Du học (DH) miễn phí luôn là niềm khát khao của nhiều người, nhưng không phải ai cũng tự tin để tìm cho mình một cơ hội. Chia sẻ của nhiều du học sinh (DHS) đã thành công trong việc “săn” học bổng (HB) cho thấy, việc kiếm cho mình một suất du học không phải là quá khó.
Du học sinh Việt Nam tại New Zealand. |
Cánh cửa luôn mở
Tìm HB từ người thân, bạn bè khá hiệu quả. Đó là khẳng định của Hy Giang, giảng viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, người vừa nhận suất học bổng toàn phần từ ĐH Sư phạm Hoa Trung (Trung Quốc). Theo đó, việc hỗ trợ thông tin thường cho kết quả khả quan. Vì ứng viên có thể hiểu rõ được yêu cầu về chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực của họ.
Những buổi hội thảo DH và triển lãm giáo dục thường thu hút nhiều ứng viên tham gia. Tại đây, ứng viên sẽ được DHS Việt Nam đã, đang theo học tại trường tuyển sinh tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc trong việc làm hồ sơ, bài luận và chia sẻ kinh nghiệm sống xa nhà... Nhật Duy, SV trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, tham gia những hội thảo, ứng viên sẽ trực tiếp nắm rõ hơn yêu cầu của đơn vị tuyển sinh để có hướng đầu tư phù hợp. Kinh nghiệm của DHS cho thấy, không phải ai cũng may mắn sở hữu suất DH trong lần đầu gửi hồ sơ đi. Điều này như tiếp thêm sức mạnh và sự kiên nhẫn cho Duy trong những lần nộp hồ sơ kế tiếp.
Cũng theo Nhật Duy, công cụ tìm kiếm Google là kênh thông tin không thể bỏ qua khi ai đó có ý định DH. Chỉ cần tra đúng từ khóa, bạn sẽ được giải đáp bất kỳ thắc mắc nào. Vì thế, việc chọn cho mình HB phù hợp là không khó.
Nguyễn Thị Mỹ Hằng, học thạc sĩ ngành TESOL (Teaching English for Speakers of Other Languages) tại Trường ĐH Victoria of Wellington, New Zealand chia sẻ kinh nghiệm: “Nguồn thông tin về HB trước hết đến từ bạn bè, đồng nghiệp, những người đã từng xin được HB. Sau khi biết được tên của HB, mình dành nhiều thời gian để tìm hiểu yêu cầu của nó. Điều đầu tiên cần biết là những tiêu chuẩn đặt ra cho thí sinh là gì. Nếu mình đáp ứng được thì mới đọc tiếp, còn không thì chuyển sang tìm hiểu HB khác để tránh mất công sức, thời gian”.
Điểm cộng cho hồ sơ
Thực tế cho thấy, học lực giỏi không phải là tất cả để bạn có được suất HB giá trị. Chưa kể, lý do khiến nhiều hồ sơ xin HB của Việt Nam bị đánh rớt là trình độ tiếng Anh và khả năng trình bày bài luận. Hy Giang chia sẻ, chứng chỉ ngoại ngữ, giấy chứng nhận tham gia các hoạt động xã hội và danh mục công trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp bạn có thêm nhiều điểm cộng. Tuy nhiên, với nhiều ứng viên “săn HB” hiện nay, chứng chỉ ngoại ngữ là rào cản lớn cho con đường du học của họ. Do đó, muốn nắm bắt được cơ hội, trước hết các ứng viên cần có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL. Thậm chí con đường DH sẽ “rộng cửa” khi bạn có thêm các chứng chỉ ngoại ngữ “cao cấp” như SAT (bậc ĐH) hoặc GRE, GMAT (sau ĐH).
Về chuyên môn, các chứng nhận, chứng chỉ lại phụ thuộc vào ngành dự tuyển của các ứng viên. Ví dụ, nếu bạn xin HB lĩnh vực khoa học xã hội như văn, sử, địa, triết… thì hồ sơ cần thiết phải có các công trình nghiên cứu khoa học, bài đăng tạp chí, hội thảo để chứng minh khả năng làm việc độc lập của bản thân. Khi đã chọn cho mình chủ đề bài luận thì cần tập trung, đào sâu vào vấn đề đó, tránh dàn trải và ôm đồm nội dung.
Theo Đinh Lê Quân, từng theo học chương trình Thạc sĩ tại Nhật Bản theo chương trình HB Phát triển Nguồn nhân lực Chính phủ Nhật Bản (JDS) 2009-2011, khi làm hồ sơ, cần đọc thật kỹ tiêu chí của HB, cố gắng làm nổi bật hồ sơ của bản thân trên cơ sở bám sát các tiêu chí đó. Dành thời gian viết “bản tuyên ngôn” cá nhân (Statement of Purpose) và xin các thư giới thiệu (Letters of Recommendation) hay thư tiến cử nói về bạn. Sau đó, hãy đặt bản thân mình vào vị trí của Hội đồng xét tuyển để rà soát lại hồ sơ xem mình có cần chỉnh sửa, bổ sung phần nào nữa không. Học hỏi kinh nghiệm “săn” HB những người đi trước là một việc không nên bỏ qua.
Ngoài khả năng xâu chuỗi, phân tích vấn đề khi viết bài luận, các đơn vị tuyển dụng có uy tín cũng rất quan tâm đến hoạt động xã hội của ứng viên. Lê Quân chia sẻ, những hoạt động ngoại khóa cùng năng lực học thuật giúp tạo nên một cá nhân hoàn thiện, đó là điều các trường ĐH hướng đến. Ăn điểm trong mắt đơn vị tuyển sinh là các bài luận và khả năng hoạt động xã hội. Bài luận phải thể hiện được cá tính, suy nghĩ của bạn về một vấn đề nào đó chứ không chỉ nêu lên những gì bạn đã làm, đã tham gia. Khi đã có ý định DH, thì bạn đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ cơ hội nào dù là nhỏ nhất.
Cơ hội du học Các chương trình HB danh giá như HB Phát triển Nguồn Nhân lực của Nhật Bản (JDS), HB Phát triển Úc (ADS), HB Fulbright của Mỹ... thường tổ chức các buổi giới thiệu HB và chia sẻ kinh nghiệm. Các bạn nên tranh thủ cơ hội này để được giải đáp trực tiếp những thắc mắc của bản thân liên quan đến quy trình nộp đơn, hồ sơ xin HB... Được biết, chương trình HB JDS niên khóa 2013-2014 đã bắt đầu. Năm nay, JDS sẽ dành 30 HB cho các công chức, viên chức làm việc trong khối nhà nước. Để quảng bá, văn phòng JICE tại Việt Nam sẽ tổ chức một số buổi giới thiệu thông tin tại các tỉnh thành, trong đó có TP. Đà Nẵng. Thời gian 10 giờ 30, thứ sáu ngày 17-8-2012. Địa điểm: Hội trường Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao – UBND TP. Đà Nẵng, 295 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. |
TIỂU YẾN