.

Mượt mà Làng Lụa

.

Với mong ước hình thành một tụ điểm văn hóa nghề truyền thống để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử-văn hóa của nghề tơ lụa truyền thống, về văn hóa mặc ở Di sản văn hóa Hội An, Công ty CP tơ lụa Quảng Nam đã quyết định đầu tư trên 20 tỷ đồng cho giai đoạn một trên một diện tích 2,1 héc-ta để làm dự án “Làng Lụa ” tại Phường Tân An-Hội An. Dự án phục hồi văn hóa làng nghề tơ tằm canh cửi xứ Quảng này vừa chính thức mở cửa từ giữa tháng 8 vừa qua.

Cần mẫn bên khung cữi.
Cần mẫn bên khung cữi.

Tại đây, du khách có thể hưởng thụ một không gian làng nghề sống động, tìm hiểu 40 gốc dâu có nguồn gốc từ Chămpa, xem các loại khung dệt cổ Chăm, Việt, các loại tằm cái kén. Trong tiếng hát hò dân gian ngàn đời ở miền Trung, người ta sẽ cảm nhận về vùng đất từng có một câu chuyện đẹp về bà chúa Tằm tang, cô thôn nữ xứ Quảng đi hái dâu bên sông Thu Bồn đã gặp Thế tử Nguyễn Phước Lan, con của Chúa Sãi, để sau này cô gái ấy trở thành con dâu nhà Chúa với tên gọi Đoàn Quý Phi.

Không gian Làng Lụa xuyên suốt với nhà thờ bà chúa Tằm tang ở đầu làng. Còn ở những ngôi nhà, các cô gái cần mẫn với khung cửi, với nong tằm, nén tơ óng ánh vàng ươm. Trong không gian đó, người ta có thể hiểu rõ hơn về nghề tơ tằm, về thứ lụa truyền thống của Quảng Nam và thổ cẩm Chăm, những sản phẩm ghi dấu ấn của những tộc người Chăm và Việt cùng sống trên mảnh đất này. Dự án cũng làm sống lại một nghề truyền thống ngay nơi ngày xưa Hội An là thương cảng đưa tơ lụa của Quảng Nam ra thế giới, người Đàng Trong có thể tự hào đây là nơi khởi đầu con đường tơ lụa trên biển của người Việt...

Ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, người khởi xướng và là “linh hồn” của Làng Lụa này cho biết: “Tại Làng Lụa, chúng tôi lưu giữ các nguồn gene quý về dâu tằm, giống tằm, có bộ sưu tập nhà rường đúng kiến trúc Quảng Nam, tổ chức các hoạt động thao tác nghề, sản xuất lụa tơ tằm Quảng Nam, đồng thời là điểm du lịch với rất nhiều dịch vụ”. Để hình thành nên dự án, nhiều năm qua, ông Vũ  đã bỏ công sưu tầm những mẫu kiến trúc nhà rường đặc trưng Quảng Nam; nghiên cứu trong các bảo tàng gene để tìm kiếm lại giống dâu Chămpa đã từng hiện diện ở xứ Đàng Trong; sưu tập những khung dệt cổ xưa trong các làng Mã Châu, Duy Xuyên, làng dệt trên vùng Trung Phước, Quế Sơn.

Những gốc dâu Chămpa cổ thụ làm nên vẻ đẹp riêng có của Làng Lụa.         Ảnh: H.T.TÚ
Những gốc dâu Chămpa cổ thụ làm nên vẻ đẹp riêng có của Làng Lụa. Ảnh: H.T.TÚ

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, Lê Thái Vũ đã tìm ra cây dâu của người Chăm xưa trên vùng núi Quảng Nam. Ông cũng không ngừng tìm kiếm từng khung nhà cổ xưa, ngồi hàng giờ bên những khung dệt cũ để xác định tính chất của từng loại khung dệt của người Chăm từng định cư hàng nghìn năm trước và của người Việt mang theo khung cửi trong hành trình về phương Nam. Với sự tư vấn của KTS Hoàng Đạo Kính về kiến trúc làng Việt và  những gì còn lưu trong ký ức của ông Vũ, Làng Lụa là sự giao hòa giữa những nếp nhà rường cổ xưa, hàng cau sai trái đến lứa chuối non vừa cho trái đợt đầu dọc đường làng quanh co uốn lượn giữa đầm sen, hàng cây cổ thụ.

Trong dịp khai trương, du khách được thưởng thức triển lãm 100 bộ trang phục dân tộc Việt cổ xưa và những tour tham quan rất sống động qua 9 điểm tham quan đặc sắc như nhà truyền thống, vườn dâu Chămpa 500 năm tuổi, vườn dâu Việt, nhà nuôi tằm, nhà ươm tơ, nhà dệt, khu ẩm thực.... Các công ty lữ hành tại Đà Nẵng cũng nhanh chóng đưa Làng Lụa vào trong các chương trình tour đưa khách đi Hội An-Đà Nẵng-Huế.

TRIỀU NHAN
 

;
.
.
.
.
.