.

Lolita - vũ điệu của những con chữ

.

Đúng như quan điểm của dịch giả Phạm Anh Tuấn khi nói về cuốn tiểu thuyết Lolita(*), là “những ai háo hức tìm đọc Lolita xuất phát từ “nghe nói” về nó hoặc suy đoán do đọc một bài viết ở trình độ thẩm mỹ thường thường bậc trung chỉ quan tâm khai thác khiên cưỡng cái khía cạnh được họ cho là đậm chất dâm dật ở câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này, có lẽ sẽ sớm thất vọng”. Bởi đằng sau một câu chuyện tưởng như nhạt nhẽo ấy là một cuộc  đời trải qua các biến dạng chọn lọc của bộ nhớ và nghệ thuật tạo hình của một nhà văn bậc thầy của thế kỷ 20.

Lolita kể câu chuyện về mối tình si của Humbert Humbert, một nhà nghiên cứu văn học tuổi trung niên, vốn bị ám ảnh bởi những cô gái nhỏ mà ông trìu mến gọi là “tiểu nữ thần”. Đối tượng mối tình của Humbert Humbert, Lolita, là một cô bé 12 tuổi, con gái bà chủ cho thuê phòng trọ khi ông từ châu Âu sang Mỹ. Lolita dễ dàng nhận ra nỗi si mê của Humbert Humbert đối với mình và không phải không tỏ dấu hiệu đáp lại. Dù không hề yêu nhưng Humbert Humbert vẫn lấy bà chủ nhà làm vợ, chỉ để được ở lâu dài bên cô con gái. Ngẫu nhiên, Charlotte đột ngột qua đời, để lại Lolita một mình bên cạnh Humbert Humbert. Và thế là bắt đầu một mối quan hệ dục tình lén lút giữa hai con người mà trước mắt thiên hạ là cha dượng và con gái, kéo dài trong suốt hành trình hai người xuyên qua những miền đất của nước Mỹ. Và khi xuất hiện một gã đàn ông trung niên nữa, Clare Quilty, nhà viết kịch thông minh quyến rũ, kết cục đã đến: mối quan hệ giữa Humbert Humbert và người tình bé nhỏ của ông kết thúc bằng một thảm kịch.

Cuốn sách cũng là một đài tưởng niệm của quá khứ, kỷ niệm chuyến đi của Humbert, một kỷ lục của các sự kiện đã xảy ra. Humbert bận rộn với bộ nhớ. Ông là một kẻ giết người với một bộ nhớ giật gân nhưng không đầy đủ và không chính thống: nỗi nhớ mạnh mẽ cho quá khứ Địa Trung Hải, ông bị ám ảnh bởi người bạn gái trong quá khứ, Annabel Leigh, trong toàn bộ cuộc sống của mình. Nhưng ông không để kéo dài Annabel qua Lolita, khi Lolita là mối tình lớn đã lấp trọn và đồng thời hủy hoại cuộc đời Humbert Humbert.

Nabokov đã tìm cách không khai thác trạng thái bệnh hoạn và loạn luân;  một vấn đề rất cấm kỵ không được vuốt ve bằng các tình tiết dung tục. Người đọc không tìm thấy những từ tục tĩu nào trong toàn bộ tác phẩm như những cuốn tiểu thuyết tầm thường tràn ngập. Theo như “lời nói đầu” của Nabokov dưới cái tên ngọt ngào John Ray Jr mà ông mượn để ký thì “chính những cảnh mà người ta có thể kết tội quàng xiên rằng tự thân chúng chứa một hiện sinh nhục cảm, lại đích thị là những cảnh có tác dụng triệt để nhất trong diễn biến của một câu chuyện bi thảm luôn kiên định hướng tới tôn vinh đạo đức”. Lolita được ca ngợi vì tính chất thơ mộng, vẻ đẹp âm thanh của nó.

Biến một câu chuyện tầm thường về khuynh hướng ấu dâm vốn đầy rẫy trên báo chí trở thành kinh điển, có lẽ vì Nabokov là một bậc thầy trong xây dựng diễn biến, tâm lý nhân vật. Cuốn sách thể hiện sự tinh tế, nhiều màu sắc và sự chuyển hóa tâm lý của con người. Một quan hệ tình yêu loạn luân không còn quan trọng, mà chính là ánh phản chiếu, là rung động của mối tình qua cái nhìn nội tâm của nhân vật. Bằng vô số những điển tích, điển cố văn chương và các lối chơi chữ, Nabokov xứng đáng là một bậc thầy văn chương khi ông sử dụng một loạt những ẩn dụ ảm đạm và ám ảnh, những ý thơ, những vở kịch đặc sắc nhất… chỉ để diễn tả một từ hoặc một cụm từ. Như tên nhân vật chính: Lolita, là từ mở đầu và cũng là kết thúc cuốn tiểu thuyết, khi đọc lên nghe nóng bỏng và tha thiết, như một nhịp du dương trữ tình, như bao yêu thương tác giả dồn vào một cái tên: “Lolita, ánh sáng của đời tôi – Lolita, light of  my life”.

Lolita, cuốn tiểu thuyết được coi như viên ngọc trong sự nghiệp của Vladimir Nabokov từng bị từ chối, bị hắt hủi, bị chỉ trích, bị cấm đoán. Bốn nhà xuất bản đầu tiên mà Nabokov đem bản thảo tới đều bị sốc và cự tuyệt in. Cuối cùng, năm 1955, sách được xuất bản bởi Olympia Press, một nhà xuất bản đặt tại Paris vốn chủ yếu in các sách khiêu dâm dù cuốn sách viết bằng tiếng Mỹ. Tác phẩm ra đời lập tức gây sóng gió. Mặc dù được Graham Greene (tác giả Người Mỹ trầm lặng) đánh giá là một trong ba cuốn sách hay nhất trong năm 1955, song Lolita lại bị tác giả một bài báo trên tờ Sunday Express (London) gọi là “cuốn sách bẩn thỉu nhất tôi từng đọc”. Tuy nhiên Lolita vẫn được ấn hành tại Mỹ năm 1958 và lập tức bán được 100.000 bản ngay trong ba tuần đầu tiên, mang lại tiếng tăm và cả thành công tài chính cho Nabokov. Đến nay, Lolita đã được dịch và xuất bản tại gần 40 quốc gia, đứng trong Top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại, Top 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất thế kỉ XX, Top 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất thế giới.

Vladimir Nabokov (1899-1977) người Mỹ gốc Nga, là nhà văn, nhà thơ lừng danh, ngoài ra còn là dịch giả, nhà phê bình văn học. Ông sinh tại Saint Petersburg trong một gia đình quý tộc giàu có. Từ bé, bên cạnh tiếng Nga, ông thông thạo tiếng Anh và Pháp. Năm 1919 gia đình Nabokov di cư sang Anh. Tháng 5-1940, trước hiểm họa phát-xít đang trùm lên nước Pháp và châu Âu, ông cùng gia đình một lần nữa phải di cư sang Mỹ. Tại đây, ông giảng dạy tiếng Nga và văn chương Nga ở nhiều trường đại học khác nhau, và dành thời gian rảnh để viết lách cũng như theo đuổi thú vui sưu tầm bướm. Năm 1961, nhờ thành công tài chính với Lolita, ông quay về châu Âu, định cư tại Thụy Sĩ và dành toàn bộ thời gian cho sáng tác.

HOÀNG NHUNG


* Đọc Lolita - Vladimir Nabokov, Dương Tường dịch. NXB Hội nhà văn và Nhã Nam ấn hành tháng 3-2012.

;
.
.
.
.
.