.

Quen chỗ, quen khách

Trên những con phố ở Đà Nẵng, ngang dọc vỉa hè, người đi đường dễ dàng bắt gặp những người chủ nhỏ của những hàng quán nhỏ. Cũng với số vốn ban đầu rất nhỏ, họ đã cần mẫn, tảo tần, chắt chiu nuôi sống cả gia đình.

Quê ở Hội An (Quảng Nam), với gánh bún mắm, chị Liên (phường Hải Châu 1, Hải Châu) có gần 20 năm gắn bó với vỉa hè đường Trần Bình Trọng. Dưới cái gốc cây nhỏ, mấy chiếc ghế dài được đặt quanh quán. Bún, rau, mỗi thứ đựng trong một chiếc rổ lớn; các loại gia vị dầu, mắm, đậu phộng, đặt trong những chiếc lọ, bày gọn gàng trong tầm tay. Bà chủ cũng ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, thấp, với tay lấy được tất cả mọi thứ.  Khách đến tự tìm chỗ ngồi (không có bàn), chờ chủ quán làm xong, tự đón lấy tô bún rồi thưởng thức. Vậy mà quán lúc nào cũng đông, người này đứng lên, người khác lại ngồi xuống.

Mỗi ngày chị Liên bán lai rai từ 7 giờ sáng tới hơn 8 giờ tối. Vỉa hè không có sẵn nước, cũng chẳng có thời gian rửa bát, chị sắm lần lần số bát lên tới gần 300 chiếc, dùng bán trong cả ngày rồi xếp đó, tối về rửa một lèo, sạch sẽ, tinh tươm. Nhiều người đã hỏi chị sao không thuê mặt bằng nào đó mà bán, mở rộng quán sẽ thu lời nhiều hơn? Chị trả lời: “Mướn mặt bằng lớn, tiền thuê nhiều chịu sao cho thấu, còn gì lời lãi nữa. Với lại bán ở vỉa hè này, gắn bó với gốc cây này, khách ăn riết quen rồi, chừ mà đi là mất mối. Có khi chẳng ai còn nhớ nữa”.

Có khi, không phải là quán ăn, mà chỉ là tủ thuốc nhỏ xíu cho mấy anh xe thồ, xích lô ghé vội. Ở cái tuổi gần 70, mỗi sáng bà Nguyễn Thị Minh (phường Chính Gián, Thanh Khê) vẫn đẩy chiếc xe ra trước con hẻm nhỏ, sát vỉa hè đường Lê Duẩn bán thuốc lá, chiều đẩy về. Bà không nhớ chính xác đã gắn bó với cái tủ thuốc và vỉa hè này từ khi nào, chỉ biết mấy người con của bà lớn lên đều nhờ những đồng bạc lẻ bà ki cóp, nhặt nhạnh từ tủ thuốc này. Khi con cái đề nghị bà nghỉ ngơi cho khỏe, lúc đầu bà cũng đồng ý, nhưng chỉ được vài ba hôm, buồn quá, bà lại đẩy chiếc tủ ra đầu hẻm. “Ngày chỉ bán được vài chục ngàn, chủ yếu cho khách quen nhưng có việc làm, động tay động chân thấy mình khỏe hơn rất nhiều”, bà Minh cười tỏ vẻ hài lòng.

Ở Đà Nẵng, không thể kể hết những quán hàng vỉa hè  theo kiểu quen chỗ, quen khách như chị Liên hay bà Minh. Vỉa hè góc này bún mắm, bánh mì, góc kia là bánh canh, bánh xèo, bánh bèo, bánh ướt, và kia nữa, ly nước dừa ngọt lịm, củ sắn, củ khoai nóng hổi… Nhiều khi, chính những gánh hàng lấn chiếm vỉa hè nho nhỏ đó, lại góp phần làm đầy ký ức của người dân Đà Nẵng khi phải rời xa thành phố. Chỉ có điều, trong khi chủ những hàng quán nhỏ này tần tảo mưu sinh, thì phía cơ quan chức năng lại luôn gặp trở ngại vì chuyện lấn chiếm vỉa hè?

Đơn cử, tại một phường trung tâm của một quận trung tâm thành phố, ông Đoàn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 (Hải Châu) cho biết, phường có 20 tuyến đường, những hàng quán vỉa hè ở mức độ vừa phải, không lấn chiếm nhiều. Đây cũng là những hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, họ tranh thủ chút thời gian buổi sáng và buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Cái khó nhất hiện nay là việc làm sao để việc buôn bán nhỏ của người nghèo được duy trì mà vẫn bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị?

Thực tế, cái quán bún mắm nhỏ của chị Liên đã ngồi sát vào mép tường cho gọn, nhưng nhiều lúc khách đông, ngồi tràn hết cả vỉa hè, xe để cả xuống đường. Mỗi lần, anh em đội trật tự đô thị (TTĐT) nhắc nhở, khách lại nhộn nhạo tay bát, tay ghế xích lại cho gọn. Đội TTĐT đi qua, đâu lại vào đấy. Hay như bà Minh, chẳng dám bày biện rềnh rang vì sợ mấy anh TTĐT đi kiểm tra, chiếc tủ thuốc lá của bà nằm lọt thỏm giữa những chiếc xe máy dựng phía trước các cửa hiệu quanh đó. Một đặc điểm khác, phường Hải Châu 1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố, những gánh, những xe đẩy bán hàng rong thi nhau kéo về, ảnh hưởng giao thông, gây mất mỹ quan đô thị. Đội TTĐT của phường chủ yếu vẫn dùng hình thức nhắc nhở khi có trường hợp vi phạm.

Theo ông Võ Văn Lang, Chuyên viên phòng Quản lý đô thị Quận Hải Châu, trong 8 tháng đầu năm 2012, quận Hải Châu đã cấp 1.157 giấy phép cho việc kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu, thuê vỉa hè để xe. Nhưng thực tế, nhiều hộ không có giấy phép sử dụng vỉa hè vẫn tranh thủ lấn chiếm bày biện, buôn bán qua ngày.  Làm sao để bảo đảm vỉa hè thông thoáng, vừa có chỗ cho người dân mưu sinh luôn là một bài toán, mãi vẫn chưa tìm ra lời giải?

THU HÀ

;
.
.
.
.
.