.

Những ngày được sống

.

Với những bệnh nhân (BN) đang chạy thận nhân tạo tại một số bệnh viện ở Đà Nẵng, những dòng máu ấm áp đang tiếp sức cho họ chất chứa bao nhiêu ân tình sâu nặng. Mỗi ngày qua đi, tình thương của người thân, sự sẻ chia của cộng đồng càng khiến cho họ thêm trân trọng, quý giá những tháng ngày được sống trên đời.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Cứ 3 lần một tuần, BN Nguyễn Văn Quang (30 tuổi) trú tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đều đến khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) để chạy thận lọc máu. 4 năm nay, căn bệnh đã khiến cho sức khỏe của Quang dần xuống dốc. Hằng ngày, nhìn thấy con đau ốm, mệt mỏi, vật vã  trong từng giấc ngủ, ruột gan chị Nguyễn Thị Thi đau như dao cắt. Lúc còn ở quê, gia đình làm nông cũng có đồng ra đồng vào, nhưng giờ thì cuộc sống hai mẹ con đã khép lại trong khuôn viên bệnh viện. Để trang trải cho những chi phí phát sinh trong quá trình điều trị, những lúc Quang đến phòng bệnh lọc máu, chị Thi lại tất tả ra ngoài tìm việc làm thuê. Giờ, Quang còn bị suy tim, huyết áp cao, không thể xoay xở một mình được. Có bữa chị làm tới 9 giờ đêm mới về, nhưng cũng phải ngồi xoa bóp cho Quang, để ru Quang vào giấc ngủ.

Bao năm nay, chị Võ Thị Hoa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) một mình gánh vác chuyện gia đình, nuôi ba con ăn học. Nhưng giờ đây, chị không còn đủ sức lo cho con nữa, mọi việc trong nhà đều nương nhờ đứa con gái lớn vừa đi làm thuê, vừa chăm cho hai em. Chị cũng đành tá túc trong khu dịch vụ nhà ở của BVĐN để chạy thận nhân tạo. Sức khỏe của chị cũng chẳng khá lên là mấy, chuyện kiếm sống nhờ tất cả vào đứa con lớn. Thương con nhưng lực bất tòng tâm!

Trong số hơn 210 BN đang chạy thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo, BVĐN, rất nhiều BN có gia cảnh nghèo khó. Mỗi khi cuộc sống của họ vốn đã chạy ăn từng bữa thì dù BN là lao động chính trong gia đình, hay là con cái, người thân, thì không sớm thì muộn, bao nhiều tiền bạc trong nhà đều cạn kiệt. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, có những người bệnh không có cả người thân để tựa một bờ vai. Như chị Nguyễn Thị Lựu, không chồng, không con, lủi thủi một thân một mình trong bệnh viện. Cơm thì nhờ các tổ chức từ thiện cấp phát, nơi ở, nhờ bệnh viện hỗ trợ phần nào kinh phí. Bao nhiêu người lúc tuyệt vọng, chỉ biết ngửa mặt hỏi ông trời: Tại sao lại mắc căn bệnh quái ác này, để suốt đời phải sống nhờ vào máy móc, sức khỏe và tiền bạc ngày càng cạn kiệt.

Chính sách riêng có ở Đà Nẵng

Một lần, đến thăm các  BN trong khoa Thận, tận mắt chứng kiến những nỗi đau và  bao vất vả, khó khăn của người bệnh, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và lãnh đạo UBND thành phố đã đưa ra một quyết định chưa ở đâu có được: Hỗ trợ chi phí đồng chi trả BHYT (từ 5% - 20%) cho  BN chạy thận có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Chủ trương được thực hiện ngay sau đó ít lâu (từ tháng 6-2011) đã thực sự trút bớt nỗi lo chất chồng trong mỗi BN. Anh Hồ Lựu (37 tuổi) trú tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vui mừng khôn xiết. 7 năm chữa trị, anh tốn không ít tiền cho việc chạy thận. Sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động, lại chưa lập gia đình nên mọi việc anh đều phải tự lo. Giờ đây, “bớt bận lòng chuyện kiếm tiền; vay mượn tiền của người thân, còn chi vui bằng”, anh Lựu chia sẻ.

