Thái Đình Lan là một nho sinh ở huyện Bành Hồ, Đài Loan. Năm 1835, trên đường đi thi về ông bất ngờ gặp bão lớn phải chặt cột buồm để tránh gió nhưng cũng chính vì thế con thuyền trở nên vô định, trôi dạt vào vùng biển Việt Nam.
Trang đầu Hải Nam tạp trứ, bản chép tay của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, ký hiệu HVv.80/2. |
Ông được người dân Quảng Ngãi cứu vớt rồi được vua Minh Mạng trao nhiều đặc ân cho người hộ tống đi về bằng đường bộ. Trên đường “xuyên Việt”, ông có đi qua Quảng Nam và ghi chép lại những điều khá thú vị về vùng đất, con người nơi đây.
Cuộc phiêu lưu kỳ thú, hấp dẫn này được ghi chép tỉ mỉ trong tác phẩm Hải Nam tạp trứ. GS. Trần Ích Nguyên (Đài Loan) đã thực hiện một đề tài nghiên cứu về tác phẩm này, trực tiếp xác minh lại hành trình của người đồng hương gần 200 năm trước trên đất Việt và viết nên cuốn Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ, bản dịch của Ngô Đức Thọ, NXB Lao động và Trung tâm Ngôn ngữ Văn hóa Đông Tây, 2009.
Theo lẽ thường, những người gặp nạn gió bão trên biển Việt Nam thì được Nhà nước chuẩn cấp lương gạo rồi gửi theo thuyền buôn về nước nhưng vốn từ “muôn chết một sống” nên phần vì e sợ sóng nước, lại xuất thân nho sĩ nên Thái Đình Lan được vua Minh Mạng cho đối đãi tử tế cũng như cho người hộ tống bằng đường bộ về nước.
Là nho sĩ, ưa thích tìm hiểu mọi việc trên đường đi, Thái Đình Lan đã ghi lại tất cả những gì mắt thấy tai nghe và viết nên tác phẩm có tên là Hải Nam tạp trứ (HNTT) phiếm chỉ nước Việt Nam lúc bấy giờ. Tác phẩm này đã trở nên rất nổi tiếng đương thời, như một khám phá mới lạ đối với bất cứ người ngoại quốc nào muốn hiểu biết về Việt Nam lúc đó.
Những ghi chép của Thái Đình Lan rất phong phú, từ đường đi, phong cảnh, phong tục đến việc gặp gỡ giao lưu thơ phú với quan lại Việt Nam, trong đó phần nói về vùng Quảng Nam khá thú vị.
Trước khi nói về phong cảnh nơi đây, hãy nghe Thái Đình Lan nói về giấc mơ hồi sinh trên biển khi thấy hòn đảo với “cửa khẩu đảo lớn có nhiều cột buồm tua tủa” nhưng may rủi khó lường!
Khi trôi dạt được khoảng 4-5 ngày vô định muôn chết một sống, buổi chiều, Thái Đình Lan đã mường tượng ra một hòn đảo từ xa: “Chiều tối, khi mặt trời sắp lặn, từ xa nhìn thấy dưới đụn mây nổi thấp thoáng có một vệt đen dường như dính vào mặt nước mà không chuyển động, lờ mờ hình như ngọn núi!
Qua một đêm, đến khi trời sáng, mây tan thì thấy đá chồng lèn dựng nhấp nhô đã hiện lên rõ một trước mắt, cách thuyền chừng một dặm. Bây giờ mới thấy rõ đó là ba hòn đảo nhỏ bên trên có cỏ cây xanh tốt, bên rìa đảo có nhiều tảng đá chồng hình thức rất hiểm ác. Thuyền theo thủy triều dập dờn mà trôi vào, nhận ra các con thuyền đang đi tới đều là thuyền giáp bản (giáp bản là tên thuyền nước ngoài). Nhìn rõ thì ở cửa khẩu đảo lớn có nhiều cột buồm tua tủa, biết đó là một cảng lớn, mọi người trên thuyền cuống cuồng mừng vui, đều quỳ cả xuống thuyền, ngước nhìn lên mà tạ ơn ông trời”. (HNTT, tr. 166-167).
Tuy vậy, tai họa vẫn chưa buông tha thuyền của ông. Không những không ai nhận ra con thuyền đang bị nạn để đến cứu vớt mà lại còn gặp mây trời vần vũ, xô đẩy con thuyền ra xa và lúc đó ông chỉ nghĩ đến cái chết.
Điều kỳ lạ là, trên hành trình vô định từ vùng biển Phúc Kiến tới vùng biển Quảng Nam chỉ 5 ngày nhưng từ vùng biển Quảng Nam tới vùng biển Quảng Ngãi cũng mất chừng đó thời gian. (Từ khi nhìn thấy “ba hòn đảo” tới khi nhìn thấy nó như “chụm thành một cụm”).
Ngay khi được cứu vớt tại cửa biển Thới Cần, Quảng Ngãi những người Việt Nam biết chuyện cũng phải “lắc đầu thè lưỡi”! Họ cho biết, ba hòn đảo mà Thái Đình Lan kể ở trên kỳ thực là “Tiêm Tất La” (Cù Lao Chàm). Đường vào cảng vô cùng khó khăn, hiểm trở.
Thái Đình Lan tỏ ra vô cùng kinh hãi khi được người Việt miêu tả về đường vào cảng: “Không có thần linh phù hộ làm sao được thế ? Hòn đảo nhỏ nơi thuyền các ông dạt vào là đảo Tiêm Tất La. Hai phía đông tây đảo dòng chảy rất xiết, giữa có một luồng vào cảng rất hẹp, nhưng nếu thuyền không nhân theo hải triều thì không thể vào được, húc đá là chìm ngay.
Theo hướng tây rồi chuyển về hướng nam thì vào được trong cảng. Cột buồm bị gãy mà chèo ngược dòng thì không tới được. Suốt một dải từ đông sang tây đến chỗ này là nguy hiểm nhất, đáy biển đều là đá và đụn cát ngầm. Đụn cát ngầm dài mấy chục dặm, đường luồng vào cảng thì quanh co, ngay cả những dân chài nhiều tuổi cũng không biết chắc, thuyền húc vào là lập tức tan tành”. (HNTT, tr. 168-169).
Thái Đình Lan cho biết ông là người sống giữa vùng đảo Bành Hồ, đi lại nhiều nên gặp sóng gió là chuyện bình thường nhưng chưa gian nan nguy hiểm “muôn chết một sống như chuyến này”.
Vậy nên, giữa cái rủi và cái may ở đây chỉ là một khoảng cách hẹp. Còn gì vui sướng hơn kẻ trôi dạt trên biển bỗng một ngày nhìn thấy đảo, thấy thuyền, nhưng cũng thật may mắn là một cơn bão bất ngờ đẩy thuyền ra xa để không... “lập tức tan tành”.
Chuyến hành trình về nước bằng đường bộ bắt đầu từ Quảng Ngãi qua Quảng Nam sau khi đã lưu lại ở đó hơn 50 ngày. Ông kể việc tiếp xúc, làm thơ xướng họa với quan Tuần phủ Phan Thanh Giản trước khi có một hành trình “xuyên Quảng Nam” và leo đèo Hải Vân. Câu chuyện khá thú vị này sẽ được đề cập trong lần khác.
LÊ TIẾN CÔNG