.

Nguyễn Văn Thoại “dựng làng mở cõi nắng mưa dãi dầu”

.

Ông có công khai phá vùng biên giới hoang vu và xây dựng nhiều công trình có giá trị cao: hai kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà. Lập các làng ở Thoại Sơn và hai bên bờ kênh Vĩnh Tế. Mở đường Châu Đốc đi núi Sam.

Về danh nhân Nguyễn Văn Thoại, “Việt Nam danh nhân từ điển” của Nguyễn Huyền Anh (Nhà sách Khai Trí – 1967) cho rằng ông là người huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Còn “Quảng Nam đất nước và nhân vật” của Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn hóa – 1996) lại ghi ông quê ở làng Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam! Thật đáng tiếc khi không mấy người biết rằng quê hương của con người lừng lẫy công tích ấy là làng An Hải, một vùng đất dày truyền thống văn hóa – lịch sử phía hữu ngạn sông Hàn thành phố Đà Nẵng.

Làng An Hải xưa thuộc xứ Bà Thân, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam; nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trên mảnh đất từng có tên là đầm An Hải này, ngày 26-11 năm Tân Tỵ (Lê Cảnh Hưng thứ 22, Thế Tông Hiến Vũ hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát thứ 23 – 1761), một con người sau này làm rạng danh cho quê hương, dòng họ đã chào đời: Nguyễn Văn Thụy (về sau đọc trại thành Thoại). Cha ông là Vệ úy Nguyễn Văn Lượng, mẹ là Thục Nhân Nguyễn Thị Tuyết, tước hiệu và mỹ hiệu của cả hai người đều do vua Minh Mạng sắc phong.

Cha mất sớm, ông đưa mẹ và hai em di cư vào sống tại làng Thới Bình trên cù lao Dài, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. 16 tuổi, ông đầu quân chúa Nguyễn Ánh, về sau lập được nhiều chiến công, làm đến chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, được phong tước Thoại Ngọc Hầu. Ngoài tài kiêm văn võ, ông còn được người đời sau nhắc đến như là một nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc với hai lần được cử làm Bảo hộ Cao Miên (nên ông còn được gọi là Bảo hộ Thoại), từng được vua cử ra giải quyết vấn đề biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), về trấn ngự biên giới Tây Nam. Ông còn là doanh điền, một nhà hoạt động kênh tế có tầm nhìn chiến lược và có đầu óc tổ chức giỏi.

Công trạng hiển hách là thế, nhưng đối với làng An Hải quê ông, trên bước đường công vụ của mình, ông vẫn nhiều lần quay lại nơi chôn nhau cắt rốn để cùng các họ tộc chăm lo đời sống người dân như mở chợ Hà Thân, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền...

Tấm lòng nặng nghĩa tình với quê hương của ông còn thể hiện ở chỗ, khi đứng ra lập 5 đội quân, ông không quên lấy tên làng An Hải quê hương thứ nhất của mình đặt tên cho các đội quân cùng với tên Châu Đốc quê hương thứ hai. Đặc biệt, ông còn tuyển các diễn viên hát tuồng xứ Quảng cho lập thành gánh hát để ông được sống với các điệu hò câu hát quê hương.

Năm 1819, sau khi thiết kế và đốc suất dân binh đào thành công kênh Đông Xuyên (Long Xuyên), ông được lệnh vua Minh Mạng cho đào một con kênh dài gần 100km, nối liền Châu Đốc đến cửa biển Giang Thành (Hà Tiên). Sau gần 5 năm (1819-1824) thi công, công trình đường sông nhân tạo này đã hoàn thành, đem lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi và biên phòng cho miền Tây Nam bộ nói riêng, Tổ quốc nói chung.

Để tưởng thưởng ông, vua Minh Mạng sắc ban đặt tên con kênh Đông Xuyên theo tên ông là Thoại Hà, cải tên núi Sập cạnh đó thành Thoại Sơn; đặt tên con kênh Châu Đốc – Hà Tiên theo tên vợ ông là Vĩnh Tế Hà (kênh Vĩnh Tế), cải tên núi Sam thành Vĩnh Tế Sơn.

Ông mất tại Châu Đốc ngày 6-6 năm Kỷ Sửu (1829), an táng tại núi Sam. Ngày nay, bia Thoại Sơn và đền thờ ông ở An Giang (được nhân dân địa phương gọi là Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu) đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tri ân công đức của ông, người dân An Giang có câu ca dao: Nhớ ông Bảo Hộ ngày xưa,/ Dựng làng, mở cõi nắng mưa dãi dầu.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1.155m, rộng 10,5m (ảnh), từ ngã tư đường Ngô Quyền đến giáp đường Trường Sa, thuộc phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 07/1998/NQ-HĐ ngày 2-7-1998 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.