.

Hạ tầng đồng bộ

Trong chuyến thăm Đà Nẵng mới đây, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak (Lào) Xỏn Xay Sỉ Phăn Đon nhìn nhận rằng, việc mở đường bay trực tiếp từ Savannakhet và Paksé (Champasak) của Lào đến Đà Nẵng đã tạo cơ hội cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương của Lào với Đà Nẵng và đây cũng là biểu hiện sinh động, cụ thể của “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”. Cùng với việc liên kết trong tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), thì việc mở đường bay trực tiếp góp phần kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch, thương mại... giữa các địa phương của hai nước trong thời gian tới.

Như vậy, với đường bay quốc tế trực tiếp trên được mở từ tháng 3-2012, thì đến nay, Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Đà Nẵng đã có 12 đường bay thẳng, kết nối Đà Nẵng với các địa phương của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó chủ yếu tập trung ở thị trường Trung Quốc, Nga, Lào...; qua đó góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong 8 tháng đầu năm nay tăng 18% so với năm trước.

Cùng với việc nâng cấp, mở rộng Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ của Cảng HKQT Đà Nẵng, thì việc mở các đường bay trực tiếp đã cho thấy nỗ lực trong việc xây dựng hạ tầng giao thông trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Đà Nẵng ngày càng đồng bộ. Trong đó, có việc nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông của thành phố, liên kết với các tỉnh khu vực miền Trung và với các nước trong khu vực. Đây chính là điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng việc khai thác hiệu quả các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Bởi, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy hành khách của các đường bay thẳng đến Đà Nẵng chỉ ở mức khoảng 50%, nhất là lượng khách đi từ Đà Nẵng còn thấp hơn, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào đường giao thông nhanh chóng, tiện lợi này.

Chính vì vậy, việc kết nối các loại hình giao thông như: đường bộ, đường biển và đường hàng không của Đà Nẵng với các địa phương trong nước và quốc tế là điều cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đường bay quốc tế đến Đà Nẵng. Giao thông thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và đa dạng các loại hình sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của khách du lịch để họ đến và đi từ Đà Nẵng bằng đường bay quốc tế; từ đó đến các vùng trong nước hoặc các quốc gia khác. Khách du lịch quốc tế cần có những điểm tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm... hấp dẫn, mang đặc trưng không chỉ của Đà Nẵng mà của miền Trung và Việt Nam. Muốn như vậy, thì cùng với việc nâng cấp hạ tầng phục vụ du lịch, thương mại... của Đà Nẵng, cần có sự kết nối giao thông thuận tiện đến các điểm du lịch quan trọng như các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Phong Nha-Kẻ Bàng). Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến các tuyến đường biển, đường bộ nhằm khai thác lợi thế là đầu mối giao thông của Đà Nẵng.

Hiện nay, tại khu vực duyên hải miền Trung, đã có 4 Cảng HKQT là: Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai và Cam Ranh. Đồng thời, là sự hiện diện của 7 cảng biển nước sâu chia đều trong khu vực và kết nối hạ tầng giao thông đường bộ thông suốt trên tuyến Bắc-Nam. Nếu so sánh, thì Đà Nẵng luôn có điều kiện để khai thác sự đồng bộ trong hệ thống hạ tầng giao thông cũng như một số lĩnh vực khác. Từ đó, cơ hội cho việc ngày càng nâng cao chất lượng các đường bay thẳng quốc tế là điều dễ dàng nhận thấy.

Mới đây, Thành ủy Đà Nẵng đề ra Chương trình hành động về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố trước năm 2020. Trong đó, hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng. Về đường bộ, mục tiêu trước năm 2015, đầu tư các trục đường vành đai nhằm mở rộng đô thị, gắn kết hiệu quả giao thông của thành phố với hệ thống giao thông quốc gia trên quốc lộ 1A, 14B, 14G và tuyến cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất (Quảng Ngãi). Về đường thủy, cũng đến năm 2015, hoàn thành xây dựng Cảng Sơn Trà và sau năm 2020 xây dựng Cảng Liên Chiểu thành cảng dịch vụ, du lịch. Về đường sắt, xây dựng nhà ga đường sắt mới nằm trên trục Tây Bắc số 2. Đặc biệt, Cảng HKQT Đà Nẵng tiếp tục được nâng cấp đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế và lưu lượng thông qua 6 triệu khách mỗi năm vào năm 2020; đồng thời chuyển đổi Sân bay Nước Mặn thành sân bay phục vụ du lịch...

Như vậy, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ phát huy lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng, để từ đó đường bay quốc tế sẽ tiếp tục được khai thác một cách hiệu quả hơn!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.