Đối với chị Võ Thị Nga (Thăng Bình, Quảng Nam) những lo toan đè nặng trên vai từ khi đưa con vào bệnh viện chạy thận như được trút bỏ phần nào. Chồng bị tai biến hơn chục năm nay, đứa con nhỏ thì bị teo cơ, không đi lại được. Đứa lớn là Trần Văn Tuấn giờ phải chung sống cho đến cuối đời nhờ vào việc lọc máu nhân tạo. Bỏ con thì không thể, còn theo chữa bệnh thì tiền đâu nuôi sống cả gia đình. Hai chữ “miễn phí” thực sự là một cứu cánh cho gia đình chị khỏi rơi vào cảnh cùng cực, không lối thoát.

Cho đến nay, Đà Nẵng là thành phố duy nhất trong cả nước dùng ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đồng chi trả BHYT (trung bình mỗi tháng trên 60 triệu đồng) cho BN chạy thận nhân tạo là người Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cùng với chủ trương này, Đà Nẵng  đã đầu tư gần 8 tỷ đồng mua 16 máy chạy thận nhân tạo, nâng tổng số máy hoạt động tại BVĐN lên 44 máy, góp phần giảm áp lực quá tải và nâng cao chất lượng điều trị cho BN.

Sự quan tâm, cùng với chính sách ưu đãi của Đà Nẵng là điều mà bất cứ BN nào cũng ước ao. Ông Nguyễn Việt (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) hiện đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo, BVĐN chia sẻ: “Từng ngày, từng đêm tôi mong sao Quảng Ngãi cũng có máy chạy thận nhân tạo và cũng được miễn phí như ở Đà Nẵng. Lúc đó, tôi sẽ được gần gia đình hơn và không phải tốn nhiều tiền đi lại”.

Sau BVĐN, Bệnh viện Hoàn Mỹ - bệnh viện ngoài công lập - cũng bắt đầu thực hiện chính sách miễn chi phí chạy thận nhân tạo cho BN từ đầu năm 2012. Anh Nguyễn Xuân Hiệp (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đến Bệnh viện Hoàn Mỹ chạy thận nhân tạo từ tháng 2 năm 2012 và ngay sau đó đã được thụ hưởng chính sách đầy tính nhân đạo của bệnh viện. “Bệnh viện miễn tiền lọc máu. Còn các khoản thuốc men khác thì trong khả năng của gia đình vẫn có thể lo được”, anh Hiệp hài lòng.

Cần lắm những tấm lòng

Tìm một bóng mát trong khuôn viên BVĐN, ông Phan Hòa đến từ huyện Quế Sơn (Quảng Nam) chờ nhận cơm từ thiện từ những nhà hảo tâm. Trong khi vợ và con đang ở Sài Gòn kiếm sống, một mình ông trú lại bệnh viện để lọc máu hằng tuần. Nếu không có sự giúp đỡ từ những cá nhân, tổ chức từ thiện thì cuộc sống của ông càng thêm chật vật, khốn khó. Chị Phan Thị Thanh Vân, điều dưỡng viên của khoa Thận nhân tạo, BVĐN cho biết, đa phần những BN chạy thận nhân tạo ở khoa đều có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người đến từ tỉnh Quảng Nam.

Ai khó, ai khổ như thế nào, chị Vân nắm rõ hết và cố gắng tìm cách để phụ giúp họ. Trước đây, khi chưa được hỗ trợ 50% chi phí ở trọ, tại khu dịch vụ lưu trú của bệnh viện, các BN đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi phải ngủ vạ vật dọc hành lang bệnh viện. Giờ nhờ có khoa chủ động xin kinh phí tài trợ từ các cá nhân, tổ chức hảo tâm, một phần tiền trọ của BN chạy thận được khoa hỗ trợ. “Thế nhưng, khoản kinh phí này có hạn, không thể duy trì lâu được”, chị Vân lo âu. Trung bình mỗi tháng, BN và người nhà của họ phải tốn khoảng 700.000 đồng chi trả cho tiền trọ. Chưa kể tiền thuốc men chữa những bệnh do biến chứng suy thận mà ra, họ còn phải lo nhiều khoản sinh hoạt phí khác. Gánh nặng này quả thực khiến cho nhiều BN thêm lao tâm, còn người nhà của họ cũng phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền để tiếp tục duy trì việc điều trị.

