêu cầu mà thành phố và Trường ĐH Humboldt States (Mỹ) đặt ra để nhận được suất học bổng đi học thạc sĩ từ tháng 10-2009 đến tháng 10-2011.
Chị Trần Thị Quỳnh Trang (hiện công tác tại Phòng Xúc tiến Dự án, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng) vốn là học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, từng đoạt giải 3 tiếng Anh quốc gia, nhưng khi theo học chuyên ngành Tài chính quốc tế tại Trường Adelaide (Úc), vẫn chịu nhiều áp lực khi đọc hàng trăm trang giáo trình từ học thuật, viết bài luận, trao đổi với giáo viên và thuyết trình trước các sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới... Khi khả năng tiếng Anh được nâng lên, những trở ngại đó mới dần được khắc phục.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, những ý kiến cho rằng cán bộ đi học ở nước ngoài là lãng phí, không hiệu quả... là suy nghĩ cực đoan, thiếu cái nhìn toàn diện. Việc cử HV đi học ở đây không phải để lấy hư danh mà cái chính là kiến thức, kỹ năng và cả phong cách làm việc, tổ chức, tư duy... mà môi trường học tập trong nước chưa thể trang bị hoàn chỉnh. Tạo điều kiện cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động xã hội và nhất là vượt qua được ngưỡng ngoại ngữ... được tiếp cận môi trường học thuật tiên tiến của nước ngoài là điều cần thiết trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Anh Lê Minh Chí: Lĩnh vực bảo mật mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước và các doanh nghiệp. |
Mong muốn vận dụng kiến thức vào thực tế
Sự nỗ lực không mệt mỏi của những HV như Quỳnh Trang hay Huỳnh Nguyên cũng chính là sự nỗ lực của hầu hết những HV được thành phố chọn đi học ở nước ngoài. Sau quá trình đào tạo, đa phần các HV đều đạt loại xuất sắc hay giỏi và nhận được sự đánh giá cao từ phía hội đồng giáo viên nước ngoài. Có lẽ đây là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi liệu các HV của Đề án có thực tài và xứng đáng hay không?
Nằm trong top 15% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất Trường ĐH Monash (Úc), anh Lê Minh Chí (Thạc sĩ công nghệ thông tin, chuyên ngành mạng và bảo mật) cho biết, lĩnh vực bảo mật mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và các doanh nghiệp khi môi trường Internet luôn tiềm ẩn những rủi ro cao về rò rỉ dữ liệu, tấn công mạng... có thể gây thất thoát thông tin, dẫn đến mất mát to lớn về chi phí hay những hậu quả nghiêm trọng. Xuất phát từ thực tế này, anh cảm thấy rất tự hào khi được áp dụng kiến thức, khả năng nhạy bén, kỹ năng phân tích sâu sắc và phản ứng kịp thời các vấn đề an ninh mạng mà mình được học vào việc quản trị hạ tầng mạng và máy chủ, xây dựng dự án mạng đô thị tại Trung tâm Phát triển Hạ tầng CNTT - Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng.
Trong quá trình học tập tại trường Adelaide, chị Quỳnh Trang đã đăng ký chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và là người duy nhất trong vòng 11 năm của Adelaide được trường Berkeley-Mỹ (một trong những trường hàng đầu thế giới) nhận. Vì muốn thử thách bản thân nên chị đã chọn trường Berkely, nơi có áp lực học tập rất cao làm điểm đến. Chính tâm niệm phải xứng đáng với những gì mà quê hương dành cho mình, chị đã vượt qua mọi trở ngại để tốt nghiệp xuất sắc với điểm số 6.75/7 tại trường Adelaide và 3.67/4 tại Trường Berkeley. Sau khi được đánh giá trên nhiều lĩnh vực, Trang vinh dự được trường Adelaide chọn làm sinh viên tiêu biểu toàn khóa cầm cây trượng quý giá của trường và gửi lời cám ơn của toàn thể sinh viên và phụ huynh trong lễ tốt nghiệp. “Giờ đây, điều tôi mong muốn nhất là sử dụng tất cả những gì mình được học để áp dụng linh hoạt vào công việc hiện tại”, Trang cho biết.
Tốt nghiệp thạc sĩ với tấm bằng loại giỏi, với anh Huỳnh Nguyên, khóa học tại Mỹ đã thật sự giúp anh nâng cao năng lực sư phạm và chuyên ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Được tiếp thu những phương pháp dạy-học tiên tiến, luôn đề cao sự tự tin, mạnh dạn của sinh viên trong việc chủ động lĩnh hội kiến thức cũng như sự tận tụy của các giáo sư trong công tác giảng dạy, hỗ trợ sinh viên, anh thật sự trưởng thành nhiều hơn trong công việc giảng dạy-nghiên cứu. Huỳnh Nguyên chia sẻ: “Tôi mong rằng, kiến thức mình lĩnh hội được từ nền giáo dục Mỹ có thể giúp tôi tìm ra giải pháp để nâng tầm chất lượng nền giáo dục nước nhà”.
HV sau đào tạo chỉ thích hợp với khu vực tư?
Năng lực thực sự, đam mê học tập, quyết tâm nghiên cứu khoa học và hoài bão cống hiến cho thành phố của các HV là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, lo ngại duy nhất ở đây là việc đào tạo ĐH, sau ĐH ở nước ngoài thường rơi vào các ngành phù hợp với khu vực tư hơn là khu vực công. Việc đào tạo một cử nhân hoặc thạc sĩ về tài chính ngân hàng thì làm việc ở ngân hàng sẽ phù hợp hơn làm ở sở tài chính hay một số cơ quan quản lý Nhà nước. Đào tạo công nghệ thông tin, kỹ sư hay thạc sĩ về phần mềm, phát triển mạng thì làm ở doanh nghiệp về công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn làm ở sở nông nghiệp…
Trên thực tế, muốn quản lý tốt thì trước hết phải giỏi chuyên môn. Đào tạo một giáo viên giỏi theo ngành sư phạm nước ngoài với những phương pháp dạy học hiện đại sẽ phù hợp hơn nếu đi dạy, nhưng cũng sẽ rất phù hợp nếu làm quản lý, theo dõi việc giảng dạy. Như vậy, công việc có phù hợp với HV Đề án hay không phụ thuộc vào quan điểm đánh giá của mỗi người. Việc bố trí HV học ngành, nghề phù hợp với khu vực tư vào công việc công là điều chắc chắn phải làm khi đội ngũ cán bộ quản lý của thành phố còn thiếu hụt.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện để những cá nhân ưu tú được tu nghiệp ở nước ngoài, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như làm giàu hơn vốn hiểu biết thực tế tại những quốc gia phát triển, chuyển hóa những nội dung, kiến thức lĩnh hội được ở nước ngoài để áp dụng sáng tạo vào thực tế Đà Nẵng.
Từ năm 2004 đến 2-8-2012, có 277 HV được đào tạo ở nước ngoài. Trong đó, có 5 trường hợp vi phạm hợp đồng (do kết quả học tập 3 kỳ liên tiếp không đạt loại khá trở lên), 1 trường hợp không hoàn thành chương trình nghiên cứu phải rút tên ra khỏi đề án và đền bù theo hợp đồng đã ký kết với thành phố. |
MAI TRANG