.

Độc đáo tranh lông gà

.

Trong căn gác nhỏ ở phố Trần Quý Cáp, Hội An, người đàn ông vừa bước vào tuổi 52 đang bận rộn chọn lựa những bức tranh cho cuộc triển lãm đầu tiên của anh vào dịp đô thị cổ tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản vừa qua. Phải mất đến 35 năm miệt mài sáng tác, đây là lần đầu tiên Đinh Ngọc Đạt, tên của ông, mới có dịp giới thiệu các tác phẩm của mình tại quê nhà… Và Đạt đã chọn 52 bức tranh vừa ý nhất cho cuộc trưng bày.

Thiếu nữ phố Hội.
Thiếu nữ phố Hội.

Những bức tranh Phố cổ mùa lụt, Xóm dừa Cẩm An, Chân dung Trịnh Công Sơn thời thanh niên, Thiếu nữ phố Hội, Chọi gà, Chùa Cầu, Ngựa, Mèo, Trâu cày… bằng chất liệu lông gà đủ màu sắc ghép lên vải, toát lên vẻ đằm thắm mà sâu lắng như tính cách người Hội An. Chủ đề mỗi tác phẩm cũng bình dị và gần gũi với đời sống người Hội An, nhưng do chất liệu độc đáo nên thu hút được nhiều du khách yêu mỹ thuật. Nhiều bức đã được du khách nước ngoài đến mua với giá từ 5 triệu đồng đến 500 USD đã giúp người cựu chiến binh phố Hội có thể sống được suốt hơn 30 năm nay bằng hội họa. Đạt kể: “Từ khi thấy con gà trống với bộ lông sắc màu sặc sỡ lang thang vườn nhà trong ánh nắng ban mai, tôi cảm thấy có điều gì đang thay đổi trong đời mình. Với năng khiếu hội họa từ khi còn ngồi ghế nhà trường, nhân dịp tiễn người bạn vào quân ngũ, tôi liền lấy bút giấy ra vẻ cảnh chùa Cầu và dùng keo dán những chiếc lông gà nhiều màu khác nhau thu nhặt ngoài chợ lên bức vẽ để tặng bạn… để nhắc nhở anh ấy về tình yêu quê hương…”.

Sau đó, năm 19 tuổi, Đạt cũng vào bộ đội và may mắn được phân công vẽ bản đồ cho đơn vị. Năng khiếu nhờ vậy cũng được nâng lên và sau ngày xuất ngũ, anh quyết định theo đuổi hội họa theo cách riêng của mình bên cạnh nghề tay trái là hướng dẫn du lịch và dạy tiếng Anh…

“Những chiếc lông gà nếu mình không mua thì người ta đổ vào thùng rác. Mình mua về, chọn lựa theo kích cỡ, màu sắc, làm vệ sinh và giữ riêng trong các túi ni-lông. Chờ cho đến khi một ý tưởng sáng tạo được thể hiện xong lên khung vải bằng bút, thì cẩn thận cắt, dán những chiếc lông gà ấy lên theo từng gam màu mình đã nghĩ trong đầu… Có khi cả tuần lễ mới xong một bức tranh…”, Đạt tâm sự.

Nhà chật, không có chỗ trưng bày, Đạt tranh thủ đưa tranh ra treo ở gian hàng tạp hóa của vợ để giới thiệu với du khách. Trong dịp lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản vừa qua, bức Thiếu nữ phố Hội đã được một du khách Nhật trả đến 500 USD tại phòng triển lãm. “Bán nhưng mà tiếc đứt ruột, bởi mỗi tác phẩm là một bản độc nhất! Có thể làm bức khác cùng chủ đề, nhưng cảm xúc ban đầu thì không còn nữa…”. Chưa học qua trường lớp hội họa nào, nhưng cảm nghĩ của Đinh Ngọc Đạt cũng là cảm nghĩ chung của nhiều nghệ sĩ về giá trị không bao giờ lặp lại của mỗi khoảnh khắc sáng tạo và áp lực của đời sống cơm áo khó có thể vượt qua…

NGUYỄN SÔNG HÀN
 

;
.
.
.
.
.