Nói sao cho hết những mong ước của BN bị suy thận mãn. Bởi cuộc sống của họ giờ đây chỉ gắn liền với máy móc, với bệnh viện và nỗi ám ảnh của bệnh tật. Họ chỉ mong sao, có người chia sẻ nỗi đau của mình, giúp cho họ phần nào những khó khăn về vật chất để động viên họ lạc quan, chiến đấu với bệnh tật. Mỗi lần, một người bệnh qua đời sau một thời gian dài điều trị, các bác sĩ cùng các cộng sự đã từng kề cạnh bên người bệnh lại cảm thấy như mất mát một người thân, bởi đã quá lâu rồi, họ đã quá quen thuộc, gắn bó cùng nhau, chia sẻ biết bao buồn vui và ước nguyện. Sự giúp đỡ của chính quyền thành phố, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã san sẻ phần nào khó khăn cho những BN, để họ có thêm niềm an ủi và mỗi ngày qua đi, lại trân trọng, quý giá những tháng ngày được sống ở trên đời.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận Nhân tạo, BVĐN: Những  BN mắc bệnh suy thận mãn chỉ có thể điều trị theo 3 phương pháp: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận.

Trong đó, phương pháp lọc màng bụng có trước cả phương pháp lọc máu bằng thận nhân tạo. Với phương pháp này, màng bụng như một máy chạy thận nhân tạo, được sử dụng để lọc các chất độc và điều chỉnh nước - điện giải và thăng bằng kiềm cho toàn bộ cơ thể. Người bệnh có thể tự thực hiện phương pháp lọc màng bụng tại nhà và chỉ cần đến bệnh viện mỗi tháng một lần để kiểm tra, lấy dịch. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với những người bệnh có độ tuổi trẻ (dưới 50 tuổi), thể trạng còn khỏe, có trình độ nhận thức nhất định và chưa mắc các biến chứng do suy thận gây ra như suy tim, huyết áp cao… Ngoài ra, việc lọc màng bụng cần tiến hành trong điều kiện vô trùng, nên nếu không cẩn thận, không thực hiện đúng như hướng dẫn thì sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Việc lọc màng bụng cũng chỉ thực hiện được trong vòng khoảng 5 năm. Sau đó, màng bụng sẽ bị suy giảm chức năng, không còn khả năng lọc chất độc và điều chỉnh nước như lúc đầu. Và đến khi đó, người bệnh cũng vẫn phải áp dụng phương pháp chạy thận nhân tạo tại bệnh viện.

Phương pháp tối ưu nhất đối với  BN suy thận mãn là chạy thận nhân tạo. Với phương pháp này, BN đến bệnh viện để lọc máu 3 lần/tuần. Với những người sức khỏe còn tốt, chưa có biến chứng gì thì việc chạy thận nhân tạo có thể giúp kéo dài sự sống.Tuy nhiên, với người lớn tuổi, người có thể trạng yếu hoặc đã mắc thêm các bệnh khác vì biến chứng suy thận thì kém hiệu quả hơn.

Đối với phương pháp ghép thận, người bệnh khó có thể tìm được quả thận tương thích, nên đến nay, các bệnh viện ở Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện phương pháp này. Luật hiến tạng đã ra đời, nhưng người tình nguyện cho tạng từ người mất não, hoặc tử vong do tai nạn giao thông quá ít ỏi. Ngoài những nỗ lực lớn lao của các thầy thuốc, giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng, một điều không thể thiếu được chính là những nghĩa cử cao đẹp và sự thấu hiểu của cộng đồng.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.