.

Những cây me của tuổi thơ

.

Tất cả chúng ta ai cũng có những kỷ niệm đáng nhớ của thời thơ ấu.

Lúc còn nhỏ, tôi ở Đà Nẵng, đã trải qua cấp tiểu học ở Trường con trai (nay là Trường Phù Đổng). Gia đình tôi ở dưới Trẹm, tức là một khu vực của phường Thuận Phước bây giờ. Từ nhà đến trường, sao lúc ấy chúng tôi thấy xa ơi là xa! Bọn bạn chúng tôi đều là con công chức thuộc mức sống bậc trung, không dư dả mấy nên thường tập hợp lại và tìm những thú vui chung với nhau.

Cây me cổ thụ giờ vẫn còn trong khuôn viên Ngân hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Eximbank) trên đường Trần Phú.                                                                                                                Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Cây me cổ thụ giờ vẫn còn trong khuôn viên Ngân hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (Eximbank) trên đường Trần Phú. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Trên đường đi đến trường, chúng tôi thường nhặt những quả có cánh của một loại cây không biết tên là gì, ném lên trời, quả rơi xuống lượn quay tròn, trông rất đẹp mắt. Các vỏ bọc bông cây đa cũng là trò chơi thú vị của chúng tôi thời ấy: vò vò rồi thổi phồng lên, xong đánh bụp một cái, phát ra tiếng nổ nghe cũng vui tai. Chúng tôi thường đi học sớm, nhất là buổi chiều. Các bạn biết vì sao không? Trước cửa trường, phía nhà số 33 Phan Đình Phùng hiện nay có nhiều cây keo tây. Đến mùa, trái keo tây chín ăn rất ngon. Nhưng trái lủng lẳng ở trên cao như vậy thì làm sao bây giờ? Chúng tôi bèn chia nhau đi tìm sào, tìm móc làm cù nèo để hái. Keo tây chín, ăn ngòn ngọt cũng hay và rất hấp dẫn với cái túi rỗng không của những em học sinh nghèo như chúng tôi. Mấy bạn giàu có ít khi đi học sớm và các bạn ấy không biết cái thú khèo keo tây giữa trưa hè nắng gắt đâu.

Tuy nhiên, có lẽ thú nhất vẫn là chuyện hái me. Trên bãi trống, ở chỗ Ngân hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng (đường Trần Phú) hiện nay có cây me và đó là nơi bọn nhỏ chúng tôi thường tụ tập nhất. Từ ngoài đường, trước Sở Tài chính ( nay là trụ sở Thành ủy Đà Nẵng) vào cây me chưa đầy hai mươi thước mà sao lúc nhỏ, chúng tôi thấy xa kinh. Cả lũ công kênh nhau trèo lên cây, tha hồ hái, nhét đầy túi... Cây me ấy hiện nay vẫn còn và chắc chắn nó đã trên trăm tuổi, có khi đã gần hai trăm nữa kia vì thời ấy, me đã lớn lắm rồi mà nay thì nhiều anh em chúng tôi đã trên tám mươi...

Nhưng chúng tôi lại còn những kỷ niệm khó quên về câu chuyện hái trộm me của ông quan một khố xanh. Mà sao gọi là trộm được: cây me trong vườn ông quan một đâu phải do ông ta trồng! Nó từ bên Tây, xa tít mù qua đây lại còn lấy cây của bà con Đà Nẵng làm của riêng à? Không được! Mà me chua chấm muối ớt nhâm nhi với nhau thì thật là tuyệt. Ấy thế là chúng tôi chia nhóm ra. Một số bạn quá nhỏ hoặc ít lanh lợi thì đứng ngoài bờ rào giữ giúp cặp sách, coi chừng lính “bu lít”. Còn tôi và mấy bạn khác thì xung phong nhảy vào vườn, trèo lên cây me hoặc dùng đá ném, dùng sào hái quả. Cái thú “trộm me” này còn pha lẫn chút ít màu sắc của tư tưởng thách đố lão quan một nữa. Và điều đó cũng là lẽ bình thường đối với những cậu học sinh lên chín, lên mười đã biết tụ tập dưới trướng của các bậc đàn anh, tham dự những trận phục kích ném đá bọn Tây con làm phách đáng ghét...

Hiện nay cây me ở vườn tên quan một (bên trái Trường Phù Đổng, ở chỗ nhà hàng Kim’s) không còn nữa, tuy nhiên, mỗi lần đi trên đường Trần Phú, ngang qua rạp Lê Độ xuôi về chợ Hàn, tôi đạp xe chậm lại, bùi ngùi nhìn cây me cổ thụ bên phải đường, miên man hồi tưởng những kỷ niệm đẹp của một thời.

XUÂN NGỌC
 

;
.
.
.
.